Image SliderImage SliderImage SliderImage SliderImage Slider

Tin nổi bật:

Thông báo về việc công bố Dự thảo Báo cáo tự đánh giá chương trình đào tạo ngành Điều dưỡngThông báo về việc công bố Dự thảo Báo cáo tự đánh giá chương trình đào tạo ngành Điều dưỡng
Thông tin y học

Khuyến cáo mới trong điều trị bệnh tiêu chảy cấp13/11/2017 16:19:14

KHUYẾN CÁO MỚI TRONG ĐIỀU TRỊ TRẺ BỊ TIÊU CHẢY CẤP

 

1. Định nghĩa

Tiêu chảy cấp là đi cầu phân lỏng hoặc tóe nước từ 3 lần trở lên trong ngày (24 giờ) và kéo dài không quá 14 ngày (thường dưới 7 ngày).

Nếu tiêu chảy trên 2 tuần hoặc nhiều hơn gọi là tiêu chảy kéo dài.

2. Tác nhân gây bệnh:

- Tên tác nhân: Rotavirus. Năm 1972, Kapikian và cộng sự lần đầu tiên phát hiện ra một vi rút có liên quan đến bệnh ỉa chảy và đặt tên là Norwalk. Đến năm 1973, Bishop quan sát dưới kính hiển vi điện tử vi rút giống như Reovirut và đặt tên là vi rút Rota.

- Khả năng tồn tại trong môi trường: Vi rút Rota sống bền vững trong môi trường, có thể sống nhiều giờ trên bàn tay và nhiều ngày trên các bề mặt rắn. Loại vi rút này vẫn ổn định và có khả năng gây bệnh khi sống trong phân một tuần. Vi rút bị bất hoạt nhanh chóng khi bị xử lý bằng EDTA (ethylendiamintetracetic acid), ở nhiệt độ cao trên 450C. Chúng bị bất hoạt ở pH < 3 hoặc pH > 10, nhưng có sức đề kháng tốt đối với Clo và Ete.

3.Nguồn truyền nhiễm

- Ổ chứa: người là ổ chứa vi rút Rota duy nhất. Các loại vi rút Rota ở động vật như chó, mèo, ngựa... không gây bệnh ở người.

- Yếu tố truyền bệnh: là phân của bệnh nhân hoặc người lành mang vi rút Rota. Phân sẽ làm ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguồn nước. Ngoài ra, có thể gây ô nhiễm thực phẩm và các vật dụng khác

- Thời gian ủ bệnh: từ 1-7 ngày, trung bình 2-3 ngày kể từ khi vi rút xâm nhập vào cơ thể

- Thời kỳ lây truyền: Các triệu chứng của bệnh tiêu chảy do vi rút Rota được bắt đầu rất đột ngột. Thời kỳ lây truyền có thể kéo dài tới 3 tuần, tuy nhiên thường khoảng 7-8 ngày kể từ lúc bệnh bắt đầu.

4. Biểu hiện lâm sàng

Tiêu chảy cấp do vi rút Rota là bệnh cấp tính do vi rút gây nên; Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ với các triệu chứng nôn ói, tiêu chảy, đau bụng, mất nước

Sau khi bị lây nhiễm khoảng 1- 2 ngày, trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng:

+ Nôn ói và tiêu chảy. Nôn xuất hiện trước tiêu chảy khoảng 6-12 giờ và có thể kéo dài 2-3 ngày. Trẻ nôn rất nhiều vào ngày đầu và giảm bớt khi bắt đầu đi tiêu chảy.

+ Phân lỏng toàn nước, có lúc màu xanh dưa cải, có thể có đờm, nhớt nhưng không có máu, đây là đặc điểm quan trọng để chẩn đoán phân biệt với ỉa chảy do vi khuẩn. Tiêu chảy ngày càng tăng trong vài ngày, sau đó giảm dần, kéo dài từ 3-9 ngày.

+ Sốt vừa phải

+ Đau bụng

+ Có thể ho và chảy nước mũi

Do vừa bị nôn và tiêu chảy nhiều, trẻ bị nhiễm vi rút Rota rất dễ bị mất nước nếu không được chăm sóc thích hợp. Biến chứng nguy hiểm và trầm trọng của bệnh là khô kiệt do mất nước và mất muối, dễ dẫn đến trụy mạch và tử vong nếu không được bù nước kịp thời. Các biểu hiện của mất nước bao gồm: khát nước, môi khô, lưỡi khô, da khô, tiểu ít, kích thích, quấy khóc.

Bảng đánh giá mức độ mất nước và hướng xử trí

(theo chương trình IMCI)

Nhìn:

-Toàn trạng

- Mắt

- Khát

 

-Tốt, tỉnh táo

- Bình thường

- Không khát

 

- Kích thích,vật vã

- Trũng

- Khát,uống háo hức

 

- Li bì, hôn mê

- Rất trũng và khô

- Không thể uống được

Sờ véo da

Nếp véo mất nhanh

Nếp véo mất chậm

Nếp véo mất rất chậm

Đánh giá

Không có dấu hiệu mất nước

Nếu có 2 dấu hiệu trở lên: Mất nước nhẹ hoặc trung bình

Nếu có 2 dấu hiệu trở lên: Mất nước nặng

 

Điều trị

 Sử dụng phác đồ A

Sử dụng phác đồ B

Sử dụng phác đồ C

 

5. Nguyên tắc điều trị: Với tiêu chảy cấp do vi rút Rota điều trị bằng kháng sinh

không hiệu quả. Ở thể nhẹ không có biến chứng, bệnh thường tự khỏi sau 3-4 ngày. Việc điều trị chủ yếu là phòng biến chứng: bù nước và chất điện giải khi trẻ bị mất nước. Đối với trẻ bị bệnh nhẹ, sau khi đưa trẻ đến khám ở các cơ sở y tế, có thể để trẻ ở nhà và chăm sóc theo sự hướng dẫn của thầy thuốc. Chú ý các điểm sau:

- Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường. Có thể dùng nước đun sôi để nguội, nước canh rau, nước khoáng (không gas), hoặc cho trẻ uống Oresol theo hướng dẫn của thầy thuốc.

- Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng như bình thường, phù hợp theo lứa tuổi. Tiếp tục cho trẻ bú mẹ, nếu trẻ bú bình cần vệ sinh bình, núm vú và dụng cụ pha sữa kỹ hơn.

- Tuyệt đối không dùng thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ vì các thuốc này có thể làm giảm nhu động ruột làm liệt ruột khiến phân không thải ra ngoài (chứ không có tác dụng diệt vi rút, nguyên nhân gây nên tiêu chảy).

6. Một số khuyến cáo mới trong điều trị bệnh tiêu chảy

6.1. Tầm quan trọng của bổ sung kẽm trong điều trị tiêu chảy

Trẻ tiêu chảy bị mất một lượng lớn kẽm trong quá trình bị bệnh. Bù lại lượng kẽm bị mất đi do tiêu chảy rất quan trọng để giúp trẻ sớm hồi phục bệnh (giảm thời gian, mức độ nặng của tiêu chảy), đồng thời giúp cho trẻ tăng cường sức khỏe và giảm nguy cơ mắc đợt tiêu chảy mới trong những tháng tiếp theo sau tiêu chảy.

6.2. Sử dụng ORS có độ thẩm thấu thấp trong điều trị tiêu chảy:

Hiệu quả điều trị đối với trẻ em sẽ tốt hơn nếu giảm nồng độ của natri, glucose và độ thẩm thấu toàn phần xuống thấp hơn so với ORS chuẩn trước đây. ORS chuẩn trước đây có độ thẩm thấu cao so với huyết tương nên có thể gây tăng natri máu, đồng thời gia tăng khối lượng phân thải ra, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Ưu điểm của ORS nồng độ thẩm thấu thấp làm giảm khối lượng tiêu chảy và nôn.
An toàn, hiệu quả trong điều trị và phòng mất nước bất kể nguyên nhân gì.

Bảng Thành phần dung dịch ORS chuẩn và ORS nồng độ thẩm thấu thấp

Thành phần

Oresol thẩm thấu thấp

Oresol cũ

[Na+](mmol/l)

75

90

[K](mmol/l)

20

20

[Cl](mmol/l)

65

80

[Citrat](mmol/l)

10

10

[Glucose](mmol/l)

75

111

Áp lực thẩm thấu

245

311


ORS mới khi sử dụng tại các bệnh viện đã làm giảm nhu cầu truyền dịch không theo phác đồ, giảm khối lượng phân thải ra và ít nôn hơn. Không thấy có sự nguy hiểm khi có giảm natri máu khi so sánh với ORS chuẩn trước đây.

 

 Tài liệu tham khảo

  1. Bộ y tế (2009), Quyết định số: 4121/QĐ-BYT về ban hành tài liệu hướng dẫn xử trí tiêu chảy ở trẻ em.
  2. Tổ chức y tế thế giới (2014), IMCI hướng dẫn xử trí lồng ghép trẻ bị bệnh

Người viết: Ngô Thị Phương Hoài