Image SliderImage SliderImage SliderImage SliderImage Slider

Tin nổi bật:

Thông báo về việc công bố Dự thảo Báo cáo tự đánh giá chương trình đào tạo ngành Điều dưỡngThông báo về việc công bố Dự thảo Báo cáo tự đánh giá chương trình đào tạo ngành Điều dưỡng
Thông tin y học

NGƯỜI CAO TUỔI CẦN ĐƯỢC KIỂM TRA SỨC KHỎE SAU TÉ NGÃ 18/10/2020 08:24:04

NGƯỜI CAO TUỔI CẦN ĐƯỢC KIỂM TRA SỨC KHỎE SAU TÉ NGÃ

 

Hậu quả của té ngã ở người cao tuổi thường rất nghiêm trọng. Việc kiểm tra, đánh giá tình trạng sức khỏe người cao tuổi sau té ngã và ngăn chặn những lần té ngã nguy hiểm khác là đặc biệt cần thiết với những lý do sau:

-          Té ngã có thể là dấu hiệu cảnh báo người cao tuổi đang gặp một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cần được điều trị.

-          Những người lớn tuổi đã bị ngã có nguy cơ bị ngã cao hơn trong tương lai.

Thông thường, việc thăm khám sau khi bị ngã chủ yếu là để giải quyết bất kỳ chấn thương nào mà người cao tuổi có thể gặp phải. Rõ ràng, điều này rất quan trọng! Tuy nhiên, nhân viên y tế cần phải đảm bảo kiểm tra toàn bộ các yếu tố có thể góp phần gây ra té ngã nhằm ngăn ngừa nguy cơ té ngã ở người cao tuổi về sau. Ngay cả khi chắc chắn rằng người cao tuổi chỉ vấp ngã nhẹ thì việc kiểm tra sức khỏe toàn diện vẫn là cần thiết.

Dưới đây là những vấn đề cần được thăm khám ở người cao tuổi sau té ngã:

Đánh giá bệnh lý hoặc vấn đề sức khỏe tiềm ẩn

Một số bệnh lý và vấn đề sức khỏe có thể là nguyên nhân gây té ngã ở người cao tuổi như:

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Mất nước

Thiếu máu, có thể do chảy máu đường tiêu hóa hoặc do các nguyên nhân khác

Viêm phổi

Các vấn đề tim mạch

Đo huyết áp và bắt mạch khi ngồi và khi đứng

Điều này đặc biệt quan trọng khi té ngã xảy ra do người cao tuổi cảm thấy choáng váng hoặc ngất xỉu.

Đối với những người cao tuổi sử dụng thuốc huyết áp, cần đảm bảo sao cho họ không bị tụt huyết áp khi đứng.

Xét nghiệm máu

Cũng cần kiểm tra xét nghiệm máu cho người cao tuổi sau té ngã vì tình trạng té ngã có thể trở nên tồi tệ hơn nếu như người cao tuổi có những bất thường trong xét nghiệm máu, chẳng hạn như natri máu quá cao hoặc quá thấp.

Nếu người cao tuổi mắc bệnh đái tháo đường và dùng insulin hoặc các loại thuốc khác để giảm lượng đường trong máu, cần chú ý trường hợp hạ đường huyết vì đó là một yếu tố nguy cơ quan trọng dẫn đến té ngã.

Đánh giá thuốc

Nhiều người cao tuổi đang dùng thuốc làm tăng nguy cơ té ngã. Bác sĩ cần đánh giá mức độ cần thiết của những loại thuốc này và điều chỉnh sao cho phù hợp.

Các loại thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc điều trị huyết áp hoặc tiểu đường đều làm tăng nguy cơ té ngã ở người cao tuổi.

Dáng đi và thăng bằng

Đánh giá dáng đi có nghĩa là bác sĩ cẩn thận quan sát cách đi lại của người cao tuổi. Ngoài ra còn có nhiều cách đơn giản khác có thể kiểm tra mức độ giữ thăng bằng ở người cao tuổi.

Nếu như người cao tuổi có những bất thường trong dáng đi và gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng, nhân viên y tế cần phải giải quyết cơn đau hoặc sự khó chịu của người cao tuổi và tập vật lý trị liệu cho họ.

Nồng độ vitamin D

Các nghiên cứu cho thấy việc ổn định nồng độ vitamin có thể giúp giảm té ngã ở người cao tuổi. Mức vitamin D thấp có thể làm cho xương dễ gãy sau té ngã. Việc uống bổ sung 800-1000 IU hàng ngày sẽ duy trì vitamin D ở mức bình thường ở hầu hết mọi người.

Kiểm tra thị lực người cao tuổi và đánh giá mức độ an toàn của nơi họ sinh sống

Kiểm tra thị lực để đánh giá nguy cơ té ngã ở người cao tuổi và hỗ trợ họ khi cần thiết.

Cần thảo luận và thiết kế môi trường sinh sống phù hợp, đảm bảo thuận tiện cho sinh hoạt của người cao tuổi và phòng tránh té ngã.

Người viết: Trương Thị Bé Em

Nguồn: https://betterhealthwhileaging.net/8-things-to-check-after-fall-in-aging/

»     Tin mới nhất:

»     Tin khác: