Image SliderImage SliderImage SliderImage SliderImage Slider

Tin nổi bật:

Thông báo về việc công bố Dự thảo Báo cáo tự đánh giá chương trình đào tạo ngành Điều dưỡngThông báo về việc công bố Dự thảo Báo cáo tự đánh giá chương trình đào tạo ngành Điều dưỡng
Góc sinh viên

Cẩm nang kỹ năng học tập dành cho sinh viên y khoa (Phần 1)15/06/2017 19:42:00

1.MỞ ĐẦU

Chúc mừng các bạn đã trở thành tân sinh viên của trường Y - nơi các bạn học tập và rèn luyện để trở thành những cán bộ y tế góp sức nhỏ bé của mình trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Khi bắt đầu học trong các trường y khoa, các bạn có thể gặp những khó khăn nhất định do môi trường và điều kiện học tập thay đổi. Cuốn sách nhỏ này được thiết kết để giúp các bạn sinh viên nắm được một số kỹ năng học tập cơ bản để các bạn nhanh chóng bắt nhịp với môi trường học tập mới đạt hiệu quả cao nhất. Cho dù bạn là sinh viên đại học y, cao đẳng y hay học sinh điều dưỡng, y sỹ, hộ sinh, dù bạn là sinh viên dự bị, sinh viên mới hay là những sinh viên đã có kinh nghiệm thì cuốn sách nhỏ này cũng sẽ rất hữu ích cho bạn, đặc biệt với những bạn học sinh sinh viên là con em các dân tộc thiểu số Việt Nam. Các thầy cô giáo chủ nhiệm, các cố vấn học tập hay những cán bộ của Phòng công tác học sinh sinh viên có thể sử dụng thông tin trong cuốn sách này để hướng dẫn các bạn học tập hiệu quả hơn.  

Hy vọng rằng những thông tin trong cuốn sách này sẽ giúp các bạn hiện thực hóa thành những kỹ năng học tập của chính mình trong quá trình học tập trong trường y.

Chúc các bạn đạt kết quả cao trong học tập và thành công trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc Việt Nam!

—–

2. LÀM QUEN VỚI MÔI TRƯỜNG ĐẠI HỌC/CAO ĐẲNG VÀ TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP:

Khi đã là sinh viên, bạn nên hiểu rằng môi trường học tập cũng như sinh hoạt ở đại học/cao đẳng không còn giống như ở phổ thông nữa. Chúng tôi xin chia sẻ với bạn đôi điều về những khác biệt này để giúp bạn sớm thích nghi và học tập hiệu quả.

Không còn ai thường xuyên kiểm tra sự có mặt của bạn nữa. Mặc dù cũng có một số giáo viên điểm danh hàng ngày nhưng hầu hết họ để bạn tự giác đi học. Việc trốn tiết có thể biến thành thói quen và rất nguy hiểm vì dễ dẫn đến hiện tượng chán học. Ngược lại, nếu bạn đi học đầy đủ, bạn sẽ học tập tốt hơn rất nhiều và giáo viên cũng dễ dàng nhớ tên cũng như có thiện cảm với bạn.

Lớp học đông hơn, ít sự quan tâm cá nhân hơn. Ở đại học, mỗi lớp học có tới hàng trăm người và hầu như không ai biết hết mọi người trong lớp. Sẽ chẳng có ai biết bạn đang gặp khó khăn nếu bạn không nhờ giúp đỡ. Vì vậy, hãy tận dụng tối đa những giờ lên lớp và phòng thí nghiệm. Hãy mỉm cười với người ngồi bên cạnh vì biết đâu đó sẽ là người học đôi hoặc nhóm lý tưởng của bạn.

Không còn hiện tượng “thầy đọc, trò chép”. Giáo viên sẽ không đọc từng từ từng chữ cho bạn chép như hồi học phổ thông nữa. Vì thế, hãy luyện cho mình kỹ năng ghi chép bài thật tốt.

h1. học thuyế cái thùng rổng - học theo kiểu thụ động

Thời gian trên lớp ít hơn, bài tập về nhà nhiều hơn: Ở phổ thông giáo viên sẽ giúp bạn ôn tập, làm thí nghiệm và làm bài tập trên lớp. Tuy nhiên giờ đây bạn sẽ phải tự làm những việc đó. Hãy vạch ra kế hoạch cụ thể để hoàn thành công việc một cách đều đặn.

Chương trình học nặng hơn. Bài học thì nhiều và khó trong khi bạn phải hoàn thành chúng trong khoảng thời gian ngắn hơn ở phổ thông. Do đó, hãy hình thành thói quen học tập ngay từ bây giờ, hãy chọn phương pháp học phù hợp với bạn và phát huy những điểm mạnh của mình.

Thảo luận và tương tác đa chiều nhiều hơn: tại bậc phổ thông, rất ít khi các bạn được thảo luận nhóm, sự tương tác chủ yếu là hỏi đáp với giáo viên. Tuy nhiên ở bậc đại học/cao đẳng, các hoạt động thảo luận nhóm, thảo luận cặp đôi, làm việc nhóm là những tương tác thường xuyên được khuyến khích.

Yêu cầu trí tuệ cao hơn. Không giống như phổ thông, đại học yêu cầu bạn sử dụng các kỹ năng ở trình độ cao hơn, đặc biệt là tư duy phân tích logic. Việc phân tích được câu hỏi “Tại sao” và khả năng tìm ra ý nghĩa sâu xa của bài học được ưu tiên hơn so với việc ghi nhớ thông thường hoặc học vẹt.

Nhiều sự lựa chọn hơn. Khi học đại học, ngoài những môn học bắt buộc bạn có quyền lựa chọn một số môn học mà thậm chí bạn chưa nghe đến bao giờ. Hãy khám phá những điều chưa biết qua các môn học mới và tận dụng những bài học thực hành, chúng sẽ rất có ích cho cuộc sống sau này của bạn.

Nhiều cơ hội hơn. Môi trường đại học tạo cho bạn nhiều khoảng thời gian và trải nghiệm để bạn hiểu mình hơn. Hãy tham gia nhiệt tình vào các hoạt động ngoại khóa và khám phá những tiềm năng còn ẩn giấu trong con người bạn.

Tự do hơn và nhiều trách nhiệm hơn. Giờ đây bạn phải tự lo chỗ ăn, ở, các khoản chi tiêu cũng như đời sống xã hội. Hãy học cách ưu tiên các vấn đề quan trọng và khả năng sử dụng thời gian hợp lý vẫn là chìa khóa đưa bạn đến thành công.

2. học qua trải nghiệm 

Học nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống và trải nghiệm: bạn nên có thái độ học tập tích cực. Cho dù ở phổ thông bạn có cho mình là người biết tất cả mọi thứ thì đại học sẽ là nơi giúp bạn nhận ra rằng “cái đã biết chỉ là hạt muối còn điều chưa biết là đại dương bao la”.

Định hướng học tập rõ ràng hơn: Ở phổ thông việc học kiến thức là chính để phục vụ cho việc thi cử nhưng ở bậc đại học/cao đẳng, sinh viên học kiến thức và kỹ năng phục vụ cho thi cử và sử dụng trong cuộc sống sau này ( vì có định hướng nghề nghiệp).

3. SỬ DỤNG THỜI GIAN HIỆU QUẢ

 “Một trong những bài học tốt nhất trong đời mà bất cứ ai cũng có thể học là làm thế nào để sử dụng thời gian hiệu quả” – William A. Irwin.

Là một sinh viên mới vào trường đại học, cao đẳng và trung cấp, bạn luôn bỡ ngỡ và lo lắng vì môi trường học tập mới lạ và khác xa với những gì bạn quen ở môi trường học phổ thông. Nhiều tài liệu phải đọc, nhiều môn học, nhiều bài tập phải hoàn thành và nhất là áp lực thi cử luôn làm bạn lo lắng và căng thẳng. Với các bạn sinh viên dân tộc thiểu số, điều này còn khó khăn hơn. Việc sử dụng thời gian hiệu quả giúp bạn có thể làm được nhiều việc hơn trong một ngày và do đó bạn sẽ học tốt hơn và làm cho cuộc sống sinh viên vui vẻ và nhiều ý nghĩa hơn.

Sau đây là một số cách giúp bạn sử dụng thời gian hiệu quả:

-          Đặt mục tiêu học tập ngắn hạn và dài hạn;

-          Lập kế hoạch cho mỗi ngày: Hãy liệt kê danh sách các việc cần làm trong ngày. Các việc quan trọng nhất lên đầu tiên. Lập thời gian biểu để hoàn thành mỗi công việc;

-          Chọn ưu tiên cho từng công việc dựa trên 2 tiêu chí: Tầm quan trọng và tính cấp bách theo bảng 2x2 như sau:

  • Những việc quan trọng và cấp bách:                        Làm ngay
  • Những việc quan trọng nhưng ít cấp bách:             Làm sau
  • Những việc ít quan trọng nhưng cấp bách:             Dành ít thời gian làm ngay (có thể nhờ người khác)
  • Những việc ít quan trọng và không cấp bách:Bỏ qua

 

 

Quan trọng

 

 

Không

Cấp bách

Làm ngay

Nhờ người khác giúp

Không

Làm sau

 

Không làm, bỏ qua

 

-          Dành đủ thời gian để hoàn thành việc quan trọng nhất với chất lượng tốt nhất

-          Nói “Không” với những việc làm vô ích;

-          Chia những việc lớn, cần nhiều thời gian thành những phần việc nhỏ hơn, mất ít thời gian hơn;

-          Rà soát lại việc sử dụng thời gian sau 3 ngày thử nghiệm, điều chỉnh lại nếu thấy cần;

-          Hạn chế những phân tán không cần thiết khi làm việc và học bài;

-          Giải lao khi cần thiết;

-          Luôn cân bằng cuộc sống học tập, lao động và dành thời gian hợp lý để giải trí và việc riêng;

-          Xây dựng thời khóa biểu cho cả học kỳ, từng tháng hay từng tuần. Thời khóa biểu theo tuần cần chú ý:

  • Ước tính thời gian tự học cho mỗi tiết trên lớp
  • Mỗi môn học cần được tự học 2 – 3 lần
  • Sắp xếp lịch tự học trước và sau khi lên lớp
  • Dành nhiều thời gian cho môn học quan trọng;
  • Thời gian tự học ít nhất 1 giờ/lần
  • Nên học 2 – 3 môn trong ngày

 

4. ĐỂ BUỔI HỌC LÝ THUYẾT TRỞ NÊN THÚ VỊ HƠN

Là sinh viên ngành y, bạn phải tham gia đầy đủ các buổi học lý thuyết, học thực hành tại phòng tiền lâm sàng, thực hành lâm sàng tại các bệnh viện và tại cộng đồng. Mỗi hình thức học đều giữ những vai trò quan trọng giúp bạn tích lũy các kiến thức chuyên môn, rèn luyện kỹ năng tay nghề, trau dồi y đức và hình thành nên thái độ chuẩn mực của một người cán bộ y tế.

Vậy, làm thế nào để khiến cho các buổi học lý thuyết trở nên thú vị hơn?

Bên cạnh vai trò của giảng viên, bản thân bạn giữ vai trò quan trọng để tạo nên những buổi học lý thuyết thú vị và mang lại hiệu quả thiết thực cho mình và cho cả lớp. Những gợi ý sau đây có thể sẽ giúp bạn có thêm hứng thú và tiếp thu nhiều kiến thức nhất thông qua những buổi học lý thuyết:

  1. TRƯỚC BUỔI HỌC: Hãy tự mình chuẩn bị tốt nhất việc sau:
  • Nắm chắc lịch học để biết hôm nay mình được nghe giảng về nội dung gì?
  • Hoàn thành các bài tập hoặc các nhiệm vụ được giao liên quan đến bài học;
  • Đọc trước tài liệu để tự tạo cho mình một “Khung kiến thức” trước khi nghe giảng, đồng thời tăng khả năng nhớ các kiến thức liên quan đến chủ đề giảng viên truyền đạt trên lớp;
  • Ghi lại những điểm mình chưa rõ trong khi tự đọc tài liệu;
  • Tìm kiếm thêm các tài liệu tham khảo liên quan đến chủ đề giảng viên sẽ truyền đạt;
  • Tích lũy những kiến thức, kinh nghiệm thực tế của bản thân (nếu có) về chủ đề sẽ được học;
  • Mang theo các phương tiện, dụng cụ cần thiết cho buổi học;
  • Tham dự đầy đủ tất cả các buổi giảng viên lên lớp.

 2.TRONG BUỔI HỌC: Để tạo ra một môi trường học tập tốt hơn, bạn nên chủ động:

  • Tìm một vị trí tốt nhất trong lớp để ngồi nghe giảng:

      Ngồi ở vị trí gần giảng viên nhất có thể để giúp bạn dễ tập trung vào bài giảng, đồng thời tạo ấn tượng tốt với giảng viên về một sinh viên “chăm học”;

      Không nên ngồi cạnh những người bạn thân vì rất có thể các bạn sẽ nghĩ ra hàng tá câu chuyện thú vị để “thủ thỉ” trong khi giảng viên giảng bài.

  • Chú tâm nghe giảng:

      Vì sao?

  • Chú tâm nghe giảng sẽ giúp bạn nắm được trọng tâm và những nội dung chính của bài học: Nhờ chú tâm nghe giảng, bạn có thể tiếp thu được tới 50% nội dung bài ngay tại lớp và dễ dàng hoàn thành các bài tập được giao, đồng thời giúp bạn rút ngắn thời gian ôn tập sau này;
  • Chú tâm nghe giảng giúp bạn thêm tự tin và hứng thú trong khi đi học.

      Cần nghe giảng như thế nào?

  • Nghe để hiểu và ghi chép lại theo ý hiểu của bản thân;
  • Tập trung nghe những nội dung chính, những phần quan trọng được giảng viên nhấn mạnh (gồm những phần giảng viên nhắc sinh viên cần lưu ý, những thông tin được giảng viên nhắc đi nhắc lại hoặc giải thích kỹ hơn, những phần được giảng viên nhấn mạnh hoặc những nội dung được viết lên bảng hay giấy khổ lớn,…);
  • Tập trung nghe những nội dung bạn thấy khó hiểu khi đọc tài liệu;
  • Không nên xem nhẹ việc nghe giảng vào đầu và cuối buổi học vì giảng viên thường dẫn dắt và đưa ra những mục tiêu học tập vào đầu buổi học, sau đó chốt lại những nội dung chính vào cuối buổi học;
  • Tránh phân tâm khi nghe giảng, tạm gác lại những chỗ khó hiểu để tìm hiểu sau.
  • Luôn quan sát giảng viên trong quá trình nghe giảng:

Bên cạnh việc chăm chú lắng nghe, việc chú ý quan sát các ngôn ngữ không lời của giảng viên cũng có ý nghĩa rất quan trọng. Kết hợp với lời nói, nhiều giảng viên sẽ dùng những ngôn ngữ cơ thể (không lời) để minh họa sinh động các ý tưởng của bài giảng, để động viên khích lệ sinh viên trong buổi học, để nhấn mạnh những nội dung chính sinh viên cần lưu ý và cũng có khi để thể hiện những thái độ không đồng tình với những ý tưởng, hành vi cụ thể nào đó xảy ra trong giờ học.

  • Ghi chép cẩn thận trong quá trình nghe giảng:

      Ghi chép thật đầy đủ để:

  • Hiểu rõ hơn những hướng dẫn, gợi ý hay những tài liệu mà giảng viên đề cập trên lớp;
  • Chuyển tải những gì đã học trên lớp thành kết quả cao trong các kỳ thi/kiểm tra.

      Ghi chép như thế nào?

  • Ghi theo dàn ý gồm những ý chính, những khái niệm/định nghĩa, những thông tin được ghi lên bảng, được nhắc đi nhắc lại hoặc được nhấn mạnh;
  • Ghi theo ý hiểu của mình, đừng cố ghi chép đầy đủ từng từ của giảng viên;
  • Bắt đầu ghi những điểm chính/từ khóa ở đầu dòng;
  • Nếu không kịp ghi đầy đủ các thông tin, giữa các điểm chính có thể để trống để bổ sung thông tin sau;
  • Ghi chép gọn gàng để dễ sử dụng và tránh mất thời gian ghi chép lại.

 

  • Mạnh dạn phát biểu ý kiến và đặt câu hỏi khi chưa hiểu rõ nội dung bài học:

      Vì sao cần phát biểu ý kiến và đặt câu hỏi?

Phát biểu hoặc đặt câu hỏi sẽ khiến cho bạn tập trung hơn vào nội dung bài giảng.

      Làm thế nào để có thể dễ dàng phát biểu trước cả lớp?

  • Nên tập thói quen hình thành các câu hỏi trong quá trình nghe giảng;
  • Nên đặt câu hỏi liên quan đến những nội dung chính của buổi học;
  • Hãy ghi những ý kiến hoặc câu hỏi ra giấy trước khi phát biểu.
  • Tích cực tham gia vào các phần thảo luận trên lớp
  • Trao đổi với giảng viên để tìm và sử dụng thêm các tài liệu tham khảo phù hợp
  1. 3.    SAU BUỔI HỌC:

      Dành thời gian xem xét và hoàn chỉnh phần ghi chép của mình càng sớm càng tốt (trong vòng 1 ngày sau khi kết thúc buổi học).

      Thường xuyên xem lại các ghi chép của mình

      Sắp xếp thời gian tự học và chủ động hoàn thành các bài tập được giao.

      Học phải đi đôi với hành, bạn cần chủ động áp dụng những điều đã học được để thực hành và từng bước hoàn thiện các kỹ năng chuyên môn thông qua việc tự đánh giá mức độ thành thạo kỹ năng của bản thân qua mỗi lần thực hành.

      Thành lập ra các nhóm bạn cùng học, cùng chia sẻ các kiến thức, thông tin, kinh nghiệm trong học tập.

5. HỌC TẬP THEO NHÓM

Một trong những cách học tập hiệu quả nhất là học tập theo nhóm. Với những sinh viên mới, đặc biệt là các bạn sinh viên dân tộc thiểu số, học tập với những nhóm bạn sẽ rất tác dụng vì bạn được mở rộng tầm suy nghĩ, chia sẻ kinh nghiệm và học tập kinh nghiệm từ những người khác.

Sau đây là liệt kê một số lợi ích chính của việc học nhóm, gợi ý cách lập nhóm và làm thế nào để tăng hiệu quả của việc học theo nhóm.

 

  • Lợi ích của học tập theo nhóm:

      Cải thiện viêc ghi chép của bạn: Các thành viên trong nhóm có thể giúp bạn cải thiện việc ghi chép trên lớp bằng cách trao đổi thông tin hoặc chia sẻ vở ghi chép với nhau.

      Chia sẻ trí tuệ: Mỗi người có những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau. Bằng cách tham gia nhóm học tập, điểm yếu của người này sẽ được bổ sung bởi điểm mạnh của người khác, do vậy bạn có thể tận dụng trí tuệ của các thành viên khác trong nhóm.

      Tạo hệ thống hỗ trợ: Học tập theo nhóm có thể đem lại sự hỗ trợ về cả vật chất và tình cảm. Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, các thành viên khác có thể giúp bạn hưng phấn lên. Nếu bạn, vì một lý do nào đó phải nghỉ học, thành viên khác có thể ghi chép cho bạn và sẽ giải thích lại cho bạn sau.

      Đọc được nhiều tài liệu hơn: Học tập theo nhóm giúp bạn đọc được nhiều tài liệu hơn. Có ba bạn trao đổi về những vấn đề hóc búa của toán học sẽ hiệu quả hơn học một mình. Tương tự, nếu các bạn có quá nhiều tài liệu phải đọc, các bạn hãy chia nhau mỗi người đọc một phần hay một chủ đề rồi sau đó báo cáo và trao đổi lại trong nhóm.

      Làm cho việc học vui hơn: Nếu một mình bạn ngồi học cả ngày trong thư viện hay giảng đường, bạn sẽ thấy rất nhàm chán và buồn ngủ. Nhưng nếu học theo nhóm, bạn sẽ thấy hứng khởi hơn trong học tập, kết quả là bạn có khả năng học được lâu hơn.

  • Các loại nhóm học tập:

Có nhiều loại học nhóm. Hầu hết là các nhóm học tập có liên quan đến môn học, đôi khi với các sinh viên đã quen nhau, đôi khi với các sinh viên chưa quen biết. Một số nhóm học do giáo viên tạo ra, nhưng hầu hết do sinh viên tự lập ra. Đôi khi các nhóm học tập do các phòng ban, như phòng công tác học sinh sinh viên hay văn phòng đoàn, tạo ra. Đôi khi các nhóm được tạo ra theo cách ngẫu nhiên khi tham gia học tập trên lớp hay bệnh viện. Một số nhóm được tạo ra từ các bạn đồng hương hay cùng dân tộc. Hãy tìm một nhóm học tập phù hợp với bạn nhé.

  • Một nhóm học tập hiệu quả:

      Bao nhiêu bạn là vừa?

Nhóm học tập hiệu quả nhất nên gồm 4 đến 6 bạn. Nếu nhóm nhỏ quá, bạn dễ dàng đi lạc hướng và không đủ người để hoàn thành hết công việc. Ngược lại, nếu nhóm lớn quá sẽ rất khó tổ chức quản lý và dễ có một số bạn không tham gia tích cực.

      Những ai nên tham gia một nhóm?

Nhóm tốt nhất nên gồm những bạn có chung sở thích, chung mong muốn học tốt và thi tốt. Thông thường bạn sẽ mong muốn các thành viên trong nhóm chú ý học tập trong lớp, ghi chép tốt và hay đặt câu hỏi trong nhóm. Tuy nhiên, nếu trong nhóm có nhiều bạn có kiến thức và kinh nghiệm khác nhau, các bạn sẽ có nhiều cơ hội sáng tạo và học tập lẫn nhau.

      Học nhóm ở đâu?

Việc học nhóm nên thực hiện ở nơi yên tĩnh đủ rộng để học tập và trao đổi.

      Một buổi học nhóm trong bao lâu?

Một buổi học nhóm không nên kéo dài quá 2 – 3 giờ. Nếu buổi học quá dài, các thành viên có khuynh hướng kém nhiệt tình và ít chú ý. Ngược lại, nếu buổi học quá ngắn, bạn không thể thảo luận hết nội dung và việc học nhóm sẽ kém hiệu quả.

      Khi nào?

Nên có lịch học nhóm cố định vào một ngày trong tuần. Lên lịch cố định sẽ giúp các thành viên có kế hoạch trước và có sự chuẩn bị chu đáo trước mỗi buổi học.

  •  Để mỗi buổi học nhóm hiệu quả hơn:

            Hình thành nhóm học tập ngay từ đầu học kỳ và gặp nhau thường xuyên dựa trên lịch học, thời gian làm bài tập và lịch thi, kiểm tra;

               Tạo mục đích, mục tiêu rõ ràng cho mỗi buổi học: Điều này giúp cho việc tập trung trong thảo luận và sử dụng thời gian hiệu quả.

Thảo luận và thống nhất (bằng email) với tất cả các thành viên trong nhóm về những nội dung sau:

  • Những mong đợi và những quy định của nhóm;
  • Lịch làm việc nhóm;
  • Vai trò và trách nhiệm của từng thành viên sao cho đồng đều;
  • Cách thức chia sẻ thông tin liên lạc thường xuyên trong nhóm;
  • Nơi học nhóm (trường, ký túc xá hay nhà riêng);
  • Mỗi thành viên cần tôn trọng thời gian của người khác bằng cách đến đúng giờ và chuẩn bị chu đáo, khi phát biểu cần ngắn gọn, cô đọng và phù hợp.

      Chấp nhận cách học hay phương pháp học tập khác nhau. Nhiều khi bạn học hỏi được rất nhiều từ những cách học khác nhau.

      Chuẩn bị chu đáo:

Bạn sẽ không thể đóng góp cho nhóm được nếu bạn không có sự chuẩn bị. Luôn nhớ rằng bạn và các thành viên phải đọc tài liệu hôm trước và hoàn thành các phần công việc được giao trước khi đến học nhóm.

      Tham gia tích cực.

Mỗi người nên lần lượt giảng giải cho cả nhóm về những nội dung đã học. Giảng giải giúp bạn chuẩn bị bài kỹ hơn, hiểu chủ đề một cách đúng và đầy đủ hơn.

      Tập trung:

Mỗi buổi học nên có một nhóm trưởng. Nhóm trưởng có trách nhiệm điều hành và đảm bảo các thành viên khác tập trung vào chủ đề học tập. Nên giải lao sau mỗi giờ để đảm bảo các thành viên không quá mệt mỏi. 

  • Bạn nên làm gì nếu cảm thấy đơn độc trong nhóm

Bạn có thể cảm thấy mệt mỏi và thất vọng vì sự khác nhau trong cách học và trong giao tiếp hay bạn cảm thấy kém tự tin khi tham gia học nhóm. Bạn hãy:

      Kiên trì: Nên nhớ rằng bạn cũng có nhiều cơ hội đóng góp cho nhóm như những người khác;

      Trao đổi với giáo viên hay nhóm trưởng, có thể họ có những gợi ý cho bạn;

      Hãy sáng tạo trong học tập với các bạn khác hoặc tự hình thành nên nhóm của mình.

                                                     ---o0o---

Nguồn: http://medicare.health.vn/cong-dong/blog/cam-nang-ky-nang-hoc-tap-danh-cho-sinh-vien-y-khoa

Giảng viên: Phan Thị Bích Thuận