0236.3827111

KỸ THUẬT KAIGO – GIẢI PHÁP HỮU HIỆU CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI


“Kaigo-Shi” (tiếng Anh: Caregiver) là ngành nghề chuyên môn vận dụng những kiến thức và kỹ năng, kỹ thuật chuyên ngành để hỗ trợ chăm sóc những người cao tuổi hoặc những người có khuyết tật trên cơ thể theo tình trạng sức khỏe của họ nhằm giúp họ có thể yên tâm sinh hoạt thường ngày một cách dễ dàng và thuận lợi hơn. Nội dung công việc chính của Kaigo-Shi tập trung vào:Hỗ trợ ăn uống, hỗ trợ vệ sinh cơ thể, hỗ trợ tắm rửa, hỗ trợ hoạt động vui chơi giải trí, chăm sóc tinh thần… Đối với một quốc gia có tỉ lệ người cao tuổi đang tăng rất nhanh như Nhật Bản thì số lượng Kaigo-Shi hiện nay của Nhật là không đáp ứng đủ, dự tính năm 2025 thì nước Nhật sẽ thiếu 380,000 Kaigo-Shi. Chương trình là cơ hội để các bạn nữ hay các thực tập sinh Nhật Bản về nước đến Nhật, quay trở lại Nhật sinh sống, học tập và làm việc lâu dài với tư cách là một Kaigo-Shi.

Cùng với nhiều nhân tố khác, tốc độ tăng trưởng dân số và tiến bộ khoa học kỹ thuật là hai yếu tố quan trọng hàng đầu chi phối tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trong đó, tiến bộ khoa học công nghệ lại phụ thuộc vào trình độ con người, do đó nhân lực chính là vấn đề then chốt. Tuy nhiên điều mà nhiều quốc gia trên thế giới đang lo lắng hiện nay đó là sự già hóa dân số trong đó có Nhật Bản. Tuổi thọ bình quân của người Nhật hiện nay là 80.5 đối với nam và 86.8 đối với nữ (WHO,2015). Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động so với người hết tuổi lao động ở nước này giảm từ 10:1 năm 1960, xuống còn 3:1 hiện nay, và sẽ chỉ còn 1:1 vào năm 2055. Hệ lụy dân số già kéo theo một loạt vấn đề, đe dọa tốc độ phát triển kinh tế, an ninh trật tự xã hội cũng như vị thế Nhật Bản trên trường quốc tế. Nhu cầu chăm sóc người già tăng cao gây áp lực lớn cho các bệnh viện, đặc biệt là viện dưỡng lão. Những người chăm sóc ngày càng quá tải với công việc của mình. Điển hình như tại Viện dưỡng lão Akane một người chăm sóc phải hỗ trợ 15 người cao tuổi không có khả năng tự chăm sóc bản thân. Rất nhiều người chăm sóc ở đây luôn trong trạng mệt mỏi vì thế không ít người đã phải từ bỏ công việc này. Chính vì vậy kỹ thuật Kaigo triển khai được xem là phao cứu sinh cho nhân viên tại các viện dưỡng lão Nhật Bản. 

Tại Việt Nam, theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới (WHO) tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng từ 70.9 (năm 2006) lên 76 (năm 2015). Thời gian để Việt Nam chuyển đổi từ cơ cấu dân số “già hóa” sang cơ cấu dân số “già” sẽ ngắn hơn nhiều so với tăng trưởng kinh tế cũng như các chương trình an sinh xã hội cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của nhóm dân số cao tuổi được coi là nhóm thiệt thòi và dễ bị tổn thương nhất. Chăm sóc người cao tuổi là chính sách quan trọng mà Chính phủ Việt Nam luôn nhấn mạnh trong tất cả các giai đoạn phát triển của đất nước.

Theo điều tra của Phillips tại Việt Nam, sự gia tăng và xu hướng già hóa của dân số sẽ hình thành nhu cầu chăm sóc sức khỏe lớn hơn trước rất nhiều. Các bệnh mãn tính đang có dấu hiệu gia tăng nhanh chóng, có tới 53% số người tử vong bắt nguồn từ các bệnh tim mạch, ung thư và các bệnh đường hô hấp. Các bệnh mạn tính thường gây nhưng biến chứng nặng nề như tàn phế, liệt giường....Tuy nhiên do sự phân bố dân cư, trình độ chung của người dân và việc thiếu nhân lực y tế, kỹ thuật chăm sóc làm cho việc chăm sóc những bệnh nhân này đang gặp nhiều khó khăn. Khó về nhân lực về cách chăm sóc và cả về tài chính. Nhận thấy thực trạng này, Tổ chức JICA uỷ nhiệm cho Viện dưỡng lão Akane chuyển giao kỹ thuật Kaigo (kỹ thuật chăm sóc người bệnh) cho Việt Nam với mong muốn mang lại cho người dân đặc biệt là người già có cuộc sống tinh thần phong phú, ý nghĩa.

Bệnh viện Thống Nhất là một bệnh viện đa khoa hạng I trực thuộc Bộ Y tế thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm là khám, chữa bệnh cho các cán bộ trung cao cấp của Đảng và Nhà nước các tỉnh phía Nam. Vì vậy, đa số người bệnh đang được chăm sóc và điều trị tại bệnh viện là người lớn tuổi. Được sự đồng ý của Bộ Y tế cùng với sự quan tâm đến công tác chăm sóc của Ban Giám đốc bệnh viện. Thầy thuốc nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Công _ Giám đốc bệnh viện đã ký biên bản ghi nhớ nhận chuyển giao kỹ thuật Kaigo từ Viện dưỡng lão Akane, Nhật Bản

Trong đợt chuyển giao kỹ thuật đầu tiên vào tháng 5 năm 2017, đã có 3 điều dưỡng của Bệnh viện Thống Nhất được cử đi tập huấn kỹ thuật Kaigo tại Viện dưỡng lão đặc biệt Akane của thành phố Takamatsu, miền Nam nước Nhật với thời gian 1 tháng. Tại đây, các điều dưỡng Việt Nam đã học hỏi kỹ thuật chăm sóc một cách toàn diện từ hỗ trợ thay quần áo cho đến hỗ trợ tắm rửa, hỗ trợ cho ăn, hỗ trợ di chuyển đến hỗ trợ quản lý chất tiết và tất cả những hoạt động trong cuộc sống thường ngày.

Theo nhận xét của điều dưỡng được tập huấn, các kỹ thuật chăm sóc của Nhật Bản đều áp dụng những nguyên lý cơ bản về vật lý để giảm thiểu gánh nặng cho người bệnh và người chăm sóc cho dù là hành động nhỏ nhất. Ví dụ như kỹ thuật hỗ trợ người bệnh di chuyển từ giường sang xe lăn, người Nhật Bản áp dụng nguyên lý Body Mechanics, nguyên lý đòn bẩy nhằm giảm bớt gánh nặng cho người chăm sóc và cả bệnh nhân. Khi đó, trước hết người chăm sóc hỗ trợ phải co chân tay bệnh nhân hết mức có thể, rồi sau đó dùng mông bệnh nhân là trục, vừa đỡ vai, đầu gối vừa cho thân người bệnh nhân xoay vòng và ngồi dậy. Như vậy, cho dù không có máy móc hỗ trợ, với một lực nhỏ, điều dưỡng cũng có thể hỗ trợ bệnh nhân di chuyển. Hay trong vấn đề quản lý chất tiết, người bệnh được mặc tã liên tục nhưng lại không bị loét do có sự đánh giá lượng nước tiểu trong ngày theo từng người bệnh, từ đó người chăm sóc sẽ chọn lựa những loại tã, size tã phù hợp nhằm đem lại hiệu quả tối đa mà vẫn tiết kiệm chi phí cho người bệnh trong suốt quá trình nằm viện...

Điều thứ hai mà các điều dưỡng sau khi tham gia học tập tại Nhật cảm nhận đó là thái độ của nhân viên chăm sóc với người bệnh, họ làm việc bằng cả trái tim của mình với tinh thần trách nhiệm cao, luôn luôn giải thích cho người bệnh trước khi tiến hành bất kỳ động tác nào trên thân thể họ, những người chăm sóc tại đây luôn tận tuỵ với công việc, kiểm soát cảm xúc và phân bố thời gian hợp lý khi thực hiện các kỹ thuật, nguyên tắc lấy người bệnh làm “trung tâm” được coi trọng và không bao giờ xem người bệnh, người già là “bỏ đi”, là “phụ thuộc”. Người chăm sóc tạo mọi điều kiện để người bệnh tự khẳng định bản thân, người chăm sóc chỉ là những người hỗ trợ, hướng dẫn từng động tác đúng nghĩa chứ không phải làm thay tất cả cho người bệnh, người già. Như vậy với kỹ thuật này, người già được coi trọng và hỗ trợ để họ hiểu rằng họ vẫn có thể sống và chăm sóc mình từ sự hỗ trợ hướng dẫn chứ không phải sống chỉ là tồn tại vô ích.  

Sau khi học tập trở về, được sự ủng hộ của Ban Giám đốc và sự hỗ trợ của Phòng Điều dưỡng, 03 điều dưỡng đã xây dựng kế hoạch tập huấn và triển khai kỹ thuật trong toàn viện, bước đầu đem lại  hiệu quả cao trong chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi. Trong tương lai, Bệnh viện Thống Nhất vẫn tiếp tục triển khai kỹ thuật đến người chăm sóc, người nhà và mong muốn kỹ thuật này sẽ được triển khai ra cộng đồng để người già, đặc biệt là người già tại các vùng nông thôn được hưởng chất lượng chăm sóc tốt nhất với mức chi phí thấp nhất.

Trong bối cảnh Việt Nam đang già hóa dân số tạo ra những thách thức về kinh tế, xã hội và nỗi lo người già là gánh nặng thì việc ứng dụng kỹ thuật Kaigo của Nhật được xem là giải pháp hữu hiệu, mang lại nhiều lợi ích vô cùng quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Kỹ thuật Kaigo đã mở ra hy vọng người già được chăm sóc y tế tốt hơn, phòng ngừa các nguy cơ có thể xảy ra cho người bệnh trong chăm sóc và sinh hoạt hàng ngày, đảm bảo tiếp cận phổ cập tới các dịch vụ xã hội cơ bản có thể chi trả trong khả năng của cả những người có thu nhập thấp, bao gồm chăm sóc y tế dành cho tất cả mọi người. Với kỹ thuật Kaigo của Nhật Bản, người già yếu ở Việt Nam sẽ có cơ hội đảm bảo hỗ trợ duy trì sức khỏe để kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống./.   

Link tham khảo:

http://esuhai.com/events/3E0FC/Kaigo-Shi-Chuong-trinh-du-hoc-viec-lam-tai-Nhat-danh-cho-nu-thanh-nien-Viet-Nam.html

http://thongnhathospital.org.vn/web/guest/-/ky-thuat-kaigo-giai-phap-huu-hieu-cham-soc-suc-khoe-nguoi-cao-tuoi

Người viết bài: Trần Thị Mỹ Hương