Cập nhật hướng dẫn về phòng ngừa virus lây qua đường hô hấp của Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC)
Hằng
năm, virus đường hô hấp gây ra hàng triệu ca bệnh và hàng nghìn ca nhập viện và
tử vong tại Hoa Kỳ. Ngoài virus gây ra COVID-19, còn có nhiều loại virus đường
hô hấp khác, bao gồm cúm và virus hợp bào hô hấp (RSV). Các bệnh này có các triệu
chứng, yếu tố nguy cơ và chiến lược phòng ngừa tương tự nhau. Thay đổi các thói
quen và hành vi đối phó với bệnh tật có thể giúp bảo vệ bản thân và những người
khác khỏi các rủi ro sức khỏe do virus đường hô hấp gây ra.
Hầu hết các vi khuẩn đường hô hấp dễ dàng lây lan qua các đường sau:
- Không khí khi một người ho hoặc hắt hơi và vi khuẩn bám vào mũi, miệng hoặc mắt của người ở gần (thường cách xa trong khoảng 2m) hoặc được hít vào phổi.
- Chạm, như hôn hoặc nắm tay người bị bệnh (tiếp xúc trực tiếp).
- Chạm vào một vật hoặc bề mặt có vi khuẩn trên đó rồi chạm vào miệng, mũi hoặc có thể là mắt của họ (tiếp xúc gián tiếp).
Virus
đường hô hấp có thể gây ra cả các triệu chứng đường hô hấp trên và các triệu chứng
đường hô hấp dưới. Một số virus cũng ảnh hưởng đến mũi, họng và phổi, và có thể
dẫn đến các trường hợp viêm phổi nặng. Các triệu chứng có thể gặp khi nhiễm
virus đường hô hấp gồm: sốt, mệt mỏi, ho, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, giảm cảm giác
thèm ăn, đau họng, nôn mửa, mất vị giác hoặc khứu giác mới, đau đầu, đau cơ hoặc
đau nhức cơ thể, tiêu chảy. Đặc biệt nếu xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo khẩn cấp
(như khó thở hoặc đau ngực), hãy đi đến các cơ sở y tế để được chăm sóc ngay lập
tức.
Trung
tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã cập nhật và thống nhất
các khuyến nghị cho các bệnh đường hô hấp phổ biến nhất tại Hoa Kỳ. Bản cập nhật
này bao gồm COVID-19, cúm và virus hợp bào hô hấp (RSV). Hướng dẫn này cung cấp
các khuyến cáo và thông tin thiết thực để giúp mọi người giảm nguy cơ mắc một
loạt các bệnh do vi-rút đường hô hấp phổ biến, bao gồm COVID-19, cúm và RSV. Hướng
dẫn cập nhật dành cho bối cảnh cộng đồng nói chung chứ không dành cho các hệ thống
chăm sóc sức khỏe. CDC lưu ý rằng "không có thay đổi nào đối với hướng dẫn
về virus đường hô hấp dành cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe".
CDC
khuyến cáo áp dụng 5 biện pháp phòng ngừa cốt lõi bao gồm:
- Cập nhật thông tin
về tiêm chủng: Tiêm vắc-xin cúm và COVID-19 đối với tất cả các đối tượng,
người từ 75 tuổi trở lên nên tiêm vắc-xin virus hợp bào hô hấp (RSV). CDC
cũng khuyến cáo những người lớn từ 60-74 tuổi có nguy cơ mắc bệnh RSV
nghiêm trọng nên tiêm vắc-xin RSV. Để ngăn ngừa bệnh RSV nghiêm trọng ở trẻ
sơ sinh, CDC khuyến cáo bà mẹ mang thai nên tiêm vắc-xin RSV hoặc trẻ sơ
sinh nên tiêm vắc-xin kháng thể đơn dòng RSV.
- Thực hành vệ sinh
tốt: Thực hành vệ sinh tốt bằng cách che miệng khi ho và hắt hơi, rửa hoặc
khử trùng tay thường xuyên và vệ sinh các bề mặt thường xuyên chạm vào có
thể đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế sự lây lan của vi trùng.
- Thực hiện các bước
để có không khí trong lành hơn: Thông khí trong lành từ bên ngoài vào
trong nhà, tích cực hoạt động ngoài trời.
Trong
trường hợp nhiễm virus đường hô hấp:
- Thực hiện các biện
pháp phòng ngừa để ngăn ngừa sự lây lan: Những người bị nhiễm virus đường
hô hấp nên ở nhà và tránh xa người khác (bao gồm cả những người khác trong
gia đình không bị bệnh). Những người này có thể trở lại các hoạt động bình
thường khi các triệu chứng thuyên giảm và không còn sốt (mà không cần dùng
thuốc hạ sốt) trong ít nhất 24 giờ. Trong 5 ngày sau khi tiếp tục các hoạt
động bình thường, mọi người được khuyến khích giúp giảm sự lây lan của bệnh
đường hô hấp bằng cách đeo khẩu trang vừa vặn, giữ khoảng cách với người
khác, rửa tay thường xuyên và vệ sinh các bề mặt thường xuyên chạm vào.
- Kịp thời đến các
cơ sở y tế để xét nghiệm và/hoặc điều trị nếu bạn có các yếu tố nguy cơ mắc
bệnh nặng; điều trị có thể giúp giảm nguy cơ tiến triển nặng.
CDC cũng khuyến nghị các biện pháp phòng ngừa tăng cường bao gồm:
- Đeo
khẩu trang có thể giúp giảm nguy cơ lây truyền virus đường hô hấp. Khẩu trang sẽ giúp
làm giảm sự lây lan của virus của người bị nhiễm sang người khác. Khẩu trang
cũng có thể bảo vệ người đeo khỏi hít phải các hạt truyền nhiễm từ những người
xung quanh. Mỗi loại khẩu trang có mức độ bảo vệ khác nhau. Đeo loại khẩu trang
bảo vệ nhất mà bạn có thể thoải mái đeo trong thời gian dài và vừa vặn (che kín
hoàn toàn mũi và miệng) là lựa chọn hiệu quả nhất.
- Luôn giữ khoảng cách giữa bạn và người khác có thể giúp
giảm nguy cơ lây lan virus đường hô hấp.
- Thực
hiện các xét nghiệm virus đường hô hấp có thể giúp bạn quyết định nên làm gì tiếp
theo, chẳng hạn như điều trị để giảm nguy cơ mắc bệnh nặng và thực hiện các bước
để giảm nguy cơ lây lan virus cho người khác.
Truy cập
trang web của CDC để biết hướng dẫn mới nhất về virus đường hô hấp. https://www.cdc.gov/respiratory-viruses/guidance/index.html
Người
viết: Phạm Thị Ngọc An