CHĂM SÓC CUỐI ĐỜI
CHĂM SÓC CUỐI ĐỜI
Chăm sóc cuối đời là một vấn đề đã được biết đến từ lâu và hầu như tất cả các nước trên thế giới hiện nay đã và đang áp dụng để chăm sóc cho người bệnh ở giai đoạn cuối của cuộc đời. Trên thế giới chăm sóc cuối đời đã được biết từ rất sớm từ những năm của thế kỷ XII, nhưng ở Việt Nam thì vấn đề này chỉ mới được biết đến những năm gần đây và hầu hết các Điều dưỡng, những người thường xuyên ở bên cạnh tiếp xúc và chăm sóc cho người bệnh đều có rất ít kiến thức về vấn đề này.
Ở giai đoạn cuối của cuộc đời người bệnh luôn mong muốn mình được trải qua những ngày sống thoải mái nhất, không phải chịu đựng những đau đớn về thể chất do bệnh tật mang đến và những đau khổ về tâm lý. Bởi vậy các Y Bác sĩ, Điều dưỡng là người phải giúp người bệnh hiểu và biết được khi nào họ đang đến giai đoạn cuối của cuộc đời. Thông tin này có ảnh hưởng đến quyết định điều trị của người bệnh và có thể thay đổi cách họ sử dụng quãng thời gian còn lại của cuộc đời. Ung thư là bệnh lý dễ tiên lượng thời gian còn lại của cuộc đời hơn so với các bệnh lý khác gây tử vong như bệnh tim, đột quỵ, bệnh phổi mãn tính và mất trí nhớ. Tuy nhiên, ngay cả đối với người bệnh bị ung thư, Bác sĩ cũng khó tiên lượng chính xác được khoảng thời gian này.
Trọng tâm của mô hình chăm sóc này là những tiếp cận theo đội liên ngành, thường bao gồm xử lý các cơn đau và triệu chứng, chăm sóc tinh thần và tâm lý cho người bệnh, và hỗ trợ người nhà chăm sóc người bệnh trong giai đoạn điều trị và lúc mất. Các thành viên quan trọng của đội liên ngành bao gồm bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên công tác xã hội, giáo sĩ, phụ tá điều dưỡng, chuyên gia vật lý trị liệu, nhân viên vấn an tang gia, và các tình nguyện viên.
Nguyên tắc cơ bản để đảm bảo chất lượng chăm sóc giảm nhẹ và chăm sóc cuối đời là tập trung vào bốn phạm vi chính: Các triệu chứng lâm sàng; các triệu chứng tâm lý; các nhu cầu xã hội (bao gồm mối quan hệ giữa các cá nhân, chăm sóc, và mối quan tâm kinh tế); các nhu cầu tinh thần. Các mục tiêu chăm sóc được lập ra khi thảo luận với người bệnh và/hoặc gia đình người bệnh đều dựa trên đánh giá mỗi phạm vi.
Trải nghiệm của người bệnh vào cuối của cuộc đời bị ảnh hưởng bởi những kỳ vọng của họ về cách họ sẽ chết và ý nghĩa của cái chết. Nhiều người bệnh lo sợ họ sẽ chết trong đau đớn, nghẹt thở và trở thành một gánh nặng cho gia đình. Tất cả những lo lắng của người bệnh có thể được cải thiện thông qua điều trị hỗ trợ của nhóm chăm sóc liên ngành.
TLTK: Đặng Ngọc Lực (2017). Giáo trình Chăm sóc giảm đau. Trang 78 – 82.
Người viết: Nguyễn Thị Hồng Hạnh