WHO CÔNG BỐ HƯỚNG DẪN VỀ ĐAU THẮT LƯNG MÃN TÍNH
WHO CÔNG BỐ HƯỚNG DẪN VỀ ĐAU THẮT LƯNG MÃN TÍNH
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang ban hành hướng dẫn đầu tiên về quản lý chứng đau lưng mãn tính ở cơ sở chăm sóc ban đầu và cộng đồng, bao gồm các biện pháp can thiệp mà nhân viên y tế sử dụng và không sử dụng trong quá trình chăm sóc định kỳ.
Đau thắt lưng là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng khuyết tật trên toàn cầu. Vào năm 2020, khoảng cứ 13 người có 1 người mắc, tương đương 619 triệu người, tăng 60% so với năm 1990. Số ca Đau thắt lưng dự kiến sẽ tăng lên khoảng 843 triệu vào năm 2050, với mức tăng lớn nhất được dự đoán là ở Châu Phi và Châu Á, nơi dân số ngày càng đông hơn và con người sống lâu hơn.
Các tác động và chi phí cá nhân và cộng đồng liên quan đến Đau thắt lưng đặc biệt cao đối với những người gặp phải các triệu chứng dai dẳng. Đau thắt lưng nguyên phát mãn tính là cơn đau kéo dài hơn 3 tháng không phải do bệnh lý có từ trước hoặc tình trạng khác - chiếm phần lớn biểu hiện Đau thắt lưng mãn tính ở cơ sở chăm sóc ban đầu, ít nhất 90% trường hợp. Vì những lý do này, WHO đang ban hành hướng dẫn về Đau thắt lưng nguyên phát mãn tính.
Với các hướng dẫn này, WHO khuyến nghị các biện pháp can thiệp không phẫu thuật để giúp những người mắc bệnh Đau thắt lưng nguyên phát mãn tính. Những can thiệp này bao gồm:
Các chương trình giáo dục hỗ trợ kiến thức và chiến lược tự chăm sóc bản thân;
Chương trình tập thể dục;
Một số liệu pháp vật lý trị liệu, chẳng hạn như liệu pháp thao tác cột sống và xoa bóp;
Liệu pháp tâm lý, chẳng hạn như liệu pháp hành vi nhận thức;
Thuốc, chẳng hạn như thuốc chống viêm không steroid.
Các hướng dẫn này phác thảo các nguyên tắc chính trong việc chăm sóc người lớn mắc bệnh Đau thắt lưng nguyên phát mãn tính, khuyến nghị rằng việc chăm sóc này phải toàn diện, lấy con người làm trung tâm, công bằng, không kỳ thị, không phân biệt đối xử, lồng ghép và phối hợp. Việc chăm sóc cần được điều chỉnh để giải quyết sự kết hợp của các yếu tố (thể chất, tâm lý và xã hội). Cần một loạt các biện pháp can thiệp để giải quyết một cách tổng thể tình trạng Đau thắt lưng mãn tính nguyên phát của một người, thay vì các biện pháp can thiệp đơn lẻ được sử dụng riêng lẻ.
Hướng dẫn này cũng nêu ra 14 biện pháp can thiệp không được khuyến nghị cho hầu hết mọi người trong hầu hết các bối cảnh. Những biện pháp can thiệp này không nên thực hiện thường xuyên, vì đánh giá của WHO về các bằng chứng sẵn có cho thấy rằng những tác hại tiềm tàng có thể lớn hơn lợi ích. WHO khuyến cáo không nên can thiệp như:
Nẹp, đai và/hoặc vật đỡ thắt lưng;
Một số liệu pháp vật lý trị liệu, chẳng hạn như lực kéo (tức là kéo một phần cơ thể);
Và một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc giảm đau opioid, có thể dẫn đến quá liều và lệ thuộc.
Đau thắt lưng là một tình trạng phổ biến mà hầu hết mọi người đều gặp phải tại một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Vào năm 2020, Đau thắt lưng chiếm 8,1% tổng số năm sống chung với tình trạng khuyết tật trên toàn cầu. Tuy nhiên, các hướng dẫn quản lý lâm sàng đã được phát triển chủ yếu ở các nước có thu nhập cao. Đối với những người trải qua cơn đau dai dẳng, khả năng tham gia các hoạt động gia đình, xã hội và công việc của họ thường bị giảm sút, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của họ và gây ra chi phí đáng kể cho gia đình, cộng đồng và hệ thống y tế.
Đau thắt lưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và có liên quan đến các bệnh đi kèm và nguy cơ tử vong cao hơn. Những người bị Đau thắt lưng mãn tính, đặc biệt là người lớn tuổi, có nhiều khả năng rơi vào cảnh nghèo đói,mất khả năng lao động sớm và tích lũy ít tài sản hơn khi nghỉ hưu. Đồng thời, người cao tuổi có nhiều khả năng gặp phải các tác dụng phụ từ các biện pháp can thiệp hơn, điều này càng củng cố tầm quan trọng của việc điều chỉnh dịch vụ chăm sóc phù hợp với nhu cầu của mỗi người. Giải quyết Đau thắt lưng mãn tính ở những người lớn tuổi có thể tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình lão hóa khỏe mạnh, để người lớn tuổi có khả năng hoạt động để duy trì sức khỏe của chính họ.
TLTK: WHO (2023). WHO releases guidelines on chronic low back pain
Người viết: Nguyễn Thị Hồng Hạnh