KINH NGHIỆM HỌC TẠI PHÒNG THỰC HÀNH TIỀN LÂM SÀNG
Một trong những đặc điểm riêng có của sinh viên trường y đó là năng lực chuyên môn sẽ ảnh hưởng trực tiế đến chất lượng chăm sóc sức khỏe, thậm chí đến cả tính mạng của bệnh nhân. Trong các quyền của khách hàng khi nhận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thì “Quyền được hưởng dịch vụ an toàn” được đặt lên hàng đầu trong mọi tình huống.
Như vậy, việc bắt buộc phải học tại phòng thực hành tiền lâm sàng (skills-lab) sẽ giúp gì cho các sinh viên trường y?
Thứ nhất, thực hành tại skills-lab sẽ giúp sinh viên làm quen và thực hiện được thành thạo các kỹ năng chuyên môn trên mô hình/bệnh nhân giả định trước khi thực hành trên lâm sàng với bệnh nhân thật dưới sự giám sát của cán bộ hướng dẫn lâm sàng.
Thứ hai, sinh viên sẽ có cơ hội thực hành chăm sóc sức khỏe cho những trường hợp bệnh hiếm gặp trong thời gian sinh viên đi thực hành lâm sàng (ví dụ: bệnh theo mùa…);
Thứ ba, thực hành tại skills-lab hiệu quả sẽ đảm bảo mọi sinh viên được thực hành các kỹ năng, cho dù trên lâm sàng có ít hoặc rất ít bệnh nhân.
Vậy, làm thế nào để việc học tại skills-lab thực sự hiệu quả? Hãy tham khảo các kinh nghiệm học tại skills- lab dưới đây, rất có thể sẽ có ích cho bạn!
1. Nắm vững lý thuyết và bảng kiểm kỹ năng: Nhờ đó khi quan sát, bạn sẽ dễ dàng mường tượng được giảng viên đang trình diễn kỹ năng ở bước nào trong quy trình, hiểu được yêu cầu cần đạt của mỗi bước và thứ tự của các bước trong cả quy trình, từ đó bạn có thể tự mình thực hiện và hoàn thiện các kỹ năng ngay tại skills-lab;
2. Hoàn thiện các nhiệm vụ giảng viên giao trước khi thực hành tại skills-lab (ví dụ: nghiên cứu tình huống, kịch bản đóng vai, chuẩn bị các phương tiện đóng vai);
3. Quan sát kỹ lưỡng các phần trình diễn của giảng viên/cán bộ hướng dẫn, dùng bảng kiểm kỹ năng để ghi chép lại các nhận xét, thắc mắc trong khi quan sát;
4. Luôn sử dụng kết quả ghi chép trong khi quan sát để phản hồi kết hợp với những kinh nghiệm đúc kết qua quan sát thực tế lâm sàng trước đó (nếu có) để trao đổi với giảng viên sau phần trình diễn để có những thực hành chuẩn mực;
5. Hóa thân vào nhân vật khi đóng vai: Trong quá trình thực hành kỹ năng và đóng vai, cần nghiêm túc coi mô hình hoặc người bệnh giả định là người bệnh thực sự trong những tình huống cụ thể để rèn luyện kỹ năng giao tiếp, rèn luyện y đức và thái độ chuẩn mực đối với người bệnh, có như vậy bạn sẽ cảm thấy không quá khác biệt giữa việc tiếp xúc với người bệnh giả định với người bệnh thực sự và giúp bạn có kỹ năng giải quyết tình huống trên lâm sàng tốt hơn,
đồng thời biến việc học tại skills-lab trở nên có ý nghĩa với lâm sàng;
6. Kiên trì thực hành và tự đánh giá bản thân cũng như đánh giá thực hành của các sinh viên khác theo bảng kiểm qua mỗi lần thực hành, trao đổi thường xuyên với giảng viên/cán bộ hướng dẫn để nhanh chóng đạt đến mức thực hành thành thạo cho từng kỹ năng trên mô hình trước khi đi thực hành lâm sàng ở bệnh viện;
7. Luôn áp dụng kỹ năng phản hồi tích cực khi đưa ý kiến phản hồi cho giảng viên cũng như các bạn sinh viên khác sau mỗi lần quan sát trình diễn kỹ năng;
8. Ghi chép lại một cách súc tích các ý kiến phản hồi sau mỗi ca thực hành để phát huy những điểm mạnh và cải thiện ngay những điểm chưa chuẩn mực trong những lần thực hành sau;
9. Hãy dùng bút chì có đầu tẩy để ghi chép vào bảng kiểm khi quan sát, như vậy bạn có thể dùng 1 bảng kiểm quan sát rất nhiều lần thực hành khác nhau cho 1 kỹ năng;
10. Nên dùng 1 cuốn sổ nhỏ bỏ túi áo blouse để ghi chép những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình thực hành tại skills-lab và mang theo khi đi thực hành lâm sàng tại bệnh viện.
Nguồn: Sách "Cẩm nang học tập dành cho sinh viên Y khoa"-NXB Trẻ
Hoàng Ngọc Hà