Image SliderImage SliderImage SliderImage SliderImage Slider

Tin nổi bật:

Thông báo về việc công bố Dự thảo Báo cáo tự đánh giá chương trình đào tạo ngành Điều dưỡngThông báo về việc công bố Dự thảo Báo cáo tự đánh giá chương trình đào tạo ngành Điều dưỡng
Tài liệu học tập

CÁC ĐƯỜNG LÂY TRUYỀN BỆNH VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA15/01/2017 21:23:10

1. Các đường lây truyền bệnh truyền nhiễm
1.1. Lây truyền qua đường tiếp xúc

- Lây truyền qua đường tiếp xúc là kiểu lây nhiễm quan trọng và phổ biến nhất trong NKBV và được chia làm hai loại khác nhau là lây nhiễm qua đường tiếp xúc trực tiếp và lây nhiễm qua tiếp xúc gián tiếp.
+ Truyền bệnh qua tiếp xúc trực tiếp xảy ra khi các tác nhân gây bệnh lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người bệnh hoặc từ người bệnh sang nhân viên y tế mà không qua các vật trung gian, các phương thức lây truyền trực tiếp bao gồm: tiếp xúc trực tiếp với các tác nhân truyền khi các cá thể tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch cơ thể của người mang vi sinh vật. tiếp xúc trực tiếp qua da, niêm mạc, bộ phận cơ thể của hai cá thể, VSV được truyền từ người mang VSV gây bệnh tới cơ thể cảm thụ (người tiếp xúc). Kiểu lây nhiễm này thường xảy ra khi tiến hành các hoạt động chăm sóc bệnh nhân, giữa hai người bệnh với nhau, giữa một người là nguồn VSV nhiễm trùng và người kia là cơ thể cảm thụ.
+ Lây nhiễm qua đường tiếp xúc gián tiếp là lây nhiễm do tiếp xúc giữa cơ thể cảm thụ với vật trung gian đã bị nhiễm VSV gây bệnh, thường là các dụng cụ, thiết bị y tế, bơm kim tiêm, quần áo đã bị nhiễm bẩn hoặc tay bẩn. Nhân viên y tế khi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người bệnh mà không tuân thủ chặt chẽ quy trình vô khuẩn sẽ làm lây nhiễm dụng cụ và thiết bị y tế. Khi can thiệp làm tổn thương da, niêm mạc là cơ hội để VSV xâm nhập qua đó và gây bệnh
Những nhóm bệnh thường lây qua đường này là:
• Nhiễm khuẩn đường ruột: Tiêu chảy do vi khuẩn hoặc vi rút như: Clostridium difficile, E coli 10157: H7, Shigella, viêm gan A hay Rotavirus.
• Nhiễm khuẩn đường hô hấp: virus gây bệnh đường hô hấp như virus
hợp bào, virus cúm, giả cúm và virus gây bệnh cảnh tay chân miệng (Enterovirút)
• Nhiễm khuẩn da có tính lây cao như: Bạch hầu da, Herpes, chốc, viêm mô tế bào, nhọt do tụ cầu ở trẻ em
• Nhiễm khuẩn mắt: Viêm kết mạc mắt xuất huyết do virus.
• Nhiễm các vi khuẩn đa kháng như tụ cầu vàng kháng Methiciline
(MRSA) hoặc các Gram âm đa kháng
Nhiễm khuẩn các với các bệnh nguyên qua đường máu cũng được coi là lây truyền qua đường tiếp xúc. Tuy nhiên, một số tài liệu muốn nhấn mạnh nhiễm khuẩn đường máu nên tách thành một mục riêng. Phơi nhiễm với các bệnh nguyên đường máu xảy ra do kim hoặc do các vật sắc nhọn bị dính máu/dịch tiết của người bệnh đâm phải hoặc do mắt, mũi, miệng, da không lành lặn tiếp xúc với máu/dịch tiết của người bệnh. Trong đó, chủ yếu qua tổn thương do kim hoặc vật sắc nhọn. Ngoài ra máu, chất tiết và chất bài tiết còn có thể từ môi trường và dụng cụ bị nhiễm truyền qua niêm mạc, da không lành lặn vào người bệnh và nhân viên y tế.
Có trên 20 tác nhân gây phơi nhiễm qua đường máu. Các tác nhân thường gặp bao gồm: HIV, Viêm gan B, Viêm gan C, Cytomegalo virus, giang mai...
Các chất tiết, bài tiết có thể truyền tác nhân gây bệnh qua đường máu bao gồm:
- Tất cả máu và sản phẩm của máu
- Tất cả các chất tiết nhìn thấy máu
- Dịch âm đạo
- Tinh dịch
- Dịch màng phổi
- Dịch màng tim
- Dịch não tuỷ
- Dịch màng bụng
- Dịch màng khớp
- Nước ối
Sữa mẹ, nước mắt, nước bọt, phân, nước tiểu không dây máu được xem là ít lây truyền các bệnh đường máu. Các tác nhân này có thể từ môi trường và dụng cụ bị ô nhiễm với máu và chất tiết, chất bài tiết.
Nguy cơ mắc bệnh sau phơi nhiễm nhiều hay ít phụ thuộc các yếu tố:

Tác nhân gây bệnh: Phơi nhiễm với HBV có nguy cơ nhiễm bệnh hơn HCV
hoặc HIV;
 Loại phơi nhiễm: Phơi nhiễm với máu có nguy cơ hơn với nước bọt;
 Số lượng máu gây phơi nhiễm: Kim rỗng lòng chứa nhiều máu hơn kim khâu
hoặc kim chích máu;
Đường phơi nhiễm: phơi nhiễm qua da nguy cơ hơn qua niêm mạc hay da không lành, bị tổn thương.
Tình trạng phơi nhiễm;
Số lượng vi khuẩn, virus trong máu người bệnh vào thời điểm phơi nhiễm;
Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (nếu có điều trị kịp thời sau phơi nhiễm sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh).
1.2. Lây truyền qua đường giọt bắn
Khi người bệnh ho, hắt hơi làm bắn ra những giọt bắn có chứa các mầm bệnh. Các giọt bắn có kích thước rất khác nhau, thường >5 μm, có khi lên tới 30 μm hoặc lớn hơn. Những giọt bắn này sẽ làm cho những người tiếp xúc với người bệnh trong phạm vi dưới 1 mét, nếu không được bảo vệ có thể lây nhiễm, đây là con đường nguy hiểm bởi chúng ta không bao giờ biết trước được khi nào mình muốn ho và ho ở đâu. Do vậy, con đường này là một trong những con đường phát tán nguồn bệnh nguy hiểm khó kiểm soát, và chỉ có ý thức cao của mỗi người dân về ngăn ngừa lây nhiễm mới có thể giúp hạn chế lây lan. Một số tác nhân gây bệnh qua đường giọt bắn cũng có thể truyền qua đường tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gián tiếp.
Phương thức lây bệnh qua giọt bắn khác với phương thức lây bệnh qua đường tiếp xúc là ở chỗ tác nhân gây bệnh chứa trong các giọt bắn phát ra khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện bắn vào kết mạc mắt, niêm mạc mũi, miệng của người tiếp xúc; các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm có trong các giọt bắn có thể truyền bệnh từ người sang người trong một khoảng cách ngắn (<1 mét). Những nhóm bệnh thường lây qua con đường này là các nhóm virus, vi khuẩn gây bệnh ở đường hô hấp như:
• Adenovirus, cúm mùa, SARS, cúm gia cầm A/H5N1, cúm A/H1N1, Haemophilus Influenza type B. Viêm phổi do bạch hầu, dịch hạch, Mycoplasma.
• Nhiễm não mô cầu, quai bị, Parvovirus, Rubella
Những biện pháp phòng ngừa lây truyền bệnh qua giọt bắn bao gồm: Rửa tay, mang khẩu trang, bố trí người bệnh nằm phòng riêng hoặc cùng phòng với người bệnh nhiễm cùng tác nhân gây bệnh và khoảng cách các giường tối thiểu 1 mét, hạn chế tối đa vận chuyển người bệnh nếu cần phải chuyển thì phải mang khẩu trang cho người bệnh.
1.3. Lây truyền qua đường không khí
Khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc làm những thủ thuật xâm lấn vào đường thở nhằm hỗ trợ hô hấp, như hút đàm, thở máy hoặc nội soi đường thở. Khi những người bệnh này ho, hắt hơi sẽ làm bắn ra những giọt bắn có chứa mầm bệnh có kích thước rất nhỏ (< 5 µm), những hạt này bay ra môi trường xung quanh sẽ bay lơ lửng trong không khí, và khi khô đi chúng trở nên rất nhẹ và có thể bay đi rất xa, vì thế nếu chúng ta hít phải nó có thể đi vào trong đường thở, vào tận phổi và gây bệnh.
Những bệnh lây qua đường này bao gồm 3 nhóm bệnh chính là lao, sởi và thủy đậu và những người bệnh bị cúm A, SARS có can thiệp và hỗ trợ hô hấp có thể làm phát tán nguồn bệnh này. Hiện nay đã có vác xin để tiêm phòng tạo miễn dịch chủ động ngăn ngừa 3 nhóm bệnh chính là lao, sởi và thủy đậu ngay từ khi còn nhỏ. Do vậy chỉ có những người chưa chích ngừa, người suy giảm miễn dịch (người già, trẻ sơ sinh, phụ nữ có thai, người mắc bệnh mãn tính) sẽ có nguy cơ cao khi có tiếp xúc gần với nguồn nhiễm.
Cần lưu ý khi tiến hành các thủ thuật (hút đờm, vỗ rung, nội soi phế quả…) tạo nên các giọt bắn, các hạt khí có chứa vi khuẩn, virus ở những bệnh có khả năng lây truyền bằng đường không khí như lao phổi, sởi, thủy đậu, cúm, SARS.
2. Các biện pháp phòng ngừa
2.1. Phòng ngừa chuẩn
Phòng ngừa chuẩn được định nghĩa là tập hợp các biện pháp phòng ngừa cơ bản áp dụng cho tất cả những người bệnh trong các cơ sở khám, chữa bệnh không phụ thuộc vào chẩn đoán, tình trạng nhiễm trùng và thời điểm chăm sóc của NB, dựa trên nguyên tắc coi tất cả máu, chất tiết, chất bài tiết (trừ mồ hôi) đều có nguy cơ lây truyền bệnh. Thực hiện phòng ngừa chuẩn giúp phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm với máu, chất tiết, chất bài tiết (trừ mồ hôi) cho dù không nhìn thấy máu, chất tiết qua da không lành lặn và niêm mạc. Nội dung của phòng ngừa chuẩn chính là phòng ngừa qua đường tiếp xúc.
Việc tuân thủ các biện pháp của phòng ngừa chuẩn đóng góp quan trọng vào việc giảm nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế, hạn chế cả sự lây truyền cho NVYT và người bệnh cũng như từ người bệnh sang môi trường, nhằm bảo đảm an toàn và nâng cao chất lượng KBCB.

1. Vệ sinh tay

Nội dung của phòng ngừa chuẩn
2. Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân
3. Vệ sinh hô hấp và vệ sinh khi ho
4. Sắp xếp người bệnh
5. Tiêm an toàn và phòng ngừa tổn thương do vật sắc nhọn
6. Vệ sinh môi trường
7. Xử lý dụng cụ dùng lại (khử khuẩn-tiệt khuẩn).
8. Quản lý lý đồ vải
9. Quản lý chất thải
Áp dụng phòng ngừa chuẩn trong quá trình chăm sóc cho mỗi người bệnh dựa vào bản chất của sự tiếp xúc giữa NVYT với người bệnh, khả năng phơi nhiễm với máu, dịch sinh học và các chất tiết của cơ thể để lựa chọn các phương tiện và các thực hành thích hợp.
Việc tuân thủ các quy định của phòng ngừa chuẩn là chiến lược quan trọng nhất để làm giảm nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế cho người bệnh, làm giảm phơi nhiễm nghề nghiệp cho nhân viên y tế và bảo đảm cho môi trường chăm sóc y tế an toàn cho cả người bệnh, nhân viên y tế và khách đến thăm.
2.2. Phòng ngừa qua đường lây truyền (phòng ngừa bổ sung)
Phòng ngừa qua đường lây truyền áp dụng cho những người bệnh nghi ngờ có nhiễm những tác nhân gây bệnh quan trọng lây truyền qua tiếp xúc, qua không khí hoặc qua giọt bắn. Ba phòng ngừa này có thể kết hợp với nhau cho những bệnh có nhiều đường lây truyền. Khi sử dụng đơn thuần hay phối hợp chúng phải được kết hợp với phòng ngừa chuẩn.
2.2.1. Phòng ngừa qua đường tiếp xúc
Phòng ngừa lây truyền qua tiếp xúc chú ý các điểm:
-Cho người bệnh nằm phòng riêng. Nếu không có phòng riêng, xếp người bệnh ở cùng phòng với người bệnh nhiễm cùng tác nhân gây bệnh
- Mang găng sạch, không vô trùng, mang áo choàng và bao giày sạch không vô trùng trước khi vào phòng người bệnh và tháo găng, áo choàng trước khi ra khỏi phòng và rửa tay ngay bằng dung dịch sát khuẩn. Sau khi đã cởi áo choàng và bao giầy, phải chú ý không được để áo quần chạm vào bề mặt môi trường người bệnh hay những vật dụng khác. Sau khi đã tháo găng và rửa tay, không được sờ vào bất cứ bề mặt môi trường hay vật dụng nào trong phòng bệnh nhân;
- Hạn chế tối đa việc vận chuyển người bệnh, nếu cần phải vận chuyển thì phải chú ý phòng ngừa sự lây nhiễm do tiếp xúc;
- Thiết bị chăm sóc người bệnh: Nên sử dụng một lần cho từng người bệnh riêng biệt. Nếu không thể, cần chùi sạch và tiệt khuẩn trước khi sử dụng cho người bệnh khác


2.2.2. Phòng ngừa lây truyền qua đường giọt bắn
Những biện pháp phòng ngừa lây truyền bệnh qua giọt bắn bao gồm: Rửa tay, mang khẩu trang y tế, nhất là với những thao tác tiếp xúc gần trong phạm vi 1 mét với người bệnh, bố trí người bệnh nằm phòng riêng hoặc cùng phòng với người bệnh nhiễm cùng tác nhân gây bệnh, tuân thủ khoảng cách xa tối thiểu 1 mét giữa những người bệnh, hạn chế tối đa vận chuyển người bệnh nếu cần phải chuyển thì phải mang khẩu trang cho người bệnh.
2.2.3. Phòng ngừa lây truyền qua đường không khí
Những biện pháp phòng ngừa qua đường không khí bao gồm: Sắp xếp người bệnh nằm phòng cách ly có ít nhất 12 luồng khí trao đổi trong một giờ (≥12 ACH/giờ) hoặc tốt nhất là phòng có áp lực âm. Nếu sử dụng phương pháp thông khí tự nhiên, cần chọn phòng ở cuối chiều gió và mở cửa sổ đối lưu để đạt thông khí tối đa. Phòng ngừa lây truyền qua đường không khí bao gồm việc mang khẩu trang có hiệu lực lọc cao (N95); hạn chế vận chuyển người bệnh, chỉ vận chuyển trong những trường hợp hết sức cần thiết và người bệnh phải mang khẩu trang khi ra khỏi phòng.
Chú ý: Trong thực tế, tác nhân gây bệnh thường không được xác định ngay tại thời điểm nhập viện nên Phòng ngừa cách ly cần được áp dụng theo kinh nghiệm của các cán bộ lâm sàng, căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng để áp dụng biện pháp phòng ngừa và sau đó điều chỉnh cho phù hợp khi đã xác định được tác nhân gây bệnh hoặc tác nhân gây bệnh đã được loại bỏ. Điểm quan trọng cần chú ý là phải luôn luôn áp dụng phòng ngừa chuẩn cho mọi người bệnh và bổ sung thêm Phòng ngừa theo đường lây truyền (tiếp xúc, giọt bắn hay không khí) tùy thuộc vào các triệu chứng bệnh lý.
3. Kỹ thuật áp dụng trong phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa bổ sung
3.1. VST thường quy
Vệ sinh tay (VST) là làm sạch tay bằng nước với xà phòng thường hoặc xà phòng khử khuẩn và chà sát tay với dung dịch có chứa cồn. VST là nội dung cơ bản của phòng ngừa chuẩn và là biện pháp hiệu quả nhất trong kiểm soát lây truyền tác nhân gây bệnh trong các cơ sở khám chữa bệnh. Cơ sở khám chữa bệnh phải đảm bảo có nước sạch, có đủ các phương tiện VST và có sẵn các dung dịch sát khuẩn tay có chứa cồn ở những nơi thăm khám, chăm sóc người bệnh.

3.1.1. Chỉ định vệ sinh tay
(xem hình 1)

Lưu ý VST giữa những lần tiếp xúc khi thăm khám, chăm sóc từ người bệnh này sang người bệnh khác và ngay sau khi tháo găng.

Hình 1. Các thời điểm VST khi chăm sóc người bệnh (WHO 2005)
3.1.2. Những lưu ý trong thực hành VST
- Không để móng tay dài, mang móng tay giả, trang sức trên tay khi chăm sóc người bệnh.
- Tránh chạm vào bề mặt các vật dụng, trang thiết bị khi không cần thiết để phòng lây nhiễm tay từ môi trường hoặc lây nhiễm cho môi trường do tay bẩn trong chăm sóc người bệnh.
- Thực hiện VST với nước và xà phòng khi tay nhìn thấy vấy bẩn bằng mắt thường hoặc sau khi tiếp xúc với máu và dịch tiết.
- VST bằng dung dịch VST có chứa cồn khi tay không thấy bẩn bằng mắt thường.
- Phải đảm bảo tay luôn khô hoàn toàn trước khi bắt đầu hoạt động chăm sóc bệnh nhân.
- Phải VST ngay nếu đụng chạm tay vào bề mặt môi trường xung quanh phòng ô nhiễm vật dụng và môi trường xung quanh do tay bẩn.
3.1.3 Phương tiện thiết yếu cần trang bị cho mỗi vị trí rửa tay
- Bồn rửa tay sạch có vòi nước có cần gạt;
- Nước sạch;
- Xà phòng (dung dịch, xà phòng bánh nhỏ) và giá đựng xà phòng;
- Khăn lau tay một lần, thùng hoặc hộp đựng khăn lau tay có nắp đậy, thùng đựng khăn bẩn.
Các buồng khám, buồng thủ thuật, buồng bệnh, buồng xét nghiệm phải trang bị bồn rửa tay. Các vị trí cần trang bị dung dịch VST có chứa cồn
- Giường người bệnh nặng, người bệnh cấp cứu
- Trên các xe tiêm, thay băng
- Bàn khám bệnh, xét nghiệm
- Cửa ra vào mỗi buồng bệnh
3.1.4. Tập huấn, giám sát tuân thủ vệ sinh tay
Công tác tập huấn, kiểm tra, giám sát phải được thực hiện thường xuyên và thông tin phản hồi kịp thời cho NVYT.
3.2. Thực hiện quy tắc vệ sinh hô hấp
3.2.1. Quản lý người bệnh, khu vực điều trị
- Cơ sở KBCB có kế hoạch quản lý tất cả những người bệnh có các triệu chứng về đường hô hấp trong giai đoạn có dịch.
- Tại khu vực tiếp nhận bệnh phải có hệ thống cảnh báo và hướng dẫn để phân luồng người bệnh có các triệu chứng về đường hô hấp
3.2.2.Tuân thủ quy tắc vệ sinh hô hấp
- Mọi người bệnh có các triệu chứng về hô hấp đều phải tuân thủ theo các quy tắc về vệ sinh hô hấp và vệ sinh khi ho
- Che miệng mũi bằng khăn và bỏ khăn trong thùng chất thải hoặc giặt lại nếu tái sử dụng, rửa tay ngay sau đó. Dùng mặt trong khuỷu tay để che nếu không có khăn, không dùng bàn tay.
- Mang khẩu trang y tế
- Rửa tay ngay sau khi tiếp xúc với chất tiết
- Luôn giữ khoảng cách từ 1 mét trở lên với những người khác.


4. Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân (PTPHCN)
Sử dụng PTPHCN phù hợp và đúng cách sẽ giúp nhân viên y tế tránh bị phơi nhiễm trước một số bệnh truyền nhiễm. Ngoài việc luôn luôn thực hiện vệ sinh tay, nhân viên y tế cũng cần phải sử dụng PTPHCN thích hợp cho các thủ thuật mà họ đang thực hiện khi tiếp xúc với người bệnh để tránh tiếp xúc với máu và dịch cơ thể. Các PTPHCN được dùng cho biện pháp phòng ngừa chuẩn bao gồm găng tay, áo choàng, tạp dề, kính bảo vệ mắt và khẩu trang y tế. Các thiết bị như mũ che tóc không được xem là dụng cụ bảo hộ cá nhân, có thể được sử dụng khi nhân viên y tế thực hiện các thao tác chăm sóc bệnh nhân. Tương tự, ủng cũng có thể được sử dụng cho từng tình huống thực tế, ví dụ khi cần đi các loại giày ủng để phòng các vật nhọn. Khi được sử dụng đúng cách, các PTPHCN sẽ bảo vệ các nhân viên y tế khỏi nguy cơ phơi nhiễm khi tiếp xúc với một số loại bệnh truyền nhiễm.
4.1. Nguyên tắc chung về cách sử dụng các PTPHCN
- Luôn thực hiện vệ sinh tay, mặc dù có sử dụng PTPHCN.
- Loại bỏ và thay thế PTPHCN ngay sau khi phát hiện thấy bất thường (hư hỏng hoặc rách).
- Loại bỏ tất cả các PTPHCN ngay sau khi hoàn thành việc chăm sóc và tránh gây nhiễm khuẩn cho: môi trường bên ngoài phòng cách ly; người bệnh hoặc nhân viên khác; và cho chính bản thân người chăm sóc.
- Cẩn thận khi cởi bỏ tất cả các PTPHCN và thực hiện VST ngay sau đó.
4.2. Lựa chọn các PTPHCN
Cần có sự lựa chọn hợp lý PTPHCN như một phần của biện pháp phòng ngừa chuẩn. Khi lựa chọn các PTPHCN, nhân viên y tế nên thực hiện việc đánh giá nguy cơ phơi nhiễm đối với các bệnh truyền nhiễm liên quan đến các quy trình kỹ thuật định làm khi chăm sóc người bệnh hàng ngày. Nhân viên y tế nên xem xét:
- Sẽ thực hiện thủ thuật nào?
- Có khả năng phơi nhiễm với máu, hoặc dịch cơ thể và những loại dịch khác của người bệnh không?
- Nhân viên y tế có bất kỳ trầy xước da nào không ?
- Có đủ các PTPHCN để sử dụng không ?
Phương tiện phòng hộ cá nhân gồm: Găng tay, khẩu trang, áo choàng, tạp dề, mũ, mắt kính/ mặt nạ và ủng hoặc bao giày khi dự kiến sẽ làm thao tác có bắn máu dịch tiết vào cơ thể. Việc lựa chọn các trang phục phòng hộ cá nhân cần căn cứ vào sự nhận định nguy cơ trước khi tiến hành các thao tác chuyên môn và đặc tính của phương tiện sao cho phù hợp và hiệu quả. Bảng dưới đây hướng dẫn lựa chọn phương tiện phòng hộ cá nhân phù hợp cho những tình huống khác nhau.
4.3. Sử dụng các phương tiện bảo hộ cá nhân
4.3.1. Sử dụng găng
a) Mục đích
- Bảo vệ người bệnh tránh sự lây truyền các tác nhân gây bệnh khi nhân viên y tế (NVYT) thực hiện các thao tác vô khuẩn.
- Bảo vệ tay nhân viên y tế bằng cách tạo hàng rào ngăn cách không cho máu và dịch của người bệnh tiếp xúc với da tay của NVYT, ngăn cách các tác nhân hoá học gây kích ứng da và giữ nguyên được cảm giác của da tay.
b) Chỉ định
- Mang găng vô khuẩn: Trong quá trình phẫu thuật, làm thủ thuật
- Mang găng sạch: Khi chăm sóc, làm các thủ thuật chuyên môn dự kiến tay của NVYT có thể tiếp xúc với máu, dịch sinh học, các chất tiết, các màng niêm mạc và da không nguyên vẹn của người bệnh và khi da tay NVYT bị xây xước.
- Mang găng vệ sinh: Khi làm vệ sinh, thu gom chất thải, thu gom đồ vải, xử lý dụng cụ y tế, dụng cụ chăm sóc người bệnh.
- Mang găng là biện pháp hỗ trợ, không thay thế được rửa tay.
- Găng dùng một lần không nên dùng lại vì dịch cơ thể có thể thẩm thấu qua các lỗ thủng không nhìn thấy trên găng.
- Không nhất thiết phải mang găng trong các thăm khám, chăm sóc người bệnh thông thường nếu chỉ tiếp xúc với vùng da lành lặn của người bệnh hay thực hiện các công việc tiếp xúc với đồ vải, dụng cụ sạch.
- Tháo bỏ găng sau mỗi thủ thuật trên mỗi người bệnh; khi làm các công việc tiếp xúc với các bệnh phẩm, vật dụng y tế, chất bài tiết chứa mật độ vi sinh vật cao; khi nghi ngờ găng thủng hay rách và giữa các hoạt động chăm sóc trên cùng một người bệnh. Ví dụ sau khi đặt sonde tiểu cho người bệnh cần phải tháo bỏ găng tay trước khi hút đờm qua mũi miệng, trước khi giúp người bệnh ăn uống.
Chú ý: Rửa tay ngay sau khi tháo găng.
4.3.2. Mang khẩu trang y tế
a) Mục đích
- Mang khẩu trang y tế nhằm bảo vệ người bệnh: Khi phòng ngừa các giọt bắn từ miệng NVYT vào vết mổ hoặc vùng da và niêm mạc người bệnh cần được bảo vệ vô khuẩn, khi NVYT nghi ngờ mắc các bệnh có thể lây theo đường hô hấp.
- Mang khẩu trang y tế thông thường nhằm bảo vệ NVYT: khi có các dịch bệnh đường hô hấp; khi làm các thủ thuật có nguy cơ bắn máu từ phía người bệnh; khi cọ rửa dụng cụ y tế, dụng cụ chăm sóc người bệnh nhiễm khuẩn, khi thu gom đồ vải, chất thải y tế...
b) Chỉ định sử dụng khẩu trang y tế
- Khi làm việc trong môi trường đòi hỏi phải bảo đảm vô khuẩn như: Khi làm việc trong khu phẫu thuật, khi chăm sóc cho người bệnh có vết thương hở (ví dụ: thay băng), khi làm việc trong các phòng chăm sóc đặc biệt đòi hỏi vô khuẩn tuyệt đối.
- Khi dự kiến sẽ bị bắn máu dịch tiết vào mặt mũi khi trong khi điều trị, chăm sóc người bệnh
- Khi khám, chăm sóc cho người bệnh lây bệnh theo đường hô hấp hoặc đang có bệnh đường hô hấp cần hạn chế lây nhiễm cho người khác
Chú ý: Khẩu trang dùng một lần chỉ nên dùng một lần, không bỏ túi để dùng lại. Nếu khẩu trang bị ướt, cần thay ngay khẩu trang mới. Khẩu trang y tế thông thuờng có thể lọc được các vi sinh vật hoặc bụi có kích thước ≥ 5 μm. Khẩu trang y tế thông thuờng không có khả năng giúp NVYT phòng ngừa lây bệnh đường hô hấp khi trực tiếp chăm sóc cho những người bệnh mắc các bệnh truyền nhiễm như: Lao tiến triển, SARS, H5N1, H1N1, sởi, thủy đậu... vì các tác nhân gây bệnh có kích thước rất nhỏ (≤ 0,3 μm). Vì vậy, đối với các bệnh nói trên NVYT cần mang khẩu trang chuyên dụng có hiệu lực lọc cao như: N95 (95%), N99 (99%), N100 (99,7%).


4.3.3. Sử dụng các phương tiện che mặt và mắt
- Mang kính bảo hộ, mạng che mặt khi làm các thủ thuật có nguy cơ bắn toé máu và dịch vào mắt như: đỡ đẻ, phá thai, đặt nội khí quản, hút dịch, nhổ răng...
- Cách mang: Đặt kính hoặc mạng che mặt lên mặt và mặt và điều chỉnh sao cho vừa khít
- Cách tháo: Không nên sờ vào mặt ngoài của kính hoặc mạng che mặt. Dùng tay năm vào quai kính hoặc mạng. Bỏ vào thùng rác hoặc vào thùng quy định để xử lý lại
4.3.4. Áo choàng và tạp dề
Áo choàng và tạp dề cũng là một phần quan trọng của các PTPHCN và được sử dụng để ngăn chặn quần áo nhân viên y tế tiếp xúc với máu hoặc chất dịch cơ thể khác tránh phơi nhiễm vi khuẩn. Ngoài găng tay ra, cần sử dụng áo choàng nếu có nguy cơ dịch hoặc máu của người bệnh bắn tóe lên người nhân viên y tế.
Cần luôn luôn có sẵn áo choàng và tạp dề tại tất cả các khu vực chăm sóc bệnh nhân, và đặc biệt là ở lối vào khu vực người bệnh đang được cách ly hoặc điều trị theo nhóm bệnh có cùng chẩn đoán bệnh.
Mặc tạp dề khi làm các thủ thuật dự đoán có máu và dịch cơ thể của người bệnh có thể bắn toé lên đồng phục nhân viên y tế như: Khi cọ rửa dụng cụ y tế nhiễm khuẩn, khi thu gom đồ vải dính máu... Tạp dề nhựa nên được khoác ngoài áo choàng nếu vật liệu của áo choàng không có khả năng chống thấm dung dịch và các thao tác có thể dẫn đến việc bắn dịch vào người nhân viên y tế. Một số áo choàng được dùng một lần và những loại khác được tái sử dụng. Áo choàng tái sử dụng phải được giặt sau mỗi lần sử dụng.
Cách mặc áo choàng: Mặc áo choàng phủ từ cổ đến chân, từ tay đến cổ tay và phủ ra sau lưng. Cột dây ở cổ và eo.
Cách tháo áo choàng: Không sờ vào mặt trước và tay áo. Tháo dây cổ, dây eo, kéo áo choàng từ mỗi vai hướng về phía tay cùng bên, cho mặt ngoài vào trong, đưa áo choàng xa cơ thể, cuộn lại và bỏ vào thùng chất thải lây nhiễm.
4.4. Thứ tự mặc các phương tiện phòng hộ
Bước 1:
- Xác định mức độ nguy hiểm và các loại dụng cụ cần thiết,
- Lên phác thảo mặc và tháo TPPHCN,
- Bạn có cần người giúp? Gương không?
- Bạn có biết bạn sẽ xử lý thế nào với rác thải là TPPHCN ?
Bước 2: Mặc áo choàng
Bước 3: Đeo khẩu trang
Bước 4:
- Mang kính mắt (kính gọng lồi, kính nhìn, mặt nạ )
- Không sử dụng mặt nạ nếu nó không che kín (mặt và cằm)
- Chú ý đến kính bị mờ và mắt bị mờ
- Mũ tùy ý, không bắt buộc, nếu như người mang mệt mỏi khi sử dụng chúng, đặt chúng trên kính mắt.
Bước 5: Mang găng tay trùm cổ tay
4.5. Thứ tự tháo phương tiện phòng hộ:
Bước 1
- Tránh gây nhiễm cho chính mình, người khác và môi trường xung quanh,
- Tháo những dụng cụ nhiễm nặng trước,
Tháo găng và áo choàng
Loại dùng một lần rồi bỏ
- Tháo găng và áo choàng rồi cuộn tròn mặt trái ra ngoài và bỏ thùng rác
- Vứt bỏ an toàn
Loại tái sử dụng
- Tháo găng và cuộn tròn mặt trái ra ngoài, vứt bỏ an toàn,
- Tháo áo choàng và cuộn tròn mặt trong ra ngoài, bỏ bao, chuyển đi giặt.
Bước 2: Rửa tay
Bước 3:
- Tháo bỏ mũ
- Tháo bỏ kính mắt từ phía sau
- Bỏ kính vào thùng riêng biệt nếu tái sử dụng lại,
Bước 4: Tháo mặt nạ từ phí sau
Bước 5: Rửa tay
Bước 6: Tháo khẩu trang:
- Nhấc dây dưới trước
- Nhấc dây trên
- Tránh sờ vào mặt trước khẩu trang
Những điều cần ghi nhớ khi lựa chọn và sử dụng áo choàng, tạp dề
Các loại áo choàng và tạp dề phải bảo đảm:
Thích hợp cho các thủ thuật sẽ thực hiện và những nguy cơ mà nhân viên y tế có thể gặp phải khi tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết đường hô hấp hoặc chất dịch khác đi đôi với mỗi thủ thuật. Điều này cần xem xét:
• Lượng dịch tiết mà các nhân viên y tế có thể tiếp xúc khi tiến hành thao tác;
• Các công việc liên quan đến thao tác chăm sóc người bệnh có thể gây hư hỏng áo choàng và tạp dề. Ví dụ, đối với một số công việc khá nặng như làm vệ sinh, có thể cần sử dụng tạp dề cao su ngoài áo choàng;
• Kích thước của áo choàng và tạp dề để đảm bảo phủ hết cơ thể người mặc và các phần của quần áo có thể bị phơi nhiễm.
Áo choàng và tạp dề cần được lưu trữ cùng với các dụng cụ bảo hộ cá nhân khác.
Sử dụng áo choàng hoặc tạp dề đúng bao gồm:
• Thay và loại bỏ áo choàng và tạp dề, hoặc tại các cơ sở xử lý chất thải thích hợp hoặc trong các cơ sở giặt là thích hợp ngay sau khi tiếp xúc với một người bệnh hoặc một vật dụng hay bề mặt có khả năng nhiễm bẩn, và trước khi tiếp xúc với một người bệnh hay môi trường khác;
• Có thể sử dụng cùng một chiếc áo choàng khi chăm sóc cho nhiều người bệnh
nếu những người bệnh đó có cùng chẩn đoán và nằm trong cùng một khu vực điều trị nhưng chỉ khi áo choàng không tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân

 

                                Nguồn: Tài liệu đào tạo liên tục kiểm soát nhiễm khuẩn cho nhân viên y tế tuyến cơ sở, Bộ Y tế năm 2012.

                                                                                                                                             Người sưu tầm: Nguyễn Thị Lê