Cảnh báo của WHO 2019: sốt xuất huyết tăng trong mùa mưa tại các nước khu vực Tây Thái Bình Dương
CẢNH BÁO CỦA WHO 2019: SỐT XUẤT HUYẾT TĂNG TRONG MÙA MƯA TẠI CÁC NƯỚC TÂY THÁI BÌNH DƯƠNG
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi hành động để giảm thiểu bệnh tật và tử vong do sốt xuất huyết. Sốt xuất huyết là một trong những bệnh lây truyền qua muỗi nhanh nhất. Trên toàn thế giới, tỷ lệ mắc sốt xuất huyết đã tăng gấp 30 lần trong 50 năm qua. Một số quốc gia ở khu vực Tây Thái Bình Dương như Campuchia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam đã quan sát thấy sự gia tăng sớm về số ca mắc sốt xuất huyết được báo cáo trong năm nay.
Tại Campuchia , hơn 1300 trường hợp nghi ngờ đã được báo cáo trong 21 tuần đầu năm 2019.
Tại Lào , số trường hợp nghi mắc sốt xuất huyết cao hơn so với cùng kỳ trong năm năm trước. Đầu năm 2019, tổng cộng 4216 trường hợp nghi ngờ bao gồm 14 trường hợp tử vong đã được báo cáo.
Tại Malaysia , tổng cộng 52 941 trường hợp trong đó có 81 trường hợp tử vong đã được báo cáo trong 22 tuần đầu năm 2019. Số lượng các trường hợp là khoảng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2018.
Tại Philippines , tổng cộng 77 040 trường hợp nghi mắc sốt xuất huyết, trong đó có 328 trường hợp tử vong, đã được báo cáo trong 20 tuần đầu năm 2019. Con số này gần gấp đôi so với 41 104 trường hợp được báo cáo trong cùng khoảng thời gian năm ngoái.
Tại Singapore , số ca mắc sốt xuất huyết đã gia tăng trong 8 tuần qua. Tính đến tuần 21 năm 2019, đã có tổng cộng 3886 trường hợp được báo cáo, so với 1049 trường hợp được báo cáo trong cùng kỳ năm ngoái.
Tại Việt Nam , đã có tổng cộng 59 959 trường hợp nghi ngờ được báo cáo trong đó có 4 trường hợp tử vong tính đến tuần 19; nhiều hơn ba lần số lượng cho cùng kỳ năm 2018.
Tiến sĩ Takeshi Kasai, Giám đốc khu vực của WHO ở khu vực Tây Thái Bình Dương cho biết, số lượng ca bệnh tăng lên là điều đáng lo ngại, nhưng điều đáng lo ngại hơn nữa là sự gia tăng tỷ lệ người tử vong vì sốt xuất huyết, đặc biệt là trẻ em. Đây là một tín hiệu cho thấy chúng ta cần hợp tác với các nước để tăng cường chăm sóc cũng như phòng ngừa.
Các nhân viên y tế tại khu vực lưu hành sốt xuất huyết phải có khả năng nhận biết các triệu chứng của sốt xuất huyết và các dấu hiệu cảnh báo của sốt xuất huyết nặng, làm các xét nghiệm chẩn đoán và biết cách chăm sóc .Không có cách điều trị đặc hiệu cho bệnh sốt xuất huyết nhưng phát hiện sớm và tiếp cận chăm sóc y tế đúng cách cho người bệnh sốt xuất huyết nặng có thể làm giảm tỷ lệ tử vong. WHO khuyến nghị các nước có sốt xuất huyết cần tiếp tục giáo dục cho cộng đồng và nhân viên y tế về việc nhận biết các triệu chứng sốt xuất huyết và các dấu hiệu cảnh báo của sốt xuất huyết nặng. Chăm sóc tại nhà phù hợp bằng cách cung cấp đủ nước và nghỉ ngơi trong giai đoạn đầu có thể giảm thiểu nguy cơ bệnh trở nên nghiêm trọng. Giảm thiểu sự lây lan của sốt xuất huyết bằng cách thông báo cho cộng đồng về cách làm sạch các khu vực sinh sản của muỗi.
Dịch sốt xuất huyết không thể tránh được, nhưng các quốc gia có thể hành động để giảm đáng kể quy mô, tần suất và tác động của dịch. WHO sẽ tiếp tục hỗ trợ các quốc gia và khu vực trong nỗ lực giảm gánh nặng của căn bệnh này đối với dân số.
TLTK: Dengue increase likely during rainy season: WHO warns
Người viết: Nguyễn Thị Hồng Hạnh
- 6 lời khuyên để ăn uống lành mạnh với ngân sách tiết kiệm trong bệnh tiểu đường
- Số ca mắc bệnh sởi tăng vọt trên toàn thế giới
- Tình hình nhiễm Herpes sinh dục ở người lớn trên Thế Giới
- Cập nhật hướng dẫn về phòng ngừa virus lây qua đường hô hấp của Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC)
- ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG BỆNH VIỆN, KHẢO SÁT SỰ HÀI LÒNG NGƯỜI BỆNH, NHÂN VIÊN Y TẾ 2024-2025