NHỮNG LƯU Ý KHI CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT
Không tự ý dùng thuốc hạ sốt
Vì chưa xác định chính xác biểu hiện sốt là do bệnh gì nên không được tự ý sử dụng các thuốc hạ nhiệt, nhất là aspirin và ibuprofen. Hai loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng xuất huyết ở bệnh nhân trở nên trầm trọng hơn, có khả năng xảy ra xuất huyết dạ dày dữ dội, đe dọa đến tính mạng. Thay vào đó, có thể hạ sốt bằng cách cho người bệnh mặc đồ mỏng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, chườm khăn có thấm nước ấm vắt kiệt và đắp vào trán, nách cho người bệnh. Nếu phải dùng thuốc, chỉ nên dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ và tuyệt đối không thực hiện cạo gió. Người bệnh nên dùng thuốc giảm sốt theo đúng liều đã chỉ định trong đơn thuốc của bác sĩ, thường là 4-5 lần/ngày, 5-6 giờ/lần. Việc sử dụng thuốc hạ sốt quá liều liên tục nhiều lần sẽ dẫn đến tổn thương gan, kể cả các thuốc hạ sốt dạng đặt hậu môn đối với trẻ em.
Không dùng các thực phẩm có màu đen, nâu, đỏ
Trong thời gian mắc bệnh, nếu bệnh nhân sử dụng các loại thực phẩm có màu nâu, đen hoặc đỏ thì sẽ khó phân biệt với phân có lẫn máu khi bị xuất huyết qua đường tiêu hóa. Hay trong trường hợp người bệnh bị nôn ra chất dịch có màu thâm đen, xám bất thường thì lại khó phân biệt được đó là do màu của thực phẩm hay do xuất huyết tiêu hóa.
Không ăn trứng khi đang điều trị sốt xuất huyết tại nhà
Trứng sẽ tạo ra một lượng nhiệt lớn trong cơ thể người bệnh. Do đó, những người bị sốt cao, nhất là trẻ em, khi ăn trứng gà sẽ làm cho thân nhiệt tăng lên và không phát tán ra ngoài được, khiến cho tình trạng sốt lâu khỏi. Chính vì vậy, ăn trứng là điều kiêng kỵ cần tránh khi mắc bệnh sốt xuất huyết.
Không ăn các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ
Dầu mỡ nhiều sẽ gây ra các triệu chứng như đầy bụng, khó tiêu, khiến cho cơ thể bệnh nhân chậm hồi phục hơn.
Không để muỗi đốt
Nguyên nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết chính là do muỗi truyền bệnh, do vậy không nên để muỗi tiếp xúc với da, vì khả năng muỗi sẽ đốt và truyền thêm một lượng vi rút gây bệnh, không những khiến cho tình trạng bệnh nặng thêm mà còn có nguy cơ lây nhiễm cho những người xung quanh.
Không uống trà, cà phê, hút thuốc, uống rượu.
Việc uống một lượng quá nhiều trà đặc sẽ khiến cho não rơi vào trạng thái bị kích thích và dẫn đến tăng huyết áp. Uống trà đặc có thể làm giảm tác dụng của thuốc hạ sốt. Ngoài ra, trong trà còn có chứa một số chất có thể làm cho nhiệt độ cơ thể tăng lên, hậu quả khiến cho bệnh sốt xuất huyết trở nên trầm trọng hơn.
Không uống nước ngọt, nước có gas
Bệnh nhân trong khi chữa trị sốt xuất huyết tại nhà không nên sử dụng nước ngọt, nước có gas, mật ong và các loại đường tự nhiên khác. Bởi vì việc hấp thụ đường vào cơ thể người bệnh sẽ khiến cho hoạt động của các tế bào bạch cầu diệt khuẩn chậm chạp hơn và vì thế bệnh càng trở nên lâu khỏi.
Không nên ra gió, tắm nước lạnh
Bệnh nhân nên nghỉ ngơi tại nhà, không nên ra gió, không tắm nước lạnh, chỉ nên vệ sinh cơ thể bằng cách lau người với nước ấm. Lý do là vì nước lạnh có khả năng làm co mạch ngoài da nhưng lại làm giãn mạch bên trong nội tạng, đây là tình trạng có thể dẫn đến nguy cơ tử vong đột ngột.
Đặng Thị Thanh Thương
- Thông tin về bệnh Dại trên người
- 6 lời khuyên để ăn uống lành mạnh với ngân sách tiết kiệm trong bệnh tiểu đường
- Số ca mắc bệnh sởi tăng vọt trên toàn thế giới
- Tình hình nhiễm Herpes sinh dục ở người lớn trên Thế Giới
- Cập nhật hướng dẫn về phòng ngừa virus lây qua đường hô hấp của Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC)