0236.3827111

CHẾ ĐỘ ĂN TRONG BỆNH TĂNG HUYẾT ÁP


CHẾ ĐỘ ĂN TRONG BỆNH TĂNG HUYẾT ÁP

 

1. ĐẠI CƯƠNG

    Tăng huyết áp (Hypertenson) từ lâu đã trở thành mối quan tâm hang đầu ngành y học thế giới, số người tăng huyết áp ngày càng một gia tăng. Tăng huyết áp là một bệnh gây nhiều biến chứng tại mắt, não, thận, tim mạch. Tăng huyết áp có liên quan đến sự phát triển công nghiệp đô thị hóa và nhịp sống căng thẳng. Yếu tố tâm lý, yếu tố cá tính và stress cùng với lối sống ít lành mạnh thường đi kèm với tăng huyết áp.

    Chế độ ăn nhiều Natri là nguyên nhân quan trọng gây tăng huyết áp. Cho đến nay nhiều nghiên cứu dịch tễ học cho thấy một chế độ ăn hạn chế Natri, giàu canxi, kali và Magie, uống rượu mức trung bình, không hút thuốc lá, năng lượng ăn vào vừa phải có thể làm giảm tăng huyết áp. Theo liên ủy ban Quốc gia Hoa Kỳ (United State’s Joint National Committee viết tắt là JNC) theo JNC 7:

­         HA bình thường:  < 120/80 mmHg

­         Tiền tăng huyết áp: 120 - 139 /80 - 89 mmHg

­         Tăng huyết áp:  ≥ 140/90 mmHg

­         Tăng huyết áp độ 1: 140 - 159 /90 - 99 mmHg

­         Tăng huyết áp độ 2: ≥ 160 / ≥100 mmHg

Tăng huyết áp được chia làm 2 loại:

­         Tăng huyết áp tiên phát (không rõ nguyên nhân): chiếm 90- 95% trường hợp tăng huyết áp.

­         Tăng huyết áp thứ phát (có nguyên nhân): chiếm 5 - 10% trường hợp tăng huyết áp.

2. CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TĂNG HUYẾT ÁP

2.1. Natri (Sodium)

      Ăn nhiều muối, ion natri sẽ được chuyển nhiều vào tế bào cơ trơn của thành mạch máu gây tăng nước trong tế bào, tăng trương lực của thành mạch, gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi và tăng huyết áp.

      Nhu cầu muối:  người trưởng thành cần 10-15gram muối/ngày

      Khi có tăng huyết áp cần ăn chế độ giảm muối, nên ăn dưới 6 g/ngày.

2.2. Kali (Potassium)

       Kali chủ yếu ở trong tế bào và giữ vai trò quan trọng trong các quá trình chuyển hóa ở đó. Tăng nồng độ kaki trong cơ thể dẫn tới giảm nồng độ natri và tăng bài xuất chất này ra khỏi cơ thể. Chế độ ăn giàu kali có thể là biện pháp có hiệu quả trong trường hợp cần tăng bài niệu và bài xuất natri. Ngược lại, kali gây giãn mạch, do vậy làm giảm huyết áp. Lượng kali ăn vào cao giúp chống lại tăng huyết áp và kiểm soát tốt huyết áp ở bệnh nhân tăng huyết áp. Lượng kali ăn vào không đủ có thể gây tăng huyết áp. Nếu hạ kali máu do dùng thuốc lợi tiểu cần bù kali.

       Kali trong máu có nồng độ bình thường là 3,5 – 5 mmol/l.

       Nhu cầu kali cho người tăng huyết áp:  4000 – 5000 mg/ngày.

       Ở chế độ ăn hỗn hợp nhu cầu kali được thỏa mãn hoàn toàn. Tuy vậy cũng dao động theo mùa, lượng kali ở khẩu phần thấp ở các mùa nghèo rau quả. Rau quả, gạo, khoai là nguồn cung cấp chính kali cho khẩu phần ăn.

2.3. Magie (magnesium)

       Giữ vai trò quan trọng trong điều hòa khả năng hưng phấn hệ thống thần kinh. Magie có tính chất chống co cứng và giãn mạch. Các nhà khoa học Mỹ, Hà Lan đều có nhận xét chung là ăn đầy đủ canxi và magie thì  giảm nguy cơ tăng áp lực động mạch. Gần đây, một công trình nghiên cứu của Thụy Điển cho biết: người dùng nước uống có chứa đầy đủ magie có nguy cơ nhồi máu cơ tim giảm 35%, nguy cơ  tử vong do nhồi máu cơ tim giảm 20% so với  người uống nước  không có magie.

Nhu cầu:  

+     Người trưởng thành cần: 500 mg/ngày.

+     Phụ nữ có thai cần: 925 mg/ngày.

+     Phụ nữ cho con bú cần: 1250 mg/ngày.

+     Trẻ < 3 tuổi: 140 mg/ngày.

Nguồn magie chính là các loại đậu đỗ, ngũ cốc: đậu nành 167 mg%, lúa mì 87 mg%, gạo 37 mg%, ở thịt không quá 15 mg%.

2.4. Canxi (calcium)

       Canxi đóng vai trò trong việc chỉ đạo co cơ trơn. Nhiều nghiên cứu dịch tễ học chứng tỏ lượng canxi ăn vào thấp thường đi kèm với tăng huyết áp. Lượng canxi ăn vào cao có thể hạ thấp được huyết áp ở một số bệnh nhân tăng huyết áp nhưng hiệu quả chỉ tối thiểu. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh có một sự tương tác giữa canxi ăn vào và sự nhạy cảm với muối đối với tăng huyết áp. Ăn nhiều canxi thì huyết áp hạ ở người tăng huyết áp có nhạy cảm với muối. Tuy nhiên cho đến nay chưa có nghiên cứu nào đề nghị cung cấp thêm canxi để hạ thấp huyết áp.

Nhu cầu: theo Tổ chức Lương Nông Thế giới (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhu cầu canxi hàng ngày là:

+        0 - 1tuổi: 500 – 600 mg/ngày.

+        ≥ 19 tuổi: 400 – 500 mg/ngày.

+        Phụ nữ có thai và cho con bú: 1000 – 1200 mg/ngày.

Thông thường canxi chỉ được hấp thu khoảng 30 - 40% từ khẩu phần ăn, đường lactose ở sữa và vitamin D làm tăng hấp thu canxi.      

2.5. Cholesterol

       Nếu cholesterol tăng cao không kiểm soát được có thể gây xơ vữa động mạch, do các mảng bám tích tụ trong thành động mạch gây hẹp lòng mạch dẫn đến tăng huyết áp hoặc nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng não, tim do máu không lưu thông được.

2.6. Chất xơ

       Chất xơ có tác dụng làm giảm nồng độ glucose, chlolesterol, tryglycerid trong máu. Chất xơ sẽ mang các phân tử giúp hình thành cholesterol ra khỏi cơ thể. Bằng cách này, chế độ ăn giàu chất xơ giúp giảm lượng cholesterol trong máu, cũng như giảm nguy cơ xơ vữa động động mạch, tăng huyết áp và mắc bệnh tim mạch.

3. NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG CHẾ ĐỘ ĂN

3.1. DASH ( Kế hoạch hướng dẫn chế độ ăn của Mỹ nhằm kiểm soát THA)

        Là chế độ ăn chứa nhiều trái cây, chất xơ, ít chất béo, ít natri nhằm mục đích hạ huyết áp, giảm cholesterol, giảm cân và cải thiện độ nhạy cảm của insulin.

 

 

CHẾ ĐỘ ĂN NGĂN NGỪA CAO HUYẾT ÁP DASH

Nhóm thực phẩm

Liều dùng hàng ngày (2000 kcal/ngày)

Đơn vị tính

Ngũ cốc nguyên hạt và các chế phẩm (chứa chất bột đường và chất xơ)

7 – 8 lần/tuần

1 lát bánh mỳ

30g ngũ cốc khô

½ chén cơm, pasta, hoặc ngũ cốc

Rau xanh (chứa nhiều kali, magie và chất xơ)

4 – 5 lần/tuần

1 chén lá rau xanh

1/2 chén rau đã cắt hoặc rau đã nấu chín

1/2 ly nước ép rau xanh

Trái cây (chứa nhiều kali, magie, chất xơ)

4 – 5 lần/tuần

1 trái cây trung bình

1/4 ly trái cây khô

1/2 ly trái cây tươi, trái cây đông lạnh hoặc đóng hộp

1/2 ly nước trái cây

Sữa ít béo hoặc không béo và các chế phẩm (chứa nhiều canxi, protein, kali và magie)

2 – 3 lần/tuần

1 ly sữa hoặc sữa chua

3/2 ly phô mai

Thịt nạc, thịt lợn và cá (chứa protein và magie)

2 hoặc ít hơn

30g thịt nạc đã nấu chín, thịt lợn hoặc cá

1 quả trứng

Các loại hạt và đậu (chứa magie, kali, protein, chất xơ)

4 - 5 lần/tuần

1/3 cốc hay 45g hạt

2 thìa cà phê bơ đậu phộng

2 thìa cà phê hoặc 15g hạt

1/2 cốc đậu nấu chín (đậu khô và đậu hà lan)

Chất béo và dầu

2 – 3 lần/tuần

1 muỗng cà phê bơ thực vật mềm 1 muỗng cà phê dầu thực vật 1 muỗng canh sốt mayonnaise 2 muỗng canh dầu trộn salad

Chất ngọt và đường

5 lần/tuần hoặc ít hơn

 

 

 

3.2. Nguyên tắc chung

­         Hạn chế muối

Hạn chế nêm muối ǎn (natri clorua), mì chính (natri glutamat), nước mắm khi chế biến. Hạn chế muối ǎn và mì chính dưới 6 g/ngày, natri ≤ 2000mg/ngày. Có phù, suy tim, cho ít hơn (2 - 4 g/ngày). Không nên ăn các thức ăn đóng hộp, thức ăn muối mặn…vì chứa hàm lượng natri cao.

        Tăng cương chất giàu chất xơ, kali, canxi, magie, chất chống oxy hóa

+     Nên ăn nhiều rau quả, trái cây vì chứa nhiều chất xơ, kali, canxi, magie, chất chống oxy hóa…

+     Rau củ quả chứa nhiều kali như: chuối, cam, khoai…giúp tăng bài niệu, bài xuất natri ra khỏi cơ cơ thể làm hạ huyết áp.

+     Rau củ quả chứa nhiều chất chống oxy hóa như: vitamin C, E, beta carotene, lycopene, polyphenol…có tác dụng chống xơ vữa động mạch.

+     Kali nên giữ ở mức 4000 – 5000 mg/ngày. Hạn chế kali khi thiểu niệu.

+     Chất xơ nên giữ ở mức 20 – 25 g/ngày.

­         Hạn chế các thức ǎn có tác dụng kích thích thần kinh:

+     Bỏ rượu, cà phê, nước chè đặc.

+     Không hút thuốc lá, vì nicotin làm co mạch ngoại vi.

+     Tǎng sử dụng các thức ǎn, thức uống có tác dụng an thần, hạ áp, thông tiểu như:  canh vông, hạt sen, ngó sen, chè sen vông, hoa hoè, nước ngô luộc.

­         Hạn chế Chất béo:  

Hạn chế lipid trong khẩu phần ăn nhất là với những người có xơ vữa động mạch, nên ở mức 25 - 37 g/ngày. Nên dùng lipid thực vật: các loại hạt có dầu. Nên ăn dầu thực vật. Hạn chế thức ǎn chứa nhiều cholesterol như óc, lòng, tim, gan, phủ tạng, lòng đỏ trứng.

­         Hạn chế glucid nếu THA kết hợp ĐTĐ

Nên hạn chế ăn đường, bánh kẹo ngọt, các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao. Tốt nhất là ǎn chất bột từ các hạt ngũ cốc và khoai củ.

­         Hạn chế calo đối với những người thừa cân, béo phì

Nhất là những người quá béo, những người không béo chỉ nên ở mức 30 kcal/kg cân nặng/ngày. Người béo quá mức (BMI > 25) và béo phì (BMI > 30) nên hạn chế calo để giảm cân vì giảm cân là một yếu tố hạ huyết áp rất có hiệu quả.

­         Tỷ lệ thành phần thức ăn:

+              Năng lượng: 30 kcal/kg cân nặng/ngày.

+              Protein: 12 - 14% tổng số năng lượng.

+              Lipid: 15 - 20% tổng số năng lượng.

- Số buổi ăn: 3 - 4 buổi/ngày.

4. MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT KHI CHỌN THỰC PHẨM

4.1.Các thức phẩm nên dùng

­            Gạo tẻ, gạo nếp, các loại khoai và các loại đậu đỗ, lạc, vừng.

­            Thịt ít mỡ như: thịt bò, thịt gà ta, thịt lợn nạc…

­            Trứng: nên ăn trứng gà vì trứng gà ít lipid hơn trứng vịt.

­            Sữa: nên ăn các loại sữa tách bơ, sữa đậu nành, sữa chua.

­            Cá, tôm, cua các loại. Nên ăn cá luộc và đậu phụ nhiều buổi trong tuần. Sử dụng cá và gia cầm thay thế thịt càng thường xuyên càng tốt. Cá 3 lần/tuần.

­            Dùng dầu thực vật thay mỡ.

­            Dùng thực phẩm có nhiều kali như cam, chanh, chuối…

­         Nên ăn nhiều các loại rau củ quả.

­            Nên tăng cường ăn tỏi, hành tây hằng ngày.

4.2. Các loại thức phẩm không nên dùng

­         Thịt nhiều mỡ, mỡ, cá béo.

­         Các loại phủ tạng: thận, óc, tim, gan, lòng…

­         Nước chè đặc, cà phê, thuốc lá, ớt quá cay.

­         Các thức ăn muối mặn: dưa muối, cải muối..

­         Thực ăn nhanh, đóng hộp như: mì tôm, chả, xúc xích, thịt hộp…

­         Đường và các loại bánh, mứt, kẹo…( đối với người bệnh có ĐTĐ)

5. XÂY DỰNG THỰC ĐƠN

Ví dụ: Xây dựng khẩu phần ăn cho bệnh nhân Trần Thị A, 40 tuổi, nặng 50kg bịtăng huyết áp:  

-         Tổng năng lượng cần thiết cho một ngày: 30 × 50 = 1500 kcal/ngày.

-         Năng lượng do lipid cung cấp: 1500 × 20% = 300 kcal/ngày.

            Lượng lipid trong khẩu phần ăn là: 300 : 9 = 33,3 g/ngày.

-         Năng lượng do protid cung cấp: 1500 × 14% = 210 kcal/ngày.

            Lượng protid trong khẩu phần ăn là:  210 : 4 = 52,5 g/ngày.

-         Năng lượng do glucid cung cấp = 1500 - (300 + 210) = 990 kcal/ngày.

Lượng glucid trong khẩu phần ăn là:  990 : 4 = 247,5 g/ngày.

-         Vậy Cơ cấu của chế độ ăn như sau:

+        Tổng năng lượng: 1500 kcal/ngày.

+        Glucid: 990 kcal/ngày (247,5 g/ngày).

+        Protein: 210 kcal/ngày (52,5 g/ngày).

+        Lipid: 300 kcal/ngày (33,3 g/ngày).

Mẫu thực đơn

Sáng: phở thịt nạc (bánh phở 120g, thịt nạc 20, hành thơm)

Trưa:    Cơm 2 lưng bát (gạo 150g).

              Tôm đồng rang (tôm 50g).

              Bí luộc 300g.

14 giờ: Cam 300.

Chiều:  Cơm 2 lưng bát (gạo 150g).

              Đậu phụ rán sốt cà chua (đậu 100g, cà chua 50g, dầu ăn cả ngày 20g).

              Bắp cải luộc 300g.

Giá trị dinh dưỡng:  

              Năng lượng: 1800kcal

              Protid: 60,7 g

              Lipid: 31g

              Glucid: 319g

              Chất xơ: 14g

              Natri : 386 mg

              Kali: 2550mg

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Y tế (2007), Hướng dẫn chế độ ăn bệnh viện, Nhà xuất bản y học, Hà Nội.
  2. Bộ Y tế (2008), Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, Nhà xuất bản giáo dục, Hà Nội.
  3. Trần Minh Đạo, Doãn Thị Tường Vi (2011),  Dinh dưỡng bệnh lý, Nhà xuất bản y học, Hà Nội
  4. Võ Văn Đông (2014), Tập bài giảng Tiết chế, Trường Đại học Duy Tân.

 Người viết bài: Trần Thị  Mỹ Hương