GIÁO DỤC BÀ MẸ VÀ GIA ĐÌNH VỀ VIỆC CHĂM SÓC KHI MANG THAI, SINH ĐẺ VÀ SAU ĐẺ
1. Chăm sóc bà mẹ thời kỳ mang thai.
1.1. Những nội dung cần truyền thông và tư vấn chung
- Tư vấn về sự cần thiết phải khám thai định kỳ:
+ Để biết được thai nghén lần này có bình thường không.
+ Để biết cơ thể bà mẹ có thích ứng được với quá trình thai nghén không.
+ Để phát hiện những nguy cơ trong trong thời kỳ thai nghén.
+ Để lựa chọn nơi sinh an toàn nhất và lập kế hoạch cho cuộc đẻ của lần thai nghén này.
+ Để thực hiện dinh dưỡng, vệ sinh, dùng thuốc an toàn... trong quá trình thai nghén.
+ Để giảm bớt các tai biến sản khoa.
- Tư vấn về số lần khám thai tối thiểu
- Tư vấn về sự cần thiết đến khám lần sau đúng hẹn.
1.2. Những nội dung cần truyền thông và tư vấn trong thời kỳ đầu của thai nghén
1.2.1. Về dinh dưỡng
- Tư vấn cho bà mẹ biết rõ lợi ích của dinh dưỡng:
+ Có sức đề kháng chống lại nguyên nhân gây bệnh nên ít mắc bệnh.
+ Không bị thiếu máu nặng khi có thai.
+ Giúp cho thai nhi phát triển bình thường cả về thể chất và trí tuệ.
- Tư vấn về chế độ ăn:
+ Tư vấn để bà mẹ ăn no: khi có thai bà mẹ cần tăng khẩu phần ăn lên 1/4 so với lúc chưa có thai; có thể ăn tăng hơn trong mỗi bữa, có thể ăn nhiều bữa hơn. Để ăn được nhiều hơn như thế cần thay đổi món ăn, thay đổi cách chế biến sao cho ngon miệng. Trường hợp những tháng đầu, do tình trạng nghén, ăn uống có thể kém đi thì tăng cường nghỉ ngơi dành thêm năng lượng từ thức ăn cho sự phát triển của thai, rau thai và sữa mẹ về sau.
+ Ăn đủ chất: tư vấn về việc ăn những thức ăn có sẵn tại địa phương có nhiều chất đạm như thịt, cá, tôm, cua, ếch, lươn, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ nhất là đậu tương. Các thức ăn chứa nhiều chất mỡ như dầu ăn, thịt, vừng, lạc; các loại nhiều chất bột đường như gạo, ngô, khoai, sắn, củ mài, bột mì, đường, và các loại quả ngọt; thức ăn chứa nhiều muối khoáng và vitamin như rau tươi, hoa quả các loại.
+ Khuyên thai phụ không nên kiêng bất cứ loại thực phẩm nào họ vẫn ưa thích. Tuy nhiên không thể ép buộc họ ăn những thứ họ chưa tin. Cần kiêng các chất kích thích (rượu, thuốc lá, thuốc lào, cà phê...).
+ Cần uống đủ lượng nước cần thiết khi có thai và lúc nuôi con (từ 8 đến 12 cốc nước sạch, nước hoa quả hoặc chè thảo dược mỗi ngày).
+ Nếu bà mẹ có bệnh mạn tính, tư vấn cho bà mẹ thực hiện chế độ ăn theo hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa.
1.2.2. Về chế độ làm việc khi có thai
- Tư vấn bà mẹ làm việc theo công việc bình thường như khi chưa có thai và theo khả năng của mình, không làm việc quá sức.
- Nếu là công việc nặng nhọc hay độc hại như bốc vác, phải gánh gồng, đội nặng, phải tiếp xúc với hóa chất (thuốc trừ sâu, xăng dầu, chất phóng xạ...) thì khuyên bà mẹ nên xin chuyển tạm thời sang công việc khác trong thời gian thai nghén và nuôi con nhỏ.
- Trong thời gian thai nghén không làm việc ở trên cao (dễ bị tai nạn) và ngâm mình dưới nước (dễ nhiễm lạnh, nhiễm khuẩn).
- Trong thời gian làm việc nên xen kẽ những phút nghỉ ngơi giữa giờ. Nếu đang lao động thấy người mệt mỏi, đau bụng thì xin phép nằm nghỉ để cơ thể thư dãn.
- Nếu thấy ra máu, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng vùng dưới xương ức thì nên đi khám kiểm tra xem có bất thường do thai nghén hay không.
- Vào tháng cuối trước ngày dự kiến đẻ cần nghỉ ngơi để mẹ có sức, con tăng cân. Tuy thế không nghỉ ngơi một cách thụ động mà nên làm các công việc nhẹ trong nhà: đan lát, đọc sách, đi lại vận động cho máu lưu thông và tinh thần thoải mái.
- Cần đảm bảo ngủ mỗi ngày ít nhất 8 giờ. Nên ngủ trưa từ 30 phút đến một giờ. Không thức khuya, dậy sớm. Không làm việc ban đêm.
1.2.3. Về vệ sinh thân thể
- Năng tắm rửa, thay quần áo hàng ngày. Tắm trong nhà tắm, kín đáo, tránh gió lùa. Không tắm sông, tắm suối nhất là không tắm trong ao hồ nước tù đọng (vì có các vi khuẩn và ký sinh trùng). Mùa lạnh cần tắm nước nóng.
- Hàng ngày vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài bằng cách dội nước rửa.
- Chăm sóc vú bằng cách lau rửa vú hàng ngày với bông hoặc khăn vải mềm. Xoa bóp, nặn, kéo núm vú đều đặn nếu núm vú thụt vào trong để tạo điều kiện nuôi con sau này. Trong khi xoa nắn nếu thấy bụng co cứng thì không được làm tiếp.
- Tránh tiếp xúc với người ốm, bị sốt bất kỳ do nguyên nhân gì để tránh lây bệnh truyền nhiễm.
1.2.4. Về sinh hoạt trong khi có thai
- Tránh lo lắng, căng thẳng trong sinh hoạt. Điều này đòi hỏi sự thông cảm và quan tâm tạo điều kiện của người chồng và các thành viên trong gia đình.
- Nơi ở thoáng đãng, sạch sẽ, không khí trong lành không có khói bếp nhất là khói thuốc lá, thuốc lào.
- Mặc áo quần rộng rãi, bằng vải mềm, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông.
- Về quan hệ tình dục: không phải kiêng tuyệt đối nhưng cần hạn chế, có sự thông cảm và nhẹ nhàng, với tư thế thích hợp của người chồng. Nếu đã bị sảy thai và đẻ non ở lần thai nghén trước thì cần rất hạn chế và nên kiêng hẳn trong ba tháng đầu và ba tháng cuối.
- Khi có thai nên tránh phải đi xa, nhất là những tháng cuối. Nếu bắt buộc phải đi thì nên chọn phương tiện nào an toàn, êm, ít xóc nhất.
2. Hỗ trợ bà mẹ và gia đình lập kế hoạch cho cuộc đẻ.
2.1. Chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc sinh sắp tới
- Hướng dẫn thai phụ chuẩn bị sẵn sàng các đồ dùng cần thiết cho cuộc sinh đẻ:
+ Trang phục của mẹ: áo quần, khăn mũ, băng vệ sinh...
+ Đồ dùng của con: áo, tà lót (quần), một cái chăn để bọc sơ sinh khi đưa về nhà. Các khăn nhỏ, vải mềm. Các loại thìa, cốc, bát để dùng cho con... Tất cả các vật dụng trên nên sắp xếp gọn vào một cái làn hay cái túi để khi nào chuyển dạ có thể mang theo đến nhà hộ sinh.
- Đến gần ngày dự kiến sinh, thai phụ không nên đi đâu xa.
- Hướng dẫn bà mẹ về nơi sinh: tất cả các bà mẹ đều phải đẻ ở cơ sở y tế để đảm bảo an toàn cho mẹ và con.
+ Nếu quá trình thai nghén bình thường, không có bất kỳ yếu tố nguy cơ gì thì có thể đẻ ở tuyến cơ sở.
+ Nếu có yếu tố nguy cơ: cần chuyển đến bệnh viện gần nhất.
- Khi thấy bắt đầu chuyển dạ nếu đủ thì giờ, nên tắm gội bằng nước ấm, thay áo quần sạch sẽ trước khi đến nhà hộ sinh.
- Hướng dẫn sản phụ những dấu hiệu bất thường cần đi khám như: chảy máu, phù mặt và tay, đi tiểu ít, nhức đầu, sốt, bồn chồn, thai đạp yếu đi hay không đạp nữa...
- Hướng dẫn những dấu hiệu chính của cuộc chuyển dạ bắt đầu: đau bụng từng cơn, ra chất nhày hồng...
2.2. Hướng dẫn gia đình phối hợp chuẩn bị cho bà mẹ và sơ sinh
- Hướng dẫn gia đình chuẩn bị người chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh trong những ngày chuyển dạ đẻ và sau đẻ tại bệnh viện: chồng hoặc chị em trong gia đình hoặc người phụ nữ khác. Người chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh nên là người có sức khỏe, có kinh nghiệm chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh. Nếu có điều kiện, hướng dẫn người chăm sóc về cách theo dõi, chăn sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh ngay sau đẻ và trong thời kỳ sau đẻ.
- Hướng dẫn gia đình chuẩn bị tiền, các vật dụng cần thiết cho bà mẹ và trẻ sơ sinh.
- Hướng dẫn gia đình chuẩn bị phương tiện sẵn sàng để đưa bà mẹ đến cơ sở y tế đẻ. Nếu bà mẹ có nguy cơ và phải chuyển tuyến, cần hướng dẫn gia đình phối hợp với cơ sở y tế để chuyển tuyến. Đặc biệt, ở những nơi không sẵn phương tiện giao thông, cần hướng dẫn gia đình phối hợp với cơ sở y tế để huy động cộng đồng chuyển tuyến cho bà mẹ. Ví dụ: phương tiện chuyển viện (xe máy/ ô tô/ cáng võng...).
3. Chăm sóc bà mẹ trong cuộc đẻ
3.1. Nội dung thông tin, tư vấn trong quá trình theo dõi chuyển dạ
Thời gian từ khi bắt đầu chuyển dạ đến lúc sinh con là khoảng thời gian lâu nhất trong quá trình chuyển dạ, có thể từ 12 đến 16 tiếng và càng gần lúc đẻ tình trạng sản phụ càng nhiều bức xúc (mệt mỏi, đau đớn, lo âu, sợ hãi).
- Trong giai đoạn này nếu có thể nên khuyến khích người chồng, người thân trong gia đình sản phụ hoặc bạn bè cùng có mặt với cán bộ y tế chăm nom, săn sóc sản phụ.
- Tiếp thu thông tin từ nhân viên y tế qua mỗi lần khám để yên tâm chờ đợi cuộc chuyển dạ.
- Phối hợp với nhân viên y tế theo dõi quá trình chuyển dạ: động viên bà mẹ, thông báo cho nhân viên y tế khi thấy bà mẹ có dấu hiệu chuyển dạ tăng lên hoặc dấu hiệu bất thường: cơn đau bụng tăng nhanh, mót rặn, bà mẹ mệt, ra nước âm đạo, ra máu âm đạo,...
- Tiếp thu thông tin về phương hướng xử trí khi sản phụ vào cuộc đẻ thực sự (đẻ thường hay đẻ can thiệp và tại sao). Nếu chưa rõ, cần bình tĩnh trao đổi lại với nhân viên y tế.
- Thực hiện theo hướng dẫn của nhân viên y tế về vận động, đi lại trong phòng (tự đi hay có người dìu đi), các động tác hít vào mạnh và thở ra nhanh khi có cơn đau, cách thư dãn cơ thể, thở sâu đều đặn sau mỗi cơn rặn và cách thổi hơi ra liên tục khi không được rặn nữa; việc đi tiểu, đại tiện, làm vệ sinh trước mỗi lần thăm khám và cả việc uống nước, uống sữa (nếu không có chống chỉ định).
3.2. Thông tin, tư vấn ngay sau đẻ
- Trước hết cần cung cấp cho sản phụ các thông tin về cuộc sinh nở vừa diễn ra và tình trạng con của họ khi ra đời.
- Tư vấn cho bà mẹ và gia đình về lợi ích của việc cho trẻ bú sớm, bú ngay sau đẻ (Xem bài tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ).
- Cần hướng dẫn cho bà mẹ và gia đình cách theo dõi và chăm sóc cho cả mẹ và con. Nhấn mạnh việc phát hiện băng huyết của sản phụ, tình trạng ngạt và hạ thân nhiệt của sơ sinh trong những giờ đầu.
- Giải thích những biểu hiện bình thường thường gặp sau đẻ nhằm giúp sản phụ giảm lo âu như cơn đau do tử cung co rút, sự thay đổi của sản dịch, xuống sữa, tình trạng đại, tiểu tiện.
- Giải thích những biểu hiện bình thường của trẻ như ngủ gần như cả ngày, các phản xạ bẩm sinh như mút vú, trương lực cơ gấp tăng, cuống rốn khô dần và rụng nhằm giúp sản phụ giảm nỗi lo âu.
- Ngoài ra cũng cần hướng dẫn những dấu hiệu bất thường có thể diễn ra ở mẹ và con biểu hiện một bệnh hay một biến chứng sau sinh nhằm giúp bà mẹ phát hiện sớm các triệu chứng bất thường để đi khám như sốt, sưng nề vết khâu tầng sinh môn, nhìn mờ, ra sản dịch hôi; cuống rốn hôi hoặc chảy máu, sưng đau cuống rốn của con, bé bú yếu, li bì....
- Khi tư vấn cần chú ý lắng nghe những điều sản phụ bày tỏ, nhất là những điều tâm sự, những nỗi éo le sản phụ muốn được chia sẻ. Tôn trọng các ý kiến, tình cảm cũng như nỗi xúc động của họ và nếu có thể, đưa ra những lời khuyên thích hợp.
3.3. Tư vấn cho những trường hợp đặc biệt
3.3.1. Sản phụ bị biến chứng
- Nhân viên y tế phải tỏ thái độ thông cảm với nỗi lo lắng của sản phụ và gia đình họ. Dù nguyên nhân có thể do gia đình đưa đến y tế muộn cũng không được phê phán, trách móc. Không buông xuôi, đổ lỗi hết cho gia đình mà phải tập trung vào cứu chữa tích cực.
- Phải giải thích cho gia đình và sản phụ các diễn biến có thể xảy ra ngay lúc đó và về sau.
- Phải đặt chương trình kế hoạch chăm sóc và thăm hỏi sản phụ khi ở cơ sở y tế cũng như tại nhà.
3.3.2. Sản phụ trong tình trạng nguy kịch
- Phải bình tĩnh và khẩn trương, huy động mọi người tích cực chăm sóc và điều trị ở mọi thời điểm. Luôn luôn thông báo cho gia đình sản phụ biết tình trạng đang diễn ra và cả tiên lượng cũng như các biện pháp cấp cứu đã được sử dụng.
- Nếu tử vong không tránh được cần an ủi và chia sẻ nỗi đau đớn với gia đình. Giải thích cho gia đình lý do dẫn đến tử vong và sẵn sàng, nghiêm túc trả lời các câu hỏi thắc mắc của họ.
- Tạo điều kiện cho gia đình chôn cất nếu có thể và trong tang lễ nên có người đại diện cơ sở y tế đến phúng viếng, chia buồn nếu tang lễ làm ngay tại cơ sở y tế (bệnh viện) hoặc tại nhà nếu gia đình ở gần cơ sở y tế.
3.3.3. Trẻ sơ sinh tử vong
- Nếu chết trong tử cung: cần giải thích cho sản phụ và gia đình nguyên nhân dẫn đến tử vong của thai (suy thai, sa dây rốn, thai quá hạn, thai dị dạng, bệnh lý của mẹ, của thai hay phần phụ).
- An ủi sản phụ và gia đình trước sự mất mát đó.
- Dùng khăn sạch quấn, bọc cho sơ sinh đã chết, không để nằm trơ trên khay men hay trên bàn đá.
- Không nên chuyển sơ sinh chết đi ngay mà nên để sản phụ và gia đình ở cạnh và nhận mặt đứa trẻ nếu họ yêu cầu.
- Nếu thai chết phải lấy ra bằng thủ thuật huỷ thai thì chỉ sau khi quấn bọc thai cẩn thận mới cho sản phụ và gia đình nhận mặt. Nếu sản phụ không muốn thì cũng không nên ép buộc.
- Khi chuyển sơ sinh tử vong xuống khu đại thể nếu gia đình muốn cử người đi theo cũng không từ chối.
- Bà mẹ có con tử vong nên xếp cho nằm phòng riêng, không ở chung phòng với các sản phụ khác có con khỏe mạnh.
- Nên trao đổi với sản phụ và gia đình họ về các biện pháp dự phòng trong tương lai.
3.3.4. Trẻ sơ sinh dị dạng
- Cần thông báo cho sản phụ và gia đình ngay sau khi sinh và nên đưa trẻ ra cho gia đình quan sát, chỉ rõ dị tật của trẻ. Với sản phụ cần hỏi ý kiến xem họ có muốn nhìn ngay đứa trẻ hay không. Nếu bà mẹ chưa muốn tiếp xúc ngay thì cũng không ép buộc.
- Nếu sơ sinh có nhiều dị tật thì nên quấn trẻ trong chăn cho mẹ và gia đình quan sát những phần bình thường trước, rồi mới bộc lộ từng phần dị dạng cho họ quan sát. Không ép sản phụ kiểm tra dị dạng của con mình.
- Trao đổi với sản phụ và gia đình về hướng xử trí dị dạng (cho đi khám ở đâu, có thể mổ vào giai đoạn nào ví dụ sứt môi, não úng thủy, bàn chân khoèo, thừa ngón tay chân...) và trả lời các câu hỏi của sản phụ và gia đình, nhưng phải thận trọng khi giải thích.
- Không tách riêng sơ sinh khỏi mẹ mà nên để nằm với mẹ để gia đình chăm sóc và dễ dàng chấp nhận con mình
3.3.5. Suy sụp tâm lý sau sinh
- Một số sản phụ có những hoàn cảnh đặc biệt có thể bị suy sụp tâm lý sau sinh ví dụ sinh con ngoài ý muốn (ngoài kế hoạch, không đúng với mong mỏi về giới tính, thai ngoài giá thú), vợ chồng bất hòa trước khi sinh, chồng chết khi đang thai nghén, hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn, sơ sinh bị chết hay bị dị dạng. Cũng có khi không có lý do cụ thể nào. Mọi trường hợp đó đều cần được theo dõi và giúp đỡ cẩn thận.
- Cần chuyện trò thăm hỏi và lắng nghe tâm tư, tình cảm của sản phụ, động viên sản phụ tự tin với vai trò làm mẹ. Động viên người thân trong gia đình và các sản phụ nằm chung phòng quan tâm trò chuyện, có thái độ và việc làm cần thiết để giúp đỡ. Khuyến khích sản phụ mở rộng giao tiếp với các sản phụ khác để được hỗ trợ.
- Nếu suy sụp tâm lý nặng, thái độ và sự chăm sóc tận tình của CBYT không có tác dụng thì nên cho thuốc an thần rồi cho chuyển tuyến trên.
Trích dẫn từ chương trình tập huấn "Người đỡ đẻ có kỹ năng" của Vụ Sức khoẻ Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế, 2015.
*Hoàng Ngọc Hà