Lập kế hoạch chăm sóc trẻ bị co giật
Co giật là trạng thái rối loạn tạm thời về ý thức, vận động, cảm giác, thần kinh tự động do sự phóng điện đột ngột, quá mức và nhất thời của một số tế bào thần kinh (neuron).
Co giật là triệu chứng thường gặp trong hàng loạt các rối loạn của hệ thần kinh. Các cơn co giật thường xảy ra vào 2 năm đầu. Khoảng 30 - 50% trẻ bị co giật lần đầu, có thể sẽ tái phát nhiều lần và đó là bệnh động kinh.
1. Nguyên nhân gây co giật ở trẻ em
Co giật do nhiều nguyên nhân gây ra và có thể chia thành 5 nhóm chính:
1.1. Do tổn thương thực thể ở não, màng não
1.1.1. Nhiễm khuẩn ở hệ thần kinh
- Viêm màng não do:
+ Vi khuẩn như phế cầu, H. influenzae, não mô cầu, trực khuẩn lao...
+ Virus.
+ Ký sinh trùng, nấm.
- Viêm não: Hay gặp nhất là viêm não Nhật bản B, sau đó là viêm não do các virus đường ruột, sau sởi, quai bị, thuỷ đậu...
- áp xe não: Thường gặp do biến chứng của viêm tai xương chũm.
1.1.2. Chấn thương sọ não
Co giật có thể xảy ra ngay sau chấn thương hoặc sau vài tháng, thậm chí sau vài năm (động kinh) kể từ khi bị chấn thương như ngã, tai nạn, bị đánh đập vào vùng sọ...
1.1.3. Sang chấn sản khoa
Phần lớn co giật xảy ra ở trẻ sơ sinh là do sang chấn sản khoa, do ngạt vì đẻ khó, chuyển dạ kéo dài, phải can thiệp bởi các thủ thuật sản khoa, trong sản giật, trong nhiễm độc thai nghén... và có tới 15% trẻ sơ sinh co giật không rõ nguyên nhân.
1.1.4. Do choán chỗ trong hộp sọ
Do những khối u, khối máu tụ, phình mạch máu não, haemangiome, xuất huyết não – màng não do nhiều nguyên nhân khác nhau...
1.1.5. Tắc mạch máu não
Do biến chứng của bệnh viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn thường xảy ra ở bệnh nhân tim bẩm sinh; do cục máu đông (embolia, trombolia) hay xảy ra sau phẫu thuật tim, phổi.
1.1.6. Các bệnh thoái hoã não
Co giật thường xuất hiện muộn trong các bệnh thoái hoá chất trắng, chất xám.
1.1.7. Các bệnh não bẩm sinh
Là các bệnh như não úng thuỷ (hydrocelphalia), bệnh nhỏ sọ (microcelphalia), dị dạng não... thường xảy ra do mẹ bị các bệnh virus như cảm cúm trong 2 tháng đầu mang thai hoặc mẹ bị các bệnh mãn tính gây thiếu oxy trong thời kỳ thai nghén như suy tim mạn, thiếu máu mạn tính...
1.1.8. Một số bệnh khác gây tổn thương não
Vàng da nhân ở trẻ sơ sinh, sốt rét thể não, hội chứng Reye...
1.2. Do rối loạn chuyển hoá
Bao gồm rất nhiều bệnh như co giật do ngộ độc thức ăn; ngộ độc Strychnin, long não, theophylin; do thiếu vitamin B6; do hạ đường máu, hạ natri máu, hạ calci máu và các bệnh di truyền gây rối loạn chuyển hoá như bệnh nhiễm leucin, bệnh phenylceton niệu...
1.3. Do cao huyết áp
Thường xảy ra trên bệnh nhân viêm cầu thận cấp có cao huyết áp, dị dạng động mạch thận, hẹp eo động mạch chủ...
1.4. Do sốt cao
gặp nhiều ở trẻ trong lứa tuổi từ 6 tháng đến 6 tuổi, co giật xảy ra khi trẻ sốt cao trên 3905 và hay tái phát khi trẻ sốt cao.
1.5. Co giật trong bệnh động kinh
Co giật trong bệnh động kinh là hậu quả của các rối loạn nêu trên hoặc bệnh tự phát có căn nguyên ẩn.
Bệnh động kinh là sự rối loạn từng cơn về chức năng của hệ thần kinh trung ương do sự phóng điện đột ngột, quá mức của các neuron.
Đặc điểm của co giật trong bệnh động kinh là:
+ Co giật xảy ra đột ngột và ngắn.
+ Các cơn co giật có tính định hình lặp lại nhiều lần (các cơn giật giống nhau ở từng bệnh nhân).
+ Trong cơn giật: Có các rối loạn chức năng thần kinh (đái, ỉa ra quần trong cơn co giật).
+ Sau cơn co giật, bệnh nhân không nhớ những gì vừa xảy ra đối với chúng và với xung quanh.
+ Trên điện não đồ: Phát hiện được các đợt sóng kịch phát.
2. Phân loại co giật ở trẻ em
2.1. Co giật không động kinh
- Co giật do tổn thương thực thể ở não:
+ Nhiễm trùng ở hệ thần kinh trung ương.
+ Sang chấn ở hệ thần kinh trung ương.
+ Não bị chèn ép.
+ Thoái hoá não.
+ Dị dạng não
- Co giật do không có tổn thương thực thể ở não:
+ Sốt cao.
+ Rối loạn chuyển hoá.
+ Cao huyết áp
2.2. Co giật động kinh
- Động kinh toàn thể
- Động kinh cục bộ
3. Đặc điểm lâm sàng một số trường hợp co giật
3.1. Co giật do sốt cao (sốt cao co giật đơn thuần)
Sốt cao thường xảy ra do trẻ bị các bệnh nhiễm trùng ở ngoài hệ thần kinh trung ương như cảm cúm, sởi, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi viêm tai giữa, viêm đường tiết niệu...
Đặc điểm lâm sàng co giật do sốt cao là:
- Hay gặp ở trẻ trong độ tuổi từ 6 tháng đến 6 tuổi.
- Cơn co giật xảy ra ở trẻ sốt cao trên 390C.
- Co giật toàn thân (lan toả toàn thân).
- Thời gian mỗi cơn co giật ngắn dưới 10 phút.
Số cơn co giật tái phát ít trong 1 ngày, dưới 4 lần.
- Tiền sử: Trước đây hễ bị sốt cao là trẻ co giật.
- Thăm khám hệ thần kinh: Bình thường.
- Dịch não tuỷ bình thường.
- Điện não đồ ngoài cơn: Bình thường.
3.2. Co giật do nhiễm trùng ở hệ thần kinh trung ương có kèm theo sốt (co giật do sốt cao phức hợp)
Co giật có kèm theo sốt thường xảy ra do trẻ bị nhiễm trùng ở hệ thần kinh trung ương như viêm màng não mủ, viêm màng não nước trong, viêm não, áp xe não...
Đặc điểm lâm sàng co giật do các nguyên nhân này là:
Gặp ở trẻ trong bất kỳ độ tuổi nào.
- Cơn co giật xảy ra không nhất thiết phải ở trẻ sốt cao trên 39 0C.
- Co giật có thể lan toả hoặc cục bộ.
- Thời gian mỗi cơn co giật thường dài trên 15 phút.
- Số cơn co giật tái phát nhiều lần trong 1 ngày, trên 5 lần.
- Tiền sử: Trước đây đã có lần sốt cao nhưng không co giật.
- Thăm khám hệ thần kinh: Bất thường.
- Dịch não tuỷ: Bệnh lý.
- Điện não đồ ngoài cơn: Bất thường.
3.3. Động kinh
3.3.1. Động kinh toàn thể
3.3.1.1. Động kinh điển hình (Động kinh cơn lớn ở trẻ lớn)
- Trước cơn động kinh thường có triệu chứng báo trước: Trước khi lên cơn động kinh 5 - 10 giây, bệnh nhân cảm thấy khó chịu, đau đầu, buồn bực chân tay...
- Cơn động kinh điển hình trải qua 3 giai đoạn:
+ Giai đoạn co cứng: Kéo dài 5 - 12 giây.
Bệnh nhân đột nhiên ngã xuống bất tỉnh, các cơ co cứng: các chi duỗi cứng , các ngón tay gấp, đầu ưỡn ngửa quay sang một bên, hàm nghiến chặt, thường cắn vào lưỡi, hai mắt trợn ngược. Bệnh nhân không thở được vì các cơ ngực co cứng, do đó sắc mặt bệnh nhân nhợt nhạt rồi tím tái. Bệnh nhân có thể đái, ỉa ra quần do mất trương lực các cơ tròn.
+ Giai đoạn co giật: Kéo dài trong vài phút.
Tất cả các cơ đều giật, giật liên tiếp, ngắn, mạnh, có nhịp, đầu lắc lư, hai mắt giật ngang hoặc giật lên trên, lưỡi thè ra dễ bị cắn vào.
+ Giai đoạn duỗi:
Các cơ doãi ra, các phản xạ giảm, đồng tử giãn, bệnh nhân thở mạnh, nhanh và có sùi bọt mép. Sau 1 -2 phút sắc mặt bệnh nhân dần dần trở về bình thường.
- Sau cơn giật:
Bệnh nhân lớn tuổi thương tỉnh táo bình thường nhưng lại không nhớ tất cả những gì vừa xảy ra với chính mình và xung quanh. Đối với trẻ nhỏ thì sau cơn động kinh bệnh nhân thường ngủ lịm đi vì mệt.
3.3.1.2. Động kinh không điển hình
- Cơn vắng ý thức: Thường gặp ở trẻ 4 đến 8 tuổi. Đột nhiên vắng ý thức, dừng hoạt động, không thay đổi tư thế, không vận động, mắt nhìn trừng trừng ra phía trước hoặc nhìn ngược. Sau vài giây trẻ trở lại bình thường. Cơn vắng ý thức có thể kèm theo co giật nhẹ, tăng hoặc giảm trương lực cơ:
+ Vắng ý thức với giật cơ nhẹ: Mắt nhắm lại, mồm nhai, chuyển động các ngón tay, vai, tư thế không thay đổi nhưng các vật đang cầm trên tay bị rơi xuống.
+ Vắng ý thức và tăng trương lực cơ: Mất ý thức và tăng trương lực cơ một bên hoặc hai bên.
+ Vắng ý thức và giảm trương lực cơ: Mất ý thức và đầu gục xuống hoặc nghiêng sang một bên, nhưng trẻ không ngã.
- Co giật sơ sinh lành tính: Thường xảy ra vào ngày thứ 5 sau khi ra đời với biểu hiện bằng cơn co giật trong vòng 30 giây: giật bàn chân, run chân, giật tay, có khuynh hướng lan toả từ nửa người sang bên đối diện. Bệnh có tiên lượng tốt.
3.2.3. Động kinh cục bộ
- Động kinh cục bộ thuỳ trán: Giật khu trú nửa người, lan từ một phần nhỏ đến rộng. Ví dụ: cơn Bravais Jackson: Lúc đầu giật mắt, mặt, rồi chuyển xuống giật tay, giật chân cùng bên.
- Động kinh cục bộ thuỳ thái dương: Bệnh nhân ngửi thấy mùi khó chịu hoặc cảm thấy khó chịu, rồi bệnh nhân có những động tác động bất thường như chép miệng, đứng dậy, ra đi, cởi khuy áo, nói nhiều.
Cơn động kinh thực vật (động kinh não trung gian): Co giãn đồng tử, đỏ bừng mặt, cổ vã mồ hôi, sởn gai ốc, tim đập chậm hay nhanh, hạ HA đột ngột, đau bụng, rối loạn nhip thở.
- Động kinh kịch phát vùng trung tâm (Rolandique): Thường gặp ở trẻ 5 -10 tuổi, cơn xảy ra chủ yếu vào ban đêm, ngắn dưới 2 phút với các biểu hiện như dị cảm một bên mặt, cơn giật nửa người hoặc cơn co thắt cổ họng, chảy nhiều nước mũi, ý thức không thay đổi.
- Động kinh kịch phát vùng chẩm: Thường gặp ở trẻ từ 18 tháng đến 7 tuổi với các biểu hiện ban đầu là khó khăn về nhìn, mù tạm thời, ảo giác, ảo thị, sau đó là co giật nửa người hoặc co giật cục bộ, cuối cùng có thể co giật lan toả toàn thân.
4. Chăm sóc
4.1. Nguyên tắc
- Trong cơn co giật
Mục đích là tránh các hậu quả có thể xảy ra trong cơn giật:
+ Không để bệnh nhi bị rơi, ngã.
+ Không để bệnh nhi hít phải đờm rãi hoặc chất nôn.
+ Không để bệnh nhi cắn phải lưỡi.
+ Tránh tụt lưỡi.
+ Làm thông đường hô hấp, chống suy hô hấp.
+ Sử dụng thuốc/biện pháp cắt cơn giật theo y lệnh của thày thuốc.
- Ngoài cơn co giật
Chủ yếu là điều trị ngăn ngừa cơn co giật tái phát:
+ Tìm nguyên nhân và xử trí theo nguyên nhân.
+ Khắc phục hậu quả, tránh tai biến có thể xảy ra trong cơn co giật.
+ Thực hiện y lệnh dùng thuốc điều trị.
+ Tiến hành làm các xét nghiệm cần thiết: Trợ giúp thầy thuốc chọc dò dịch não tuỷ, lấy máu làm các xét nghiệm cần thiết như công thức máu, đường huyết, điện giải đồ, cấy máu, tìm ký sinh trùng sốt rét...
+ Vệ sinh thân thể: Lau mũi, miệng, mắt, mặt, vùng hậu môn, sinh dục; thay quần áo, tã lót nếu trẻ đái ỉa ra.
+ Thực hiện các biện pháp chống loét cho bệnh nhân hô n mê hoặc liệt kéo dài.
4.2. Chăm sóc cụ thể
4.2.1. Trong cơn cơn giật
- Nhanh chóng đặt bệnh nhi năm nghiêng để tránh đờm rãi hoặc chất nôn rơi vào khí – phế quản.
- Dùng một miếng gạc hoặc cái đè lưỡi có quấn gạc đặt vào giữa 2 hàm răng để tránh cho trẻ cắn vào lưỡi.
- Sau đó nên dùng dụng cụ làm thông đường hô hấp (airway) đặt vào miệng. Dụng cụ này vừa có tác dụng làm thông đường thở do tránh được tụt lưỡi ra sau và vừa có tác dụng tránh cho trẻ cắn vào lưỡi.
- Hút đờm rãi nếu xuất tiết nhiều.
- Thở oxy khi trẻ tím tái hoặc khi cơn giật kéo dài.
- Bằng mọi cách cắt cơn co giật càng nhanh càng tốt:
+ Seduxen: thụt hậu môn trực tràng: Dùng bơm tiêm 1 ml lấy nửa ống (đối với trẻ < 5 tuổi) hoặc 1 ống (đối với trẻ 5 tuổi) Seduxen 10mg, bỏ kim ra sau đó bơm vào hậu môn trực tràng và dùng tay ép giữ 2 mông trẻ lại trong vòng 1 – 2 phút.
+ Nếu không cắt được cơn giật thì dùng Seduxen tiêm tĩnh mạch: Lấy 0,3 - 0,5 mg/kg Seduxen pha với 20 ml Glucoza 10%, bơm thật chậm vào tĩnh mạch, vừa bơm vừa theo dõi bệnh nhi, nếu trẻ hết giật thì ngừng tiêm ngay.
Tiêm tĩnh mạch Seduxen cho trẻ em có thể gây ngừng thở (ức chế trung tâm hô hấp), do vậy cần phải chuẩn bị bóp bóng ambu nếu trẻ ngừng thở.
Có thể tiêm nhắc lại 0,1mg/kg/lần nếu sau 15 phút chưa cắt được cơn co giật.
+ Hoặc có thể dùng Phenobacbital 5 - 10mg/kg/lần. Thuốc này thường dùng đường tiêm bắp. Nhắc lại 3mg/kg/lần nếu sau 20 phút chưa cắt được cơn giật.
- Cán bộ y tế phải nhanh nhẹn tích cực nhưng phải bình tĩnh để xử lý kịp thời đúng phương pháp, có kế hoạch cụ thể.
- Sau đó tìm nguyên nhân để điều trị:
+ Co giật do sốt cao: Đặt hậu môn viên đạn Paracetamol 0,2g hoặc Analgin 0,2g để hạ nhiệt khi trẻ sốt cao co giật.
+ Co giật do hạ đường huyết: Tiêm hoặc truyền tĩnh mạch Glucoza 10 -20%.
Tetani: Tiêm chậm tĩnh mạch Calci clorid hoặc Calci gluconat.
Lưu ý:
+ Trong cơn giật không được cho trẻ ăn, uống kể cả uống thuốc.
+ Chèn gạc giữa hai hàm răng, kéo lưỡi ra để trẻ không cắn vào lưỡi.
4.2.2. Ngoài cơn co giật:
- Khi cơn giật đã ngừng, cần điều trị duy trì nhằm ngăn ngừa co giật tái phát bằng cách cho uống Seduxen sau mỗi 6 - 8 giờ/lần.
- Tìm nguyên nhân để điều trị và chăm sóc:
+ Có thể truyền dịch ưu trương hoặc Manitol để chống phù não.
+ Phẫu thuật nếu có u hoặc khối máu tụ trong hộp sọ.
+ Điều trị tai biến trong cơn giật (nếu có).
+ Hướng dẫn sử dụng đều đặn thuốc chống động kinh (Gardenal, Tegretol, Depakin...) và đề phòng tai nạn đi xe đạp, xe máy, chết đuối đối với trẻ động kinh.
+ Dùng vitamin D, tắm nắng, uống muối calci đối với những đứa trẻ bị còi xương, thận nhiễm mỡ.
+ Chăm sóc chu đáo, không để trẻ bỏ bữa đối với những đứa trẻ bị hạ đường huyết.
+ Hướng dẫn để gia đình có sẵn thuốc hạ sốt để cho trẻ uống ngay khi thân nhiệt của trẻ 380C, đối với những trường hợp co giật do sốt cao.
+ Dùng thuốc kháng sinh đặc hiệu để chữa các bệnh nhiễm trùng ở trong và ngoài hệ thần kinh trung ương.
+ Cầm máu bằng truyền máu và tiêm vitamin K trong trường hợp chảy máu não - màng não.
- Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ.
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường nơi trẻ nằm.
4.2.3. Lập kế hoạch chăm sóc trẻ co giật
- Nhận định:
- Nhận định:
+ Cần phải quan sát và thăm khám kỹ bệnh nhi để xác định:
* Tính chất cơn giật: toàn thân hay cục bộ.
* Thời gian cơn co giật kéo dài bao lâu?
* Có các dấu hiệu suy hô hấp hay suy tuần hoàn không?
* Có vấn đề gì gây cản trở hô hấp hay tuần hoàn không?
* Kiểm tra: nhiệt độ, nhịp thở, mạch có bình thường không?
* Có các dấu hiệu về thần kinh thực thể không: Liệt chân tay, thóp phồng, mắt lác, méo mồm...
* Có xùi bọt mép không?
* Có đái dầm hoặc ỉa đùn không?
* Có cắn phải lưỡi không?
+ Cần phải hỏi cha, mẹ bệnh nhi để xác định hoàn cảnh xuất hiện cơn co giật và điều kiện hết cơn co giật:
* Trẻ bị co giật từ bao giờ?
* Trẻ bị co giật bao nhiêu lần rồi?
* Mỗi cơn giật kéo dài bao lâu?
* Trẻ co giật cả chân, tay, mắt, miệng, nửa người hay chỉ co gật một bộ phận nào đó?
* Trước khi co giật trẻ có biểu hiện gì bất thường không? có ăn, uống nhầm thuốc hoặc chất độc gì không? có sốt cao không ? có nôn mửa không? có kêu đau đầu không?...
+ Sau cơn giật:
* Bệnh nhân tỉnh hay mê.
* Có bị liệt không?
* Vận động các chi có bình thường không?
Nếu bệnh nhi không tỉnh táo thì cần phải đánh giá mức độ hôn mê theo thang điểm Glasgow (Bảng 2)
Đánh giá:
Nếu đạt > 7 điểm là tổn thương nông, tiên lượng còn tốt. Nếu đạt 7 điểm là điểm bản lề.
Nếu đạt < 7 điểm là tổn thương sâu, tiên lượng xấu.
Bảng 8: Thang điểm đánh giá hôn mê Glasgow
STT
|
Tình trạng
|
Khám và đánh giá
|
Điểm
|
1
|
Mở mắt
|
- Tự nhiên
- Khi gọi tên
- Khi cấu véo
- Không mở mắt
|
4
3
2
1
|
2
|
Trả lời khi được
gọi hỏi
|
- Đúng, nhanh
- Chậm, lơ mơ
- Không xác định
- Kêu rên
- Không
|
5
4
3
2
1
|
3
|
Vận động
|
- Bảo: Làm đúng
- Cấu: Gạt đúng chỗ
- Cấu: Gạt không đúng chỗ
- Gấp cứng chi trên
- Duỗi cứng tứ chi
- Không
|
6
5
4
3
2
1
|
Tổng cộng
|
15
|
- Chẩn đoán chăm sóc
Dựa vào các dữ liệu thu thập được trong phần nhận định bệnh nhi mà nêu lên chẩn đoán điều dưỡng. Trong co giật, một số chẩn đoán điều dưỡng có thể tồn tại là:
- Trẻ tím tái do ức chế trung tâm hô hấp.
- Trẻ tím tái do hít phải đờm rãi hoặc chất nôn
- Co giật toàn thân do sốt cao.
- Co giật toàn thân, tái phát nhiều lần do động kinh.
- Đau bụng do co giật nội tạng.
- Nguy cơ tái phát cơn co giật.
- Hôn mê do tổn thương não.
- Co giật do tăng áp lực nội sọ.
- Chảy máu do cắn vào lưỡi.
- Đau đầu do tăng áp lực nội sọ.
- Nôn do tăng áp lực nội sọ.
- Nguy cơ cơn giật tái phát
- Nguy cơ té ngã
- Nguy cơ cắn vào lưỡi.
- Can thiệp điều dưỡng
+ Đảm bảo thông khí tốt: Đặt trẻ vào phòng thoáng ấm, yên tĩnh, nằm kê cao vai, nới rộng quần áo tã lót, đầu nghiêng sang một bên nhằm tránh hít phải đờm rãi khi xuất tiết; phải hút đờm rãi.
+ Ngăn ngừa không để bệnh nhân cắn vào lưỡi, tụt lưỡi gây bít tắc đường thở: Chèn gạc vào giữa 2 hàm răng, dùng gạc quấn và kéo lưỡi ra hoặc dùng dụng cụ làm thông đường hô hấp (airway).
+ Cho bệnh nhân thở oxy.
+ Thực hiện y lệnh dùng thuốc cắt cơn giật.
+ Theo dõi sát các dấu hiệu sống: Mạch, huyết áp, nhịp thở.
+ Chăm sóc theo nguyên nhân co giật.
+ Ngăn ngừa không cho cơn co giật tái phát, nếu tái phát cần đượ c xử lý kịp thời tích cực ngay.
+ Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ: Cho ăn qua sonde hoặc cho ăn bằng đường tĩnh mạch.
+ Đảm bảo vệ sinh, phòng chống bội nhiễm.
+ Chăm sóc triệu chứng.
+ Phòng chống loét.
- Đánh giá
Đối với bệnh nhi co giật, việc đánh giá tình trạng bệnh nhi cũng như đánh giá kết quả điều trị, chăm sóc phải được tiến hành thường xuyên trong suốt quá trình nằm viện để có thể đưa ra được những biện pháp can thiệp điều dưỡng cũng như điều trị kịp thời, hiệu quả, tránh được những tai biến và hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Trước và sau mỗi khi thực hiện y lệnh sử dụng thuốc hoặc tiến hành những can thiệp điều dưỡng, người điều dưỡng cần đánh giá hiệu quả đạt được, phải ghi lại đầy đủ vào bản kế hoạch sóc. Trong trường hợp bệnh nặng lên hoặc có những biểu hiện bất thường, cần phải nhận định lại một cách cẩn thận và báo cáo thầy thuốc một cách chi tiết để cùng tìm ra biện pháp giải quyết hữu hiệu.
Ngoài ra, cần phải đánh giá việc thực hiện vệ sinh, dinh dưỡng và các lĩnh vực khác hỗ trợ cho việc điều trị và chăm sóc bệnh nhi.
Nguồn: http://news-viet.blogspot.com/2014/05/lap-ke-hoach-cham-soc-tre-co-giat.html
GV: Ngô Thị Phương Hoài - Khoa Điều dưỡng
Tin khác: