XỬ TRÍ THAI NGHÉN CÓ NGUY CƠ
1. Phân loại các yếu tố nguy cơ
Có thể phân chia các yếu tố nguy cơ thành 5 nhóm chính sau đây:
1.1. Nhóm nguy cơ có liên quan tới cơ địa của thai phụ:
- Tuổi của thai phụ: Dưới 16 tuổi hoặc trên 35 tuổi.
- Thể trạng của thai phụ:
+ Quá béo hoặc quá gầy: cân nặng trên 70 kg hoặc dưới 40 kg.
+ Chiều cao từ 1,45 m trở xuống.
+ Bất thường về khung chậu: lệch, vẹo, biến dạng
- Những bất thường về giải phẫu của đường sinh dục như tử cung đôi, tử cung hai sừng, vách ngăn tử cung….dễ gây đẻ non.
1.2. Nhóm nguy cơ liên quan tới bệnh tật của mẹ có từ trước
- Cao huyết áp: nguy cơ tai biến cho mẹ và thai (tiền sản giật nặng, sản giật; rau bong non; xuất huyết não…), có thể dẫn đến tử vong.
- Bệnh thận: nguy cơ cao huyết áp mạn dẫn tới tiền sản giật, sản giật, suy thận….
- Bệnh đái đường: làm cho bệnh nặng lên trong khi mang thai, có thể gây ra biến chứng như: tăng huyết áp, tiền sản giật và sản giật, sẩy thai và thai lưu, nhiễm trùng tiết niệu, đẻ non, đa ối, thai to hoặc thai chậm phát triển trong tử cung, hội chứng suy hô hấp cấp ở sơ sinh làm tăng tỷ lệ tử vong chu sinh, dị tật bẩm sinh, hạ đường huyết sơ sinh, hạ canxi máu sơ sinh……
- Bệnh tim: Đặc biệt là bệnh tim có biến chứng gây tử vong cao.
- Bệnh nội tiết: Basedow, đái tháo đường dễ gây biến chứng cho mẹ và cho thai nhi.
- Rối loạn hệ miễn dịch, bệnh tạo keo.
- Bệnh ác tính của mẹ: ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng..
- Bệnh thiếu máu: suy tuỷ, hồng cầu lưỡi liềm.
- Bệnh nhiễm khuẩn cấp hoặc mạn tính: lao phổi, thương hàn…..
- Bệnh lây truyền qua đường tình dục: Chlamydia trachomatis, herpes sinh dục, HPV, lậu, giang mai, HIV.
- Bệnh do virus: viêm gan virus, rubella.
- Bệnh do ký sinh trùng: sốt rét cơn, Trichomonas âm đạo.
- Bệnh não: viêm não, động kinh, tâm thần...
- Nhiễm khuẩn tiết niệu - sinh dục: tụ cầu, Coli, Proteus.
- Bệnh di truyền hoặc các yếu tố nguy cơ có tính chất gia đình như: chảy máu, tiểu đường, sinh đôi, đa thai…
- Tiền sử bệnh ngoại khoa: vỡ xương chậu, bệnh trĩ, tạo hình bàng quang do chấn thương…
1.3.Nhóm bệnh và các yếu tố bất thường phát sinh trong kỳ thai này
- Nôn nặng trong 3 tháng đầu. Cao huyết áp, tiền sản giật, sản giật.
- Ra máu âm đạo. Chấn thương.
- Nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
- Nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai....
- Thai quá ngày sinh. Thai kém phát triển.
- Các ngôi thai không thuận lợi.
- Song thai, đa thai. Đa ối, thiểu ối.
- Ra nước âm đạo do rỉ nước ối hay vỡ ối non.
- Đường trong nước tiểu.
- Bệnh thiếu máu.
- Đã có lần bị sốt xuất huyết, cúm nặng, sốt rét.
- Xét nghiệm huyết thanh giang mai (+), HbsAg (+), HIV (+)
1.4. Nhóm có tiền sử sản khoa nặng nề:
- Sảy thai liên tiếp nhiều lần.
- Thai chết lưu.
- Đã đẻ từ 5 lần trở lên.
- Các lần đẻ quá gần hoặc quá xa nhau.
- Tiền sử đẻ băng huyết.
- Tiền sử đẻ non, con dưới 2500g gây nguy cơ cho sơ sinh.
- Điều trị vô sinh
- Bất đồng nhóm máu ABO, yếu tố Rh gây nguy cơ cho thai.
- Tiền sử tiền sản giật, sản giật dễ bị lại ở những lần có thai sau.
- Tiền sử đẻ lần trước trẻ bị dị tật bẩm sinh.
- Tiền sử bị đình chỉ thai nghén do bệnh lý.
- Tiền sử mổ lấy thai; hoặc tiền sử đẻ Forceps, giác hút.
1.5. Nhóm nguy cơ cao có liên quan tới yếu tố xã hội.
Liên quan tới nhóm này, phải kể đến các yếu tố như nghèo đói, trình độ văn hoá thấp, ở xa cơ sở y tế, giao thông vận tải không thuận tiện.... Tất cả những yếu tố trên đều là những yếu tố nguy cơ cao cho quá trình mang thai và sinh đẻ.
2. Phát hiện và xử trí các yếu tố nguy cơ.
2.1. Khám thai định kỳ phát hiện các yếu tố nguy cơ:
- Trong suốt thời kỳ có thai tăng dưới 6 kg hoặc dưới 1 kg 1 tháng.
- Bề cao tử cung không tăng hoặc nhỏ đi trong hai lần khám thai liên tiếp: thai kém phát triển, thiểu ối hoặc thai chết lưu
- Bề cao tử cung quá to so với tuổi thai: có thể do thai to, đa ối, song thai hoặc đa thai, khối u và thai nghén.
- Thai quá ngày sinh
- Thai đạp ít hơn hay nhiều hơn bình thường, thai không máy, không đạp.
- Ngôi bất thường: ngôi mông, ngôi ngang....
- Khám khung chậu sờ được mỏm nhô, hoặc hai gai hông nhô nhiều
- Ra máu âm đạo bất thường trong nửa đầu hoặc nửa cuối của thai kỳ
- Ra nước âm đạo do rỉ nước ối hay vỡ ối.
- Đái rắt, đái buốt, nước tiểu ít, đục
2.2. Những vấn đề cần đánh giá để duy trì thai nghén:
- Tình trạng sức khỏe của mẹ tốt, đảm bảo cho một quá trình thai nghén.
- Không có thai nghén bất thường: chửa ngoài tử cung, chửa trứng
- Chiều cao tử cung phù hợp tuổi thai
- Thai máy ở nửa sau của thai kỳ, tim thai nghe đều rõ.
- Nếu có rau tiền đạo: dựa vào kết quả siêu âm hoặc dấu hiệu ra máu trong thời kỳ mang thai.
- Tiền sản giật: không nặng lên, có thể duy trì nếu đáp ứng với điều trị.
- Nếu có nhiễm khuẩn: điều trị tích cực cho thai phụ khỏi trước khi chuyển dạ và không để lại nguy cơ cho mẹ và con
- Dự kiến ngày đẻ chính xác, tránh thai già tháng
2.3. Những yếu tố có thể gây biến chứng trong chuyển dạ và sau đẻ:
Cần phải biết những yếu tố sau đây để tiên lượng thai nghén có nguy cơ cao trong chuyển dạ và sau đẻ. Chuyển dạ đẻ đủ tháng, non tháng hay già tháng biến chứng có thể xảy ra khi:
- Bệnh của mẹ có tăng lên trong đẻ và sau đẻ: tăng huyết áp, sản giật, hôn mê gan hoặc do đái đường, phù phổi cấp, suy tim cấp, viêm nội tâm mạc bán cấp, hen phế quản, lao phổi….
- Đa ối, thiểu ối.
- Thai to. Ngôi thai bất thường: ngôi trán, ngôi vai…
- Rối loạn cơn co tử cung: cơn co quá mau, cường tính, không đều...
- Bất thường về dây rau: ngắn, quấn cổ có thể làm cho ngôi không lọt và suy thai.
- Ối vỡ non, vỡ sớm dẫn tới suy thai, nhiễm khuẩn ối..
- Sa dây rau dẫn tới thai chết
- Cổ tử cung không tiến triển, phù nề.
- Chuyển dạ kéo dài dẫn tới suy thai, vỡ tử cung
TÓM TẮT XỬ TRÍ THAI NGHÉN CÓ NGUY CƠ
Khám lâm sàng |
Phát hiện nguy cơ |
Xử trí |
Hỏi địa chỉ, hoàn cảnh kinh tế |
Phát hiện nguy cơ liên quan đến yếu tố xã hội |
1. Quản lý thai nghén tại y tế cơ sở nếu bà mẹ không có yếu tố nguy cơ khác kèm theo. - Nếu ở vùng khó khăn, có cô đỡ thôn bản: hướng dẫn CĐTB theo dõi, chăm sóc tiếp. - Hướng dẫn bà mẹ và gia đình chuẩn bị cho cuộc đẻ: chú trọng chuẩn bị phương tiện chuyển bà mẹ đến cơ sở y tế để đẻ. - Huy động cộng đồng hỗ trợ (nếu cần). 2. Nếu bà mẹ có yếu tố nguy cơ khác kèm theo: tư vấn để chuyển bà mẹ đến khám thai tại bệnh viện hoặc chuyển bác sĩ khám và xử trí. |
Hỏi tiền sử và khám toàn trạng |
Phát hiện nguy cơ liên quan đến cơ địa của bà mẹ |
- Khám thai định kỳ, quản lý thai nghén tại cơ sở. - Tư vấn cho bà mẹ về nơi đẻ: tại bệnh viện. - Tư vấn, hướng dẫn bà mẹ và gia đình chuẩn bị cho cuộc đẻ (xem mục 2 bài 3: Hỗ trợ bà mẹ và gia đình lập kế hoạch cho cuộc đẻ): + Đến bệnh viện khi bắt đầu chuyển dạ đẻ hoặc trước ngày dự tính sinh. + Chuẩn bị các điều kiện phương tiện vận chuyển bà mẹ đến bệnh viện. + Chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh. |
- Phát hiện nguy cơ liên quan đến bệnh tật của bà mẹ. - Phát hiện bệnh tật kèm theo trong thời kỳ thai nghén. |
- Xác định hiện tại bà mẹ có bệnh kèm theo thai nghén hay không? - Nếu bà mẹ có bệnh lý kèm theo: + Chuyển bệnh viện khám chuyên khoa. + Tiếp tục theo dõi, chăm sóc, điều trị bà mẹ sau khám theo chỉ định của chuyên khoa. + Xem xét sự tác động của tình trạng bệnh lý đến thai nhi và quá trình mang thai để tư vấn chăm sóc thai nghén phù hợp cho bà mẹ và gia đình. |
|
Hỏi tiền sử thai nghén, sinh đẻ kết hợp khám sản khoa |
Phát hiện các yếu tố nguy cơ thuộc nhóm có tiền sử sản khoa nặng nề |
- Quản lý thai nghén, khám thai nhiều lần hơn. - Tư vấn cho bà mẹ khám thai tại bệnh viện và điều trị dự phòng (nếu cần). - Tiếp tục theo dõi, chăm sóc, điều trị (nếu có) cho bà mẹ theo chỉ định của bác sĩ/ bệnh viện. |
Phát hiện các yếu tố bất thường thuộc về sản khoa trong thời kỳ thai nghén |
- Khi phát hiện thấy yếu tố bất thường, cần chuyển bà mẹ tới khám và điều trị tại bệnh viện ngay. - Tư vấn cho bà mẹ và gia đình sự cần thiết phải theo dõi, điều trị cho bà mẹ tại bệnh viện. - Thực hiện theo dõi, chăm sóc, điều trị theo chỉ định của bác sĩ/ bệnh viện. - Tư vấn để bà mẹ và gia đình phối hợp với nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc và điều trị cho bà mẹ tại bệnh viện và tại nhà theo chỉ định của bác sĩ. |
Hoàng Ngọc Hà
Q. Trưởng bộ môn Thực hành Điều dưỡng