GIAO TIẾP VỚI NGƯỜI BỆNH LÀ NGƯỜI CAO TUỔI
GIAO TIẾP VỚI NGƯỜI BỆNH LÀ NGƯỜI CAO TUỔI
Giao tiếp tốt là một phần quan trọng của quá trình chữa bệnh. Giao tiếp hiệu quả đem lại những lợi ích thiết thực như giúp ngăn ngừa sai sót y khoa, cải thiện kết quả điều trị , tăng cường mối quan hệ giữa người bệnh và nhân viên y tế, tận dụng tối đa thời gian tương tác cho phép.
Dưới đây là những vấn đề cần lưu ý và luyện tập trong quá trình giao tiếp với người bệnh, đặc biệt khi người bệnh là người cao tuổi:
Sử dụng từ xưng hô phù hợp
Sử dụng những từ xưng hô phù hợp với tuổi tác của người bệnh để thể hiện sự tôn trọng họ. Có thể gọi ông, bà, bác…hoặc có thể hỏi người bệnh cách xưng hô mà họ muốn được gọi. Xưng hô một cách trang trọng và lịch sự đặc biệt cần thiết đối với người bệnh là người cao tuổi.
Làm cho người bệnh cao tuổi cảm thấy thoải mái
Phải đảm bảo người bệnh có chỗ ngồi thoải mái trong phòng chờ và giúp họ điền các mẫu đơn nếu cần. Lưu ý rằng người bệnh cao tuổi có thể cần được hỗ trợ di chuyển từ các phòng khám, khu xét nghiệm, phòng vệ sinh và khu vực chờ.
Dành một vài phút để tạo thiện cảm ban đầu
Khi thăm khám và chăm sóc người bệnh cao tuổi, nhân viên y tế cần giới thiệu bản thân rõ ràng và không nói quá nhanh. Cần thể hiện sự quan tâm đến người bệnh và sẵn sàng muốn lắng nghe những lo lắng của họ. Nhân viên y tế nên xin lỗi nếu như có sự chậm trễ khi thăm khám cho người bệnh. Cũng có thể tạo thiện cảm ban đầu với người bệnh bằng những câu hỏi đời thường để giảm bớt căng thẳng của người bệnh, chẳng hạn như ông/bà sống gần đây không? Ông/bà có ở cùng con cái không?
Cố gắng không vội vàng
Người cao tuổi thường gặp khó khăn trong việc tiếp nhận quá nhiều thông tin hoặc khi nhân viên y tế nói quá nhanh. Vì vậy, nhân viên y tế cần nói chậm để người bệnh có thời gian tiếp thu và nghe quen với giọng của nhân viên y tế. Tránh vội vàng với người bệnh lớn tuổi. Dành thời gian thảo luận về những mối quan tâm của người bệnh sẽ giúp nhân viên y tế thu thập nhiều thông tin quan trọng và có thể cải thiện sự hợp tác và tuân thủ điều trị. Nếu hạn chế về mặt thời gian, nhân viên y tế có thể đề nghị người bệnh chuẩn bị danh sách các mối quan tâm về sức khỏe của họ trước các lần khám để tiết kiệm được thời gian.
Tránh làm gián đoạn
Một khi bị gián đoạn, người bệnh ít có khả năng tiết lộ tất cả các mối bận tâm của mình. Điều này ảnh hưởng đến việc thu thập thông tin từ người bệnh.
Lắng nghe tích cực
Nhìn người bệnh, duy trì giao tiếp bằng mắt và khi họ đang nói chuyện, hãy thường xuyên thể hiện sự lắng nghe, chẳng hạn như trả lời "tôi hiểu" và "uh-huh". Lắng nghe tích cực giúp việc khai thác thông tin một cách tập trung và cho người bệnh biết nhân viên y tế hiểu mối quan tâm của họ.
Thể hiện sự đồng cảm
Các nghiên cứu cho thấy rằng sự đồng cảm có thể luyện tập được và nó không tốn quá nhiều thời gian khi nhân viên y tế tiếp xúc với người bệnh. Sự đồng cảm cũng tác động đến sự hài lòng, hiểu biết và tuân thủ điều trị của người bệnh.
Tránh dùng các thuật ngữ chuyên môn
Tránh cho rằng người bệnh cao tuổi hiểu được những thuật ngữ y khoa hoặc am hiểu nhiều về bệnh của họ. Mặc dù một số thuật ngữ có vẻ phổ biến chẳng hạn như chụp MRI, chụp CT, xét nghiệm huyết học. Tuy nhiên cần chắc chắn rằng người bệnh có thể hiểu những thuật ngữ đó. Nhân viên y tế cũng nên viết ra các chẩn đoán hoặc các thuật ngữ quan trọng để người bệnh giữ lại.
Cẩn trọng trong sử dụng ngôn từ
Sử dụng ngôn ngữ đơn giản, thông dụng và hỏi người bệnh xem có cần giải thích rõ không. Đề nghị người bệnh cao tuổi nhắc lại thông tin và hỏi họ có cần giải thích rõ hơn hay có câu hỏi nào không. Một số từ có thể được hiểu với ý nghĩa khác đối với người bệnh cao tuổi. Các từ cũng có thể hiểu với hàm ý khác nhau tùy theo văn hóa. Ví dụ, người cao tuổi có thể nghĩ từ "sa sút trí tuệ" ám chỉ sự mất trí hay từ "ung thư" có thể được coi là một bản án tử hình.Vì vậy, cần cẩn thận và giải thích để người cao tuổi hiểu.
Ghi chú ra giấy những điều quan trọng đối với người bệnh
Thông thường người bệnh cao tuổi có thể khó nhớ mọi thứ mà bác sĩ và điều dưỡng dặn dò. Vì vậy, nhân viên y tế cần ghi chú lại những nội dung quan trọng để các cụ đọc lại sau đó. Cố gắng làm cho những ghi chú này đơn giản và rõ ràng, tránh ngôn ngữ mơ hồ và phức tạp. Ví dụ: có thể viết "uống ít nhất một cốc nước mỗi 2 giờ" thay vì "tăng lượng nước đưa vào cơ thể".
Đảm bảo người bệnh hiểu về sức khỏe của họ
Kết thúc mỗi lần thăm khám bằng cách đảm bảo rằng người bệnh cao tuổi hiểu vấn đề sức khỏe của họ hiện như thế nào, họ cần phải làm gì. Một cách để làm điều này là "phương pháp dạy lại", yêu cầu người bệnh nói những gì họ hiểu được từ lần thăm khám. Ngoài ra, hãy hỏi về bất kỳ vấn đề tiềm ẩn nào có thể khiến người bệnh không thể thực hiện kế hoạch điều trị.
Chú ý những người cao tuổi giảm thính lực
Hỏi xem người bệnh có máy trợ thính hoạt động không. Nói chậm và rõ ràng bằng một giọng bình thường. La hét hoặc nói lớn giọng thực sự làm sai lệch âm thanh ngôn ngữ và có thể gây ấn tượng tức giận. Tránh sử dụng giọng nói the thé, nó khó nghe. Đối diện trực tiếp với người đó, ngang tầm mắt để người đó có thể đọc nhẩm hoặc nhận ra điều đang nghe. Để tay khỏi mặt khi nói chuyện, vì điều này có thể cản trở khả năng đọc môi. Lưu ý rằng tiếng ồn xung quanh, chẳng hạn như máy tính và thiết bị văn phòng, có thể ảnh hưởng những gì đang được nói. Hãy giữ một cuốn sổ tay ghi chú để bạn có thể viết những điều quan trọng muốn truyền tải.
Chú ý những người cao tuổi giảm thị lực
Đảm bảo có đủ ánh sáng, bao gồm đủ ánh sáng chiếu vào khuôn mặt của bạn. Cố gắng giảm thiểu ánh sáng chói. Kiểm tra xem người bệnh cao tuổi đã mang và đang đeo kính mắt chưa, nếu cần. Đảm bảo rằng thông tin viết cho người bệnh phải to và rõ ràng. Nếu người bệnh gặp khó khăn khi đọc, hãy xem xét các lựa chọn thay thế như cung cấp hình ảnh hoặc sơ đồ lớn hoặc sử dụng các phương tiện hỗ trợ như hộp đựng thuốc được đánh dấu đặc biệt. Khi sử dụng tài liệu in, hãy đảm bảo rằng loại đủ lớn và kiểu chữ dễ đọc.
Người viết: Trương Thị Bé Em
Nguồn: https://www.nia.nih.gov/health/tips-improving-communication-older-patients