NHIỄM KHUẨN HUYẾT SƠ SINH
Nhiễm khuẩn huyết sơ sinh có thể là xuất hiện sớm (trong vòng 48h sau sinh) hoặc xuất hiện muộn (48h sau sinh). Dấu hiệu sớm thường không đặc hiệu và tinh tế và không thể phân biệt được các căn nguyên (bao gồm cả virus). Một nghiên cứu của WHO công bố năm 2003 xác định 9 đặc điểm lâm sàng mà có thể dùng để tiên đoán bệnh nhiễm khuẩn nặng ở sơ sinh:
- Khả năng bú giảm
- Không có cử động tự nhiên
- Thân nhiệt > 380C
- Thời gian đổ đầy mao mạch kéo dài
- Rút lõm lòng ngực
- Nhịp thở > 60 lần/phút
- Thở rên
- Tím
- Co giật
Nhiễm khuẩn huyết sơ sinh được phân loại thành 2 kiểu, phụ thuộc vào thời điểm khởi phát các triệu chứng trước hay sau 48h sau sinh ( < 48h: nhiễm khuẩn huyết sớm, > 48h: nhiễm khuẩn huyết muộn )
1. Nhiễm khuẩn sớm (< 48h):
Căn nguyên thường trú ở đường sinh dục sản phụ hoặc ở phòng đẻ. Các yếu tố liên quan bao gồm: cân nặng thấp, vỡ màng ối kéo dài, dịch hôi, thăm khám nhiều lần, sản phụ sốt, chuyển dạ kéo dài hoặc khó khăn và hít phân xu. Đặc điểm nhiễm khuẩn huyết sớm thường là viêm phổi và ít gặp hơn nữa là vãng khuẩn huyết và viêm màng não.
Các yếu tố nguy cơ trong nhiễm khuẩn huyết sớm
- Vỡ màng ối kéo dài (> 18h)
- Suy thai
- Sản phụ sốt (> 38o C) hoặc tình trạng nhiễm khuẩn rõ, như là: nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm dạ dầy ruột/tiêu chảy.
- Nhiều can thiệp thủ thuật sản khoa
- Đẻ non
- Tiền sử nhiễm khuẩn liên cầu nhóm B ở lần sinh trước và nhiễm GBS ở lần mang thai này
2. Nhiễm khuẩn huyết sơ sinh muộn (> 48h)
Căn nguyên từ môi trường bệnh viện hoặc ở nhà. Nhiễm khuẩn thường lây qua tiếp xúc (bàn tay) với người chăm sóc. Các triệu chứng ban đầu thường xuất hiện sau 72 giờ (sau sinh) và trẻ có thể biều hiện nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi và viêm màng não. Các yếu tố liên quan bao gồm: cân nặng thấp, thiếu sự nuôi dưỡng sữa mẹ, nhiễm trùng bề mặt (viêm da mủ, viêm rốn). Trẻ sơ sinh rất dễ nhiễm khuẩn bởi vì hệ thống miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện so với người trưởng thành và trẻ lớn.
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến nhiễm khuẩn huyết muộn:
- Nằm viện lâu, ví dụ: những trẻ sinh non điều trị ở đơn vị điều trị tích cực sơ sinh
- Có sử dụng các dụng cụ: Catheter tĩnh mạch, ống nội khí quản, …
- Nhiễm khuẩn chéo gây ra bởi nhân viên y tế và bố mẹ bệnh nhân
- Bất thường bẩm sinh, ví dụ như là bất thường đường tiết niệu hay ống thần kinh
- Uốn ván
3. Điều trị: điều trị sớm là điều rất quan trọng. Kháng sinh và điều trị hỗ trợ là hai vấn đề quan trọng ngang nhau trong điều trị trẻ sơ sinh. Ghi nhớ rằng kháng sinh cần ít nhất 12 đến 24 giờ để có tác dụng diệt khuẩn và chính điều trị hỗ trợ mới tạo ra sự khác biệt nhằm cứu chữa thành công sơ sinh nhiễm khuẩn huyết trong bệnh viện. Bất kỳ đứa trẻ sơ sinh nào không khỏe đều phải nghi ngờ nhiễm khuẩn huyết và bắt đầu liệu trình kháng sinh tương ứng càng sớm càng tốt sau khi tiến hành nuôi cấy vi khuẩn. Tuy nhiên nếu không lấy được các bệnh phẩm để nuôi cấy thì cũng không được trì hoãn liệu pháp kháng sinh.Điều trị hỗ trợ sơ sinh nhiễm khuẩn huyết gồm:
- Đảm bảo đủ ấm.
- Thiết lập đường truyền tĩnh mạch
- Truyền nước muối sinh lý 10 ml/kg trong vòng 5-10 phút, nếu tưới máu ngoại biên kém (thời gian đổ đầy mao mạch kéo dài > 3 giây). Nhắc lại liều trình trên 1-2 lần trong vòng 30-45 phút, nếu tình trạng tưới máu ngoại biên vẫn tiếp tục kém.
- Truyền đường (10%) 2 ml/kg, ngay lập tức
- Tiêm bắp Vitamin K1: 1mg
- Thở oxy qua mask hoặc hood nếu trẻ tím hoặc thở rên
- Kích thích nhẹ nhàng nếu trẻ ngừng thở
- Tiến hành bóp bóng có Oxy nếu trẻ thở kém
- Nếu trẻ nặng, tránh nuôi dưỡng qua đường miệng, cần nuôi dưỡng tĩnh mạch
- Cân nhắc sử dụng Dopamine nếu tình trạng tưới máu ngoại vi kém