Phơi nhiễm ô nhiễm không khí trong lần mang thai thứ hai có thể làm tăng nguy cơ sinh non
Theo các nhà nghiên cứu tại viện nghiên cứu quốc gia, phụ nữ mang thai tiếp xúc với mức độ ô nhiễm không khí cao hơn trong lần mang thai thứ hai, so với lần đầu tiên của họ, có thể có nguy cơ sinh non cao hơn.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, sinh non - tức là sinh em bé trước 37 tuần, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh ở Hoa Kỳ. Mặc dù các nghiên cứu trước đây đã tìm thấy mối liên quan giữa phơi nhiễm ô nhiễm không khí và nguy cơ sinh non, các tác giả tin rằng nghiên cứu của họ là nghiên cứu đầu tiên liên kết nguy cơ này với những thay đổi về mức độ phơi nhiễm giữa lần mang thai thứ nhất và lần thứ hai.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu hồ sơ y tế điện tử của hơn 50.000 phụ nữ đã sinh tại 20 bệnh viện Utah trong khoảng thời gian từ 2002 đến 2010, kết hợp với dữ liệu lấy từ Mô hình chất lượng không khí đa cộng đồng để ước tính nồng độ ô nhiễm.
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra mức độ tiếp xúc với SO2, Ozone, NO, NO2, CO. Đối với gần như tất cả các chất gây ô nhiễm, mức độ phơi nhiễm có nhiều khả năng giảm theo thời gian. Tuy nhiên, 7-12% phụ nữ trong nghiên cứu đã trải qua phơi nhiễm ô nhiễm không khí cao hơn trong lần mang thai thứ hai. Rủi ro cao nhất là khi tiếp xúc với CO (51%) và nitơ dioxide (45%), thường là do khí thải từ xe cơ giới và nhà máy điện; ozone (48%), một chất gây ô nhiễm thứ cấp được tạo ra bởi các sản phẩm đốt cháy và ánh sáng mặt trời; và SO2 (41%), chủ yếu từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch có chứa lưu huỳnh, như nhiên liệu than hoặc diesel.
Cần nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận mối liên hệ này, nhưng những cải thiện về chất lượng không khí có thể giúp giảm thiểu nguy cơ sinh non ở phụ nữ mang thai.
Người viết: Phạm Thị Ngọc An
Nguồn tham khảo: https://www.nih.gov/news-events/news-releases/nih-study-suggests-higher-air-pollution-exposure-during-second-pregnancy-may-increase-preterm-birth-risk truy cập ngày 12/09/2019