Phơi nhiễm với bức xạ tần số vô tuyến liên quan với bệnh ung thư ở chuột đực
Chương trình nghiên cứu chất độc quốc gia (The National Toxicology Program - NTP) gần đây đã kết luận có bằng chứng rõ ràng rằng chuột đực tiếp xúc với tần số vô tuyến cao như điện thoại sử dụng 2G và 3G đã phát triển các khối ung thư ở tim. Đồng thời cũng có một số bằng chứng phát triển khối u ở não và tuyến thượng thận với chuột đực bị phơi nhiễm. Đối với chuột cái, liên quan giữa việc phơi nhiếm với bức xạ tần số radio này với sự phát triển của ung thư chưa rõ ràng. Các báo cáo cuối cùng của nghiên cứu này cũng nhận được sự đồng thuận từ các nhà nghiên cứu bên ngoài NTP sau khi những người này xem xét nghiên cứu vào tháng 3/2018 sau những dự thảo được ban hành vào tháng 2/2018.
Tiến sĩ John Bucher, nhà nghiên cứu cấp cao tại NTP cho biết “Những phơi nhiễm được sử dụng trong nghiên cứu này không thể so sánh trực tiếp với phơi nhiễm mà con người tiếp xúc khi sử dụng điện thoại di động. Trong nghiên cứu của chúng tôi, chuột được thử nghiệm với bức xạ vô tuyến trên toàn bộ cơ thể chúng. Ngược lại, con người chủ yếu phơi nhiễm bức xạ với các mô gần nơi họ cầm giữ điện thoại. Ngoài ra, mức độ và thời lượng phơi nhiễm trong nghiên cứu của chúng tôi lớn hơn một người bình thường trải nghiệm”.
Mức phơi nhiễm thấp nhất được sử dụng trong các nghiên cứu tương đương với mức phơi nhiễm tối đa của các mô được cho phép ở những người dùng điện thoại di động. Mức phơi nhiễm này hiếm khi xảy ra ở những người dùng điện thoại thông thường. Mức phơi nhiễm cao nhất trong các nghiên cứu cao gấp 4 lần so với mức tối đa cho phép.
Tuy nhiên Tiến sĩ Bucher vẫn khẳng định “Chúng tôi tin rằng mối liên quan giữa phơi nhiễm bức xạ tần số vô tuyến và các khối u ở chuột đực là có thật, và các chuyên gia khác cũng đồng ý”.
Nghiên cứu với chi phí 30 triệu đô la của NTP đã mất hơn 10 năm để hoàn thành. Cho đến ngày nay, đây là nghiên cứu đánh giá toàn diện nhất về những ảnh hưởng sức khỏe ở động vật phơi nhiễm với bức xạ tần số vô tuyến như điện thoại sử dụng 2G và 3G. Mạng 2G và 3G vẫn là tiêu chuẩn để thiết kế các nghiên cứu này và vẫn được sử dụng cho các cuộc gọi và tin nhắn.
Một điểm mạnh của nghiên cứu này là có thể kiểm soát được chính xác mức độ bức xạ tần số vô tuyến mà động vật phơi nhiễm. Điều này không thể làm được khi nghiên cứu trên đối tượng những người sử dụng điện thoại di động, thường được khai thác dựa vào bảng câu hỏi.
Nghiên cứu cũng đưa ra những phát hiện bất ngờ về tuổi thọ dài hơn ở những con chuột đực bị phơi nhiễm. Điều này có thể được giải thích bằng sự tỷ lệ giảm các vấn đề về bệnh thận mãn tính ở nhóm chuột này – là nguyên nhân thường gây tử vong ở những con chuột già.
Nghiên cứu này chưa tiến hành cho các loại bức xạ tần số vô tuyến của wifi và 5G. Trong tương lai, các nghiên cứu của NTP sẽ xây dựng các buồng phơi nhiễm bức xạ với diện tích nhỏ hơn để tạo thuận lợi trong việc đánh giá ảnh hưởng của các công nghệ viễn thông mới như wifi hay 5G trong vài tuần hoặc vài tháng, thay vì nhiều năm. Những nghiên cứu này sẽ tập trung vào việc phát triển các chỉ số ảnh hưởng về thể chất có thể lượng giá được, hoặc các dấu ấn sinh học, và các tác động tiềm ẩn khác của phơi nhiễm bức xạ tần số vô tuyến. Những ảnh hưởng này có thể bao gồm những thay đổi và đột biến DNA trong các mô bị phơi nhiễm – chúng có thể được phát hiện sớm hơn nhiều so với ung thư.
Người viết: Phạm Thị Ngọc An
Nguồn tham khảo: https://www.nih.gov/news-events/news-releases/high-exposure-radio-frequency-radiation-associated-cancer-male-rats