Phơi nhiễm với nồng độ chì cao trong thời gian mang thai liên quan đến béo phì ở trẻ em
Theo một nghiên cứu được tài trợ bởi Viên nghiên cứu Quốc gia (Hoa Kỳ) cho thấy trẻ em sinh ra từ những bà mẹ có nồng độ chì trong máu cao dễ bị thừa cân hoặc béo phì. Kết quả của nghiên cứu này đã được tác giả công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (JAMA).
Sử dụng dữ liệu từ một nghiên cứu dọc nhằm xác định nguyên nhân sinh non – “Boston Birth Cohort” trên 1442 cặp mẹ con, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu về nồng độ chì trong máu của các bà mẹ được lấy khoảng 24-72 giờ sau khi sinh và dữ liệu cân nặng của trẻ trong suốt thời thơ ấu. Kết quả cho thấy ở độ tuổi trung bình là 8,1 tuổi, trẻ em sinh ra từ những bà mẹ có lượng chì trong máu cao có nguy cơ thừa cân hoặc béo phì cao gấp 4 lần so với những đứa trẻ sinh ra từ những bà mẹ có lượng chì trong máu thấp.
Trong số những phụ nữ có nồng độ chì trong máu cao, nguy cơ con cái họ bị béo phì hoặc thừa cân sẽ giảm nếu phụ nữ có đủ lượng folate trong 24-72 giờ sau khi sinh. Tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh sản được khuyến nghị nên bổ sung 400 microgam axit folic (dạng tổng hợp của folate) mỗi ngày để giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh, một loại dị tật bẩm sinh ảnh hưởng đến não và cột sống. Kết quả này cũng nhấn mạnh rằng những phụ nữ mang thai tiếp xúc với chì ở mức độ cao được cung cấp axit folic đầy đủ sau đó có thể làm giảm nguy cơ con cái họ bị thừa cân hoặc béo phì.
Người viết: Phạm Thị Ngọc An
Nguồn tham khảo: https://www.nih.gov/news-events/news-releases/nih-funded-study-suggests-high-lead-levels-during-pregnancy-linked-child-obesity truy cập ngày 09/10/2019