Phòng bệnh Tay chân miệng ở trẻ em
Phòng bệnh Tay chân miệng ở trẻ em
Hiện nay bệnh Tay chân miệng (TCM) chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu điều trị bệnh TCM nên phòng bệnh có vai trò quyết định đến sự lây lan của bệnh. Nguyên tắc phòng bệnh chủ yếu là làm gián đoạn sự lan truyền của vi rút để ngăn ngừa bệnh nặng và giảm thiểu tử vong thông qua các hoạt động như áp dụng các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa đối với bệnh lây qua đường tiêu hoá, đặc biệt chú ý tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây.
Một số can thiệp y tế công cộng hiệu quả đã được áp dụng phòng chống bệnh TCM tại Trung Quốc, Singapore, Hồng Kông và được Tổ chức y tế thế giới (WHO) khuyến cáo như: thiết lập hệ thống giám sát và cảnh báo dịch sớm, triển khai các chiến dịch truyền thông, triển khai các chiến dịch vệ sinh , rửa tay bằng xà phòng, chủ động xây dựng kế hoạch, chính sách. WHO khẳng định, việc rửa tay bằng xà phòng và nước sạch không chỉ giúp phòng ngừa 80% bệnh tật nói chung mà còn có hiệu quả rõ rệt trong việc giảm nguy cơ nhiễm vi rút gây bệnh TCM nói riêng.
Tại Việt Nam, để chủ động phòng chống bệnh Tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau:
1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của trẻ phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
7.Cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10 – 14 ngày đầu của bệnh.
Tài liệu tham khảo
- Bộ Y tế (2012). Quyết định số: 1003/QĐ-BYT ngày 30 tháng 03 năm 2012 về hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Tay chân miệng. Bộ Y tế, Hà Nội.
- WHO (2011). A Guide to Clinical Management and Public Health Response for Hand, Foot and Mouth Disease (HFMD), WHO Western Pacific Region 2011
Người viết: Ngô Thị Phương Hoài