0236.3827111

Sử dụng Penicillin trong thời kỳ mang thai


Penicillin là một phân nhóm kháng sinh được gọi là kháng sinh beta-lactam (kháng sinh có cấu trúc hóa học gọi là vòng beta-lactam). Carbapenem, cephalosporin và monobactam cũng là kháng sinh beta-lactam.

Penicillin được sử dụng để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn gram dương (như nhiễm trùng liên cầu khuẩn) và một số vi khuẩn gram âm (như nhiễm trùng não mô cầu).

Penicillin bao gồm các loại sau:

•         Amoxicillin

•         Ampicillin

•         Carbenicillin

•         Dicloxacillin

•         Nafcillin

•         Oxacillin

•         Penicillin G

•         Penicillin V

Hầu hết vi khuẩn đều có lớp vỏ ngoài (thành tế bào) bảo vệ chúng. Giống như các loại kháng sinh beta-lactam khác, penicillin hoạt động bằng cách ngăn vi khuẩn hình thành thành tế bào này, dẫn đến cái chết của vi khuẩn.

Một số vi khuẩn sản xuất ra các enzyme có thể vô hiệu hóa các loại kháng sinh beta-lactam. Đối với các bệnh nhiễm trùng do những loại vi khuẩn này gây ra, penicillin được dùng cùng với một loại thuốc có thể ức chế các enzyme này, chẳng hạn như clavulanate hoặc sulbactam. Các kết hợp phổ biến bao gồm:

Ampicillin/sulbactam

Amoxicillin/clavulanate

Piperacillin/tazobactam

Một số penicillin có thể dùng qua đường uống (ví dụ, amoxicillin và penicillin V) hoặc tiêm (ví dụ, piperacillin/tazobactam). Một số loại khác (như ampicillin) có thể dùng theo cả hai cách.

Thức ăn không ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ amoxicillin, nhưng penicillin G nên dùng trước bữa ăn 1 giờ hoặc sau bữa ăn 2 giờ. Amoxicillin thường được sử dụng thường xuyên hơn ampicillin (khi uống) vì amoxicillin được hấp thụ vào máu tốt hơn, ít tác dụng phụ ở đường tiêu hóa hơn và có thể dùng với tần suất ít hơn.

Mang thai và việc dùng kháng sinh trong thời kỳ này

ü  Sử dụng kháng sinh cho phụ nữ mang thai cần dựa trên yếu tố nào?


Bất kỳ chất nào được đưa vào cơ thể mẹ đều có nguy cơ ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi. Có những loại thuốc được đánh giá là rất an toàn cho thai nhi nhưng cũng có các thuốc khác tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe của cả mẹ và bé. Để đánh giá một loại thuốc kháng sinh an toàn cho phụ nữ có thai hay không thì cần dựa trên các yếu tố đó là: loại kháng sinh cần dùng, mẹ đang mang thai ở tháng thứ mấy, tác dụng phụ của thuốc, liều dùng, thời gian sử dụng thuốc trong bao lâu.

Vì rủi ro khi dùng kháng sinh cho mẹ bầu khá cao nên bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi chỉ định việc dùng thuốc cho phụ nữ mang thai.

ü  Các loại kháng sinh an toàn cho phụ nữ có thai

Sau đây là một số loại kháng sinh an toàn cho phụ nữ có thai các mẹ có thể tham khảo:

•         Nhóm beta - lactamin (penicillin, ampicillin, amoxicillin, cephalosporin...)

•         Nhóm macrolid (erythromycin, clarithromycin, roxithromycin...).

ü  Những thuốc kháng sinh rủi ro cao đối với thai kỳ

Ngoài những kháng sinh nêu trên thì các nhóm kháng sinh khác cũng mang lại rủi ro cao cho phụ nữ mang thai trong quá trình sử dụng. Ví dụ:

•         Nhóm thuốc Cyclin: gồm Doxycycline, Tetracycline, Minocyclin. Đặc biệt Tetracycline có thể khiến em bé mất màu răng nên không được chỉ định cho thai phụ sử dụng sau khi thai đạt 15 tuần tuổi;

•         Thuốc sulfa, trimethoprim dùng để chữa nhiễm trùng tiết niệu hay các tình trạng nhiễm trùng khác. Thuốc tuy được đánh giá là khá an toàn cho giai đoạn đầu thai kỳ, không gây dị tật cho thai nhi nhưng trẻ có thể bị vàng da sau sinh;

•         Nhóm Phenicol: Thiamphenicol, Cloramphenicol: nhóm thuốc này có thể gây tác dụng phụ là làm suy tủy, giảm bạch cầu, hội chứng xám ở trẻ em;

•         Nhóm Quinolon: Ofloxacin, Ciprofloxacin: có khả năng gây tổn thương thoái hóa khớp.

ü  Các kháng sinh cần thận trọng (cân nhắc dùng cho mẹ bầu)

Trong quá trình mang thai nếu buộc phải sử dụng kháng sinh, bác sĩ có thể sẽ cân bằng giữa lợi ích và rủi ro khi chỉ định cho mẹ bầu dùng các thuốc như sau:

•         Thuốc Rifamycin: cần tránh sử dụng trong tam cá nguyệt thứ nhất;

•         Thuốc Acid Nalidixic, Nitrofuran: không nên dùng trong những tháng cuối thai kỳ;

•         Thuốc Trimethoprim, Metronidazole, Sulfamid: không sử dụng trong những tháng đầu và những tháng cuối mang thai.

Dùng thuốc kháng sinh khi mang thai cần lưu ý những gì?

Không thể phủ nhận những lợi ích trong điều trị bệnh do kháng sinh mang lại nhưng chỉ khi nào thực sự cần thiết thì chúng ta mới nên dùng kháng sinh. Nhất là đối với đối tượng mẹ bầu cần phải lưu ý những điều sau đây:

•         Thuốc kháng sinh tiềm ẩn các tác dụng phụ đối với cả mẹ và bé, ví dụ như dị ứng, rối loạn tiêu hóa, dị tật bẩm sinh, sảy thai. Bên cạnh đó ngoài các loại vi khuẩn có hại, thuốc kháng sinh còn có thể vô tình loại bỏ cả những lợi khuẩn trong cơ thể, từ đó gây suy giảm khả năng phòng vệ của hệ miễn dịch trước các tác nhân có hại khác;

•         Nguy cơ kháng kháng sinh: nếu lạm dụng các loại thuốc kháng sinh có thể tạo cơ hội để vi khuẩn tiến hóa, rèn luyện sức chịu đựng trước các tác động của kháng sinh. Theo thời gian những loại vi khuẩn này sẽ trở lên nhờn thuốc, “trơ lì” đối với thuốc. Điều này vô cùng nguy hiểm vì nếu bệnh nhân kháng tất cả các loại kháng sinh thì ngay đến cả nhiễm trùng nhỏ nhất cũng không có thuốc điều trị. Đây được coi là hiện trạng đáng lo ngại trên toàn thế giới khi mà tỷ lệ người dân kháng kháng sinh ngày một gia tăng, trong khi phải mất rất nhiều thời gian và công sức mới có thể phát minh ra loại thuốc kháng sinh mới. 

Tài liệu tham khảo:

1.               MSD MANUAL consumer version:  https://www.msdmanuals.com/home/infections/antibiotics/penicillins

2.               https://medlatec.vn/tin-tuc/cac-loai-khang-sinh-an-toan-cho-phu-nu-co-thai-s74-n33613

Giảng viên: Nguyễn Thị Lê