Trẻ sơ sinh trên mẹ đái tháo đường
Sơ sinh được sinh ra trên người mẹ mắc bệnh tiểu đường. Và thuật ngữ này cũng bao gồm cả những trẻ sinh ra trên sản phụ có mức đường huyết cao trong quá trình thai nghén (đái tháo đường thai nghén/rối loạn dung nạp đường trong khi mang thai)
Đường máu cao trong thời kỳ mang thai có những tác động lên thai nhi. Những đứa trẻ này thường có cân nặng cao hơn so với trẻ bình thường. Trẻ có các cơ quan to hơn, đặc biệt là gan, tuyến thượng thận và tim.
Những trẻ này thường có các cơn hạ đường huyết ngay sau sinh, bởi vì insulin máu cao. Insulin là chất có tác dụng vận chuyển đường từ trong máu vào các cơ quan và mô. Những trẻ này cần được theo dõi đường huyết sát sao.
Những sản phụ đái tháo đường mà không được quản lý tốt sẽ có nguy cơ sảy thai hoặc thai lưu. Nếu người mẹ được chẩn đoán đái tháo đường trước khi mang thai, nếu không được quản lý tốt, thai nhi có nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh.
Những sơ sinh có mẹ mắc đái tháo đường quản lý không tốt sẽ có cân nặng to hơn so với tuổi thai. Insulin trong máu cao dẫn đến tăng sự đồng hóa để đáp ứng với mức đường máu cao trong máu sản phụ. Kiểm soát đường huyết của sản phụ càng kém thì nguy cơ thai có trọng lượng càng cao.
Những trẻ này thường được đẻ mổ vì nhiều lý do, trong đó có biến chứng như là: sinh khó do vai của thai nhi to, dẫn tới tổn thương đám rối thần kinh cánh tay. Những sản phụ này cần được theo dõi tốt trong quá trình thai nghén. Nếu chăm sóc tốt, tỷ lệ tử vong chu sinh, bao gồm cả dị tật bất thường bẩm sinh sẽ gần tương đương như những sản phụ bình thường.
Những sơ sinh này thường có cân nặng to hơn so với tuổi thai. Các triệu chứng khác có thể gặp:
Màu sắc da xanh hoặc nổi vân tím, nhịp tim nhanh, thở nhanh (dấu hiệu của phổi chưa trưởng thành hoặc suy tim)
Vàng da sơ sinh
Bú kém, li bì, khóc yếu (dấu hiệu của hạ đường huyết)
Bộ mặt béo phị
Da hồng đỏ
Run tay chân thoáng qua sau sinh
21.1. Sinh lý học
Thai to là kết quả của quá trình dự trữ quá nhiều mỡ, phì đại các cơ quan nội tạng (trừ não và thận) và tăng khối lượng cơ thể. Những trẻ này có tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao.
Đường huyết và amino acid vận chuyển qua nhau thai. Nhưng insulin không thể qua được nhau thai để từ mẹ sang tuần hoàn thai nhi.
Thai nhi bị ảnh hưởng của mức tăng đường huyết của sản phụ. Trước 20 tuần thai, các tế bào thai nhi không có khả năng đáp ứng, dẫn đến thai nhi có hiện tượng tăng đường huyết và giảm sự phát triển của thai. Chậm phát triển thai là dấu hiệu được ghi nhận ở những người mẹ đái tháo đường có tổn thương mạch máu. Sau 20 tuần thai, thai nhi đáp ứng với mức tăng đường huyết dẫn đến quá sản tế bào beta ở tuyến tụy và tăng insulin máu.
Trước khi sinh, insulin tăng cao trong máu có thể ức chế sự tác dụng của cortisol lên sự trưởng thành phổi, bao gồm sự sản xuất surfactant. Điều này dẫn đến thai nhi có nguy cơ suy hô hấp sau sinh mặc dù trẻ đẻ đủ tháng.
Những sản phụ đái tháo đường phụ thuộc insulin, tỷ lệ tử vong và thai lưu cao gấp 5 lần so với bình thường, và tỷ lệ tử vong của sơ sinh và trẻ nhỏ tăng tương ứng 15 lần và 3 lần so với bình thường. Nguy cơ của trẻ này phải sinh mổ cao hơn 3 lần và chấn thương trong khi sinh là gấp 2 lần và phải vào điều trị tại khu tích cực sơ sinh gấp 4 lần.
21.2. Các biến chứng hay gặp là:
- Dị tật tim bẩm sinh
- Suy tim
- Tăng cao bilirubin trong máu, có thể dẫn đến vàng da nhân não
- Phổi chưa trưởng thành
- Đa hồng cầu sơ sinh (nhiều huyết sắc tố hơn bình thường), có thể dẫn đến tắc mạch hoặc vàng da nặng
- Hạ đường huyết nặng, có thể dẫn đến tổn thương não
- Hội chứng đại tràng nhỏ, nguyên nhân dẫn đến tắc ruột
- Thai lưu
21.3. Điều trị và hỗ trợ
Những trẻ sinh ra trên sản phụ đái tháo đường được điều trị tại khu tích cực sơ sinh cần được khám sàng lọc ngay, kiểm tra đường huyết bằng test nhanh tại 3 giờ tuổi và sau đó cứ 3 giờ/lần cho đến khi hai lần liên tiếp > 2.6 mmol/L. Theo dõi vàng da và đa hồng cầu. Tiến hành chiếu đèn điều trị vàng da khi có chỉ định.
- Hỗ trợ hô hấp
Bởi vì phổi chậm sản xuất chất surfactant, hội chứng suy hô hấp sơ sinh có thể biểu hiện trên lâm sàng ngay cả khi trẻ chỉ sinh non trước vài tuần.
Những sơ sinh này tăng nguy cơ suy hô hâp và biểu hiện ngay sau sinh trong vòng vài giờ với thở nhanh, phập phồng cánh mũi, rút lõm lồng ngực và thiếu oxy. Chỉ định mổ đẻ vì thai to cũng làm tăng nguy cơ biểu hiện thở nhanh thoáng qua ở sơ sinh, trong khi đa hồng cầu làm tăng nguy cơ trẻ bị tăng áp động mạch phổi sơ sinh.
Điều trị hô hấp phụ thuộc vào triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng của từng bệnh nhân
Tăng nồng độ Oxy nhằm duy trì độ bão hòa oxy của trẻ trên 90%
- Dinh dưỡng
Những sơ sinh này có nguy cơ hạ đường huyết sau sinh 1-2h rất cao bởi vì tình trạng tăng insulin máu và ngừng cung cấp glucose đột ngột từ mẹ khi dây rốn bị cắt. Test đường huyết nhanh tiến hành 1h/lần trong 3 giờ tuổi đầu tiên và sau đó nếu ổn định thì 3h/lần. Phát hiện tình trạng kích thích của sơ sinh. Hạ đường huyết thường xuất hiện vài giờ sau sinh, test đường huyết có thể dừng tiến hành sau 24 giờ tuổi. Khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ sớm.
Đặng Thị Thanh Thương
- Thông tin về bệnh Dại trên người
- 6 lời khuyên để ăn uống lành mạnh với ngân sách tiết kiệm trong bệnh tiểu đường
- Số ca mắc bệnh sởi tăng vọt trên toàn thế giới
- Tình hình nhiễm Herpes sinh dục ở người lớn trên Thế Giới
- Cập nhật hướng dẫn về phòng ngừa virus lây qua đường hô hấp của Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC)