Vitamin D có thể giúp chống lại các triệu chứng của bệnh hen suyễn do ô nhiễm môi trường ở những trẻ em béo phì
Có rất nhiều yếu tố góp phần làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh hen suyễn, chẳng hạn như nồng độ vitamin D trong máu, béo phì và mức độ ô nhiễm không khí trong nhà.
Một nghiên cứu mới cho thấy vitamin D có thể bảo vệ ở những trẻ béo phì bị hen suyễn sống trong môi trường đô thị với ô nhiễm không khí trong nhà cao. Nghiên cứu của Trường Y khoa Đại học Johns Hopkins, được tài trợ bởi Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường Quốc gia (NIEHS), một phần của Viện Sức khỏe Quốc gia, đã được công bố trên Tạp chí Dị ứng và Miễn dịch Lâm sàng trong thực hành.
Tiến sĩ Kimberly Gray - quản trị viên của chương trình Trung tâm nghiên cứu sức khỏe môi trường trẻ em tại NIEHS cho biết “Nhóm nghiên cứu đã tìm ra rất nhiều yếu tố có thể làm trẻ em trở nên nhạy cảm với các vấn đề sức khỏe do ô nhiễm không khí gây ra”. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, cứ 12 trẻ em ở Hoa Kỳ thì có một trẻ bị hen suyễn, với tổng số 6,1 triệu trẻ em trên toàn quốc. Ô nhiễm không khí trong nhà cao hơn, từ các nguồn như khói thuốc lá, nấu ăn, đốt nến và nhang, có liên quan đến các vấn đề hô hấp, bao gồm các triệu chứng hen suyễn nặng hơn và đến khám tại bệnh viện nhiều hơn.
Tiến sĩ Sonali Bose - tác giả chính của nghiên cứu, trợ lý giáo sư tại Trường Y khoa Icahn ở Mount Sinai, và giảng viên phụ trợ tại Johns Hopkins chia sẻ “Từ các nghiên cứu khoa học trước đây, chúng tôi biết rằng vitamin D có thể ảnh hưởng đến hen suyễn bằng cách tác động đến các chất chống oxy hóa hoặc các quá trình liên quan đến miễn dịch.” Tiến sĩ Bose cũng giải thích rằng tại thời điểm nghiên cứu được thực hiện, các nhà nghiên cứu đã nhìn thấy sự thiếu hụt vitamin D trên khắp Hoa Kỳ. Rõ ràng là người Mỹ gốc Phi có nguy cơ bị thiếu vitamin D cao hơn, đặc biệt là các trẻ em da đen. Dường như sự thiếu hụt vitamin D và hen suyễn có sự trùng hợp và tương tác với nhau theo một cách nào đó.
Nghiên cứu này đã tiến hành thử nghiệm ba yếu tố - mức độ ô nhiễm không khí trong nhà, nồng độ vitamin D trong máu và các triệu chứng hen suyễn ở 120 trẻ em trong độ tuổi đi học đã bị hen suyễn trước đó ở khu vực thành phố Baltimore – thuộc tiểu bang Maryland, Hoa Kỳ. Một phần ba trẻ em tham gia nghiên cứu cũng bị béo phì. Những đứa trẻ này được đánh giá tại thời điểm bắt đầu nghiên cứu và ba lần nữa trong chín tháng tiếp theo.
Nhìn chung, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nồng độ vitamin D trong máu thấp có liên quan đến những tác động có hại cho hệ thống hô hấp trong điều kiện ô nhiễm không khí trong nhà ở trẻ béo phì bị hen suyễn. Ngược lại, trong những ngôi nhà có ô nhiễm không khí trong nhà cao nhất, những trẻ em bị béo phì có nồng độ vitamin D trong máu cao hơn có ít triệu chứng hen suyễn hơn.
Tiến sĩ Bose cho biết họ sẽ tiếp tục nghiên cứu để xác định các cách làm tăng mức vitamin D trong máu ở những đối tượng này, giúp chúng trở nên ít bị tác động hơn trước những hệ quả của ô nhiễm môi trường. Một cách để tăng mức vitamin D trong máu là tăng cường tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nhưng đó là điều khó có thể thực hiện khi sinh sống trong môi trường đô thị, hoặc ở những người có sắc tố da sẫm màu hơn. Một cách khác là thông qua các thực phẩm chức năng hoặc duy trì chế độ ăn uống với các loại thực phẩm có nhiều vitamin D; chẳng hạn như các loại cá nhiều dầu, nấm, bánh mì, nước cam hoặc sữa.
Người viết: Phạm Thị Ngọc An
Nguồn tham khảo: https://www.nih.gov/news-events/news-releases/vitamin-d-may-protect-against-pollution-associated-asthma-symptoms-obese-children truy cập ngày 12/03/2019
- 6 lời khuyên để ăn uống lành mạnh với ngân sách tiết kiệm trong bệnh tiểu đường
- Số ca mắc bệnh sởi tăng vọt trên toàn thế giới
- Tình hình nhiễm Herpes sinh dục ở người lớn trên Thế Giới
- Cập nhật hướng dẫn về phòng ngừa virus lây qua đường hô hấp của Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC)
- ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG BỆNH VIỆN, KHẢO SÁT SỰ HÀI LÒNG NGƯỜI BỆNH, NHÂN VIÊN Y TẾ 2024-2025