Image SliderImage SliderImage SliderImage SliderImage Slider

Tin nổi bật:

Thông báo về việc công bố Dự thảo Báo cáo tự đánh giá chương trình đào tạo ngành Điều dưỡngThông báo về việc công bố Dự thảo Báo cáo tự đánh giá chương trình đào tạo ngành Điều dưỡng
Tài liệu học tập

CHĂM SÓC BỆNH NHÂN TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO27/04/2017

1. ĐẶC ĐIỂM BỆNH HỌC CỦA TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO

1.1. Đại cương

Tai biến mạch máu não là giảm chức năng của não xảy ra đột ngột do một mạch máu bị vỡ hoặc tắc bao gồm động mạch, mao mạch và hiếm hơn là tĩnh mạch mà không phải do chấn thương.

Tai biến mạch máu não tăng theo lứa tuổi, nhất là từ 50 tuổi trở lên. Nam thường ưu thế hơn giới nữ. ở các nước công nghiệp phát triển như châu Âu và châu Mỹ, nhồi máu não chiếm khoảng 80%, ở nước ta khoảng 60%, còn lại là xuất huyết não. Để đánh giá tình hình tai biến mạch máu não phải dựa vào 3 tỷ lệ sau đây:

- Tỷ lệ mới mắc (incidence) theo OMS là 150-250/100.000, ở nước ta nói chung từ 20-35/100.000, tại Huế là 27,71/100.000 dân theo điều tra năm 1989- 1994.

- Tỷ lệ hiện mắc (prevalence) theo OMS là 500-700/100.000 dân, ở nước ta nói chung từ 45-85/100.000.

- Tỷ lệ tử vong trên 100.000 dân (nói lên tính chất trầm trọng của bệnh). Tỷ lệ này rất khác nhau giữa các nước, từ 35-240/100.000, ở nước ta 20- 25/100.000 dân.

Về phân loại, người ta chia làm hai thể chính sau đây:

- Nhồi máu não (thiếu máu cục bộ não, nhũn não): xảy ra khi mạch máu bị nghẽn hoặc bị lấp.

- Xuất huyết não: khi máu thoát khỏi mạch vỡ vào nhu mô não, nếu vào khoang dưới nhện gọi là xuất huyết dưới nhện; phối hợp cả 2 loại gọi là xuất huyết não – màng não.

1.2. Nhồi máu não

1.2.1. Nguyên nhân

- Tắc mạch (thrombosis)

+ Xơ vữa động mạch, thường gặp nhất khi trên 50 tuổi, nếu có đái tháo đường, hoặc tăng huyết áp, nghiện thuốc lá thì có thể tuổi dưới 50. Hậu quả là gây hẹp mạch tại não (hẹp trên 80% mới có triệu chứng) và có thể gây lấp mạch từ mảng xơ vữa của các động mạch lớn.

+ Viêm động mạch: viêm động mạch hạt của Wegner, giang mai, lao, bệnh Takayashu, bệnh tạo keo, bệnh Horton…

+ Bóc tách động mạch cảnh, sống lưng, đáy não.

+ Các bệnh máu: tăng hồng cầu, hồng cầu hình liềm, thiếu hồng cầu nặng…

+ U não chèn ép các mạch não.

+ Bệnh Moyamoya gây tắc mạch ở đa giác Willis làm tân sinh mạch nhỏ.

- Co mạch (vasospasm)

+ Co mạch sau xuất huyết dưới nhện.

+ Co mạch hồi phục nguyên nhân không rõ, sau bán đầu thống, sang chấn sọ não, sản giật, hạ hay tăng huyết áp quá mức.

- Lấp mạch (embolie)

+ Nguồn gốc từ xơ vữa: nơi phân đôi động mạch cảnh chung thành động mạch cảnh trong và ngoài (50%), vòi cảnh (20%), động mạch sống lưng khúc tận, quai động mạch chủ.

+ Nguồn gốc từ tim: thường gặp, khoảng 20%, dưới 45 tuổi (tim bẩm sinh, hẹp hai lá, thấp tim, van giả, sa van hai lá, loạn nhịp tim chủ yếu là rung nhĩ, hội chứng yếu nút xoang, viêm nội tâm mạch nhiễm khuẩn cấp hoặc bán cấp, nhồi máu cơ tim giai đọan cấp. Ngoài ra còn có ung thư (phổi), động kinh, suy yếu tố C hoặc S, thuốc chống thụ thai.

Thiếu máu cục bộ não chia làm 2 loại tùy thuộc thời gian thiếu máu.

- Thiếu máu cục bộ não thoáng qua:

+ Rối loạn chức năng thần kinh khu trú, khởi đầu đột ngột, hồi phục trong vòng 24 giờ không để lại di chứng, do cục máu trắng (tiểu cầu) dễ tan, cục máu đỏ nhỏ, hay co thắt động mạch não thoáng qua.

+ Chẩn đoán chủ yếu dựa vào hỏi bệnh. Không có một tiêu chuẩn nào chắc chắn. Biểu hiện lâm sàng rất khác nhau tùy theo hệ cảnh hay sống nền.

- Thiếu máu cục bộ não hình thành khi triệu chứng tồn tại trên 24 giờ.

Cơ chế bệnh sinh: khi thiếu máu cục bộ, vùng trung tâm bị hoại tử có lưu lượng máu 10-15ml/100g/phút và vùng bao quanh hoại tử có lưu lượng máu 23ml/100g/phút, với lưu lượng này đủ cho tế bào không chết nhưng không hoạt động được gọi là vùng tranh tối – tranh sáng hay còn gọi là vùng điều trị, vì nếu hồi phục lưu lượng thì tế bào não hoạt động trở lại bình thường. Ngày nay biết rõ có hiện tượng tái lập tuần hoàn ở vùng thiếu máu do cục máu tắc được giải phóng hay trôi đi, điều này nguy hiểm vì làm cho bệnh cảnh lâm sàng nặng lên do sự lan rộng vùng nhồi máu. Tổn thương tế bào não nơi thiếu máu cục bộ là do sự đổ ồ ạt ion Ca++ vào nội bào thông qua thụ thể N-methyl-D-aspartat và do tăng acid lactic.

1.2.2. Triệu chứng học

Nhồi máu khu vực động mạch cảnh

- Nhồi máu động mạch não giữa: nhồi máu động mạch não giữa chiếm 80% các nhồi máu của bán cầu não và chủ yếu nhánh nông.

+ Nhánh nông:

* Nhánh nông trước: liệt nửa người khác bên ưu thế tay -mặt, rối loạn cảm giác khác bên ưu thế tay -mặt, liệt động tác liếc phối hợp hai mắt về phía bên kia, thất vận ngôn kiểu Broca nếu bán cầu ưu thế.

* Nhánh nông sau: bán manh cùng tên bên đối diện thể 1/4 dưới. Nếu ở bán cầu ưu thế thì có thất ngôn kiểu Wernicke, mất thực dụng ý niệm vận động, mất đọc, mất viết, mất khả năng tính toán, quên ngón tay, không phân biệt được phải trái. Nếu ở bán cầu không ưu thế thì sẽ có các triệu chứng sau: mất nhận biết tên đồ vật, mất phân biệt 1/2 sơ đồ cơ thể và không gian bên trái kèm mất thực dụng.

+ Nhánh sâu:

* Liệt 1/2 người nặng, tỷ lệ đôi khi có bán manh cùng bên, rối loạn cảm giác kín đáo hoặc không, rối loạn diễn đạt chủ yếu nói khó (bán cầu ưu thế).

* Nếu nghẽn hoàn toàn nhánh nông lẫn nhánh sâu liệt nửa người nặng, tỷ lệ kèm mất cảm giác, bán manh cùng tên, thất ngôn nếu ở bán cầu ưu thế rối loạn ý thức.

- Nhồi máu động mạch não trước:

+ Nhánh nông: nếu một bên thì liệt chân bên đối diện, rối loạn cảm giác chân bị liệt, đái không tự chủ, có phản xạ nắm (grasping reflex), rối loạn chức năng cao cấp như ngôn ngữ thu hẹp, thờ ơ, đãng trí, không còn các cử chỉ phức tạp. Nếu tổn thương hai bên gây liệt hai chân và rối loạn trí nhớ.

+ Nhánh sâu:

* Liệt 1/2 người toàn bộ đồng đều, mất cảm giác kiểu 1/2 người, bán manh cùng bên, không có thất vận ngôn.

* Nếu tắc động mạch cảnh trong: gây hội chứng thị -tháp với biểu hiện mù mắt bên tắc và liệt nửa người bên đối diện.

Nhồi máu khu vực động mạch sống nền: động mạch sống nền tưới máu cho hành não, cầu não, cuống não, tiểu não, gian não, đồi thị, mặt trong thùy chẩm, mặt trong thùy thái dương, 1/5 sau của thể chai.

- Động mạch não sau: bán manh cùng bên, lú lẫn tâm thần, quên (hội chứng Korsakoff), nếu hai bên thì mù vỏ não nhưng còn phản xạ đối với ánh sáng, có thể có rối loạn cảm giác 1/2 người do tổn thương đồi thị (hội chứng Dejerine-Roussy), múa giật, múa vờn.

- Động mạch thân nền: tùy theo vị trí mà cho nhiều hội chứng liệt chéo, rối loạn ý thức và giấc ngủ (do tổn thương hệ thống lưới).

+ Nếu nhồi máu lớn ở thân não thường tử vong, có thể gây hội chứng tháp hai bên nặng hơn là hội chứng giam hãm: liệt tứ chi, liệt dây VI, VII cả hai bên và chỉ còn động tác nhìn lên.

+ Tổn thương cuống não gây hội chứng Weber là liệt dây III cùng bên tổn thương và liệt tay chân bên đối diện khi tổn thương phần giữa phía bụng, nếu tổn thương phần sau giữa gây hội chứng Claude đó là liệt dây III và hội chứng tiểu não bên đối diện.

+ Tổn thương cầu não gây hội chứng Millard-Gubler là liệt VII ngoại biên cùng bên tổn thương và liệt tay chân bên đối diện, hoặc hội chứng Foville liệt VI bên tổn thương và liệt tay chân bên đối diện.

+ Tổn thương hành tủy thường gặp hơn đó là hội chứng Walenberg do nhũn vùng bên hành tủy, thường khởi đầu đột ngột, chóng mặt, rối loạn thăng bằng, nhức đầu phía sau, nôn, nấc cụt, rối loạn nuốt.

+ Tổn thương tiểu não: chóng mặt, nôn, hội chứng tiểu não, giật nhãn cầu, lưu ý nhũn tiểu não gây phù nặng dẫn tới chèn ép thân não hoặc tụt kẹt hạnh nhân tiểu não nên phải phẫu thuật.

1.2.3. Diễn tiến và biến chứng

Đặc điểm lâm sàng của thiếu máu cục bộ não là nhanh chóng tiến tới tối đa về các dấu hiệu thần kinh, có thể nặng lên sau 3 ngày đầu do phù não hay lan rộng ổ nhũn não, hoặc xuất huyết thứ phát, nhất là lấp mạch. Sau tuần thứ hai bệnh cảnh có thể nặng lên do nhiễm khuẩn, rối loạn dinh dưỡng, loét, rối loạn điện giải. Có thể hồi phục sớm nếu không có phù não nặng và nhũn không lan rộng. Sự hồi phục chức năng không hoàn toàn kéo dài 1-2 năm. Biến chứng muộn là động kinh, nhồi máu cơ tim, cứng khớp (nhất là khớp vai), rối loạn tâm thần…

1.2.4. Chẩn đoán

- Chẩn đóan xác định: theo Tổ chức Y tế Thế giới để xác định TBMMN thì cần có 3 tiêu chuẩn lâm sàng sau đây:

+ Một là, có triệu chứng thần kinh khu trú.

+ Hai là, triệu chứng đó xảy ra đột ngột.

+ Ba là, không có chấn thương sọ não.

Với 3 tiêu chuẩn trên thì độ chính xác 95-99%. Tuy nhiên có giá trị nhất là chụp não cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ não.

- Chẩn đoán phân biệt:

+ Xuất huyết não

Bảng 7.1. Phân biệt giữa nhồi máu não và xuất huyết não

dieuduongnoikhoa_tap1_10+ U não, áp xe não: thường khởi đầu từ từ, các dấu hiệu thần kinh khu trú lan như vết dầu loang.

+ Tụ máu dưới màng cứng mạn: khó trong những trường hợp chấn thương nhẹ trước đó vài tuần, vài tháng, khởi bệnh thường từ từ với nhức đầu buổi sáng, tinh thần trì trệ, gõ xương sọ đau vùng tụ máu, thiếu sót chức năng não. Phân biệt nhờ chụp mạch não hoặc chụp não cắt lớp vi tính.

+ Động kinh cục bộ: vì nó cũng xảy ra đột ngột, thường lặp đi lặp lại (lưu ý khi tai biến mạch máu não cũng có thể khởi đầu với cơn động kinh). Cần chụp cộng hưởng từ não để loại trừ các nguyên nhân khác gây động kinh cục bộ.

1.2.5. Điều trị

Chỉ giữ lại điều trị tại tuyến cơ sở khi tai biến mạch máu não thoáng qua, còn khi tai biến hình thành nên chuyển bệnh nhân lên tuyến huyện, tỉnh hay trung ương.

1.2.5.1. Điều trị nội khoa

- Điều trị nhằm 4 mục tiêu: duy trì đời sống, giới hạn tổn thương não, hạn chế di chứng và biến chứng.

- Trên thực tế có 2 loại biện pháp sau đây:

+ Các biện pháp tái lập tuần hoàn não

* Các thuốc làm tiêu huyết khối, giải phóng tắc mạch 80% trong những giờ đầu (trước 6 giờ mới có hiệu quả), tuy nhiên có nguy cơ chảy máu. Các thuốc trong nhóm này như streptokinase, plasminogen.

* Các thuốc chống đông như heparin hạn chế sự phát triển cục máu tắc được chỉ định trong tắc mạch nguồn gốc từ tim. Chống chỉ định đối với các tai biến thần kinh nặng, nhồi máu rộng, nhồi máu có chảy máu thứ phát và tăng huyết áp dao động.

* Các thuốc chống ngưng tập tiểu cầu như aspirin, ticlopidin, dipyridamol, triflusal (Disgren) chủ yếu dự phòng cấp 2.

* Các thuốc giãn mạch não chỉ có naftidrofuryl (Praxilene) là có hiệu quả với liều 600 mg /ngày.

+ Các biện pháp bảo vệ tế bào não:

* Các chất chẹn Ca++ nếu dùng sớm trước 48 giờ, có hiệu quả nhất là nhóm nimodipin.

* Kháng serotonin, piracetam, vinpocetin đã được sử dụng.

* Cerebrolysin 10ml/ngày 2-3 ống tiêm tĩnh mạch trong 20-30 ngày.

- Điều trị triệu chứng là chính, bằng các biện pháp sau:

+ Đảm bảo khí lưu thông tốt, nhất là khi rối loạn ý thức cho nằm đầu thấp, nghiêng sang một bên để tránh hít phải chất nôn, tránh tụt lưỡi gây ngạt thở, hút đờm dãi.

+ Cung cấp đầy đủ 02 cho não nhằm hạn chế tổn thương tối thiểu vùng bị tổn thương đồng thời chống phù não thứ phát, cho thở máy, tăng thông khí để giảm phù não.

+ Đảm bảo huyết áp ổn định, tránh tụt huyết áp nhanh, nếu huyết áp thấp phải cho dopamin, còn tăng huyết áp dùng chẹn calci như nifedipin, nicardipin, nimodipin. Ngoài tác dụng hạ huyết áp còn có tác dụng bảo vệ tế bào não khỏi hoại tử nếu dùng sớm trước 48 giờ.

+ Cân bằng nước, điện giải.

+ Chống động kinh nếu có.

+ Chống phù não khi nghi có tụt kẹt hoặc tự nhiên ý thức xấu đi bằng mannitol 20% x 0,1-0,25g/kg (500ml 20%, truyền 40 giọt /phút trong 1 giờ sau đó 07 giọt /phút trong 4-5 giờ, sau lặp lại vì mannitol chỉ tác dụng tối đa 4-6 giờ, thường dùng 3-5 ngày.

+ Vật lý trị liệu sớm: tránh dùng dung dịch glucose, nhất là dung dịch ưu trương vì đường máu cao làm tăng trưởng cục máu tắc và làm tăng acid laclic tại vị trí nhồi máu não.

1.2.5.2. Điều trị ngoại khoa

Cắt bỏ lớp áo trong động mạch cảnh khi xơ vữa gây hẹp từ 80% trở lên.

1.2.6. Tiên lượng

Tiên lượng nặng khi có các yếu tố sau:

- Kích thước của nhồi máu lớn, vị trí ở hố sau (thân não, tiểu não), rất nặng trừ hội chứng Walenberg.

- Trên 70 tuổi.

- Rối loạn ý thức.

- Bệnh tim kết hợp.

- Tiền sử nhồi máu não.

- Tăng huyết áp không kiểm soát được.

1.3. Xuất huyết nội sọ

1.3.1. Nguyên nhân

- Tăng huyết áp, thường gây xuất huyết ở động mạch não giữa, nhánh sâu.

- Xuất huyết nguyên nhân không xác định.

- Vỡ túi phồng động mạch: thường gặp ở chỗ phân nhánh của mạch máu lớn vùng đáy não gây chảy máu vào khoang dưới nhện. Tỷ lệ cao ở trên vòng Willis, động mạch cảnh trong 41%, động mạch não trước 34%, nơi xuất phát động mạch thông sau 25%, động mạch não giữa 20%, động mạch sống nền 20%, khúc trên của động mạch cảnh 14% và ở xoang hang 2%.

- Vỡ túi phồng động tĩnh mạch: chủ yếu ở 1/2 bán cầu não sau, nam nhiều hơn nữ, thường gây tụ máu và ít gây xuất huyết dưới nhện.

- Các bệnh gây chảy máu: bệnh bạch cầu, tiêu sợi huyết, bệnh ưa chảy máu…

- Xuất huyết vào tổ chức não tiên phát và thứ phát do u.

- Xuất huyết thứ phát sau nhồi máu não.

- Viêm nhiễm động – tĩnh mạch.

- Các nguyên nhân hiếm gặp: sau chụp mạch não, thuốc giãn mạch, gắng sức, thủ thuật thăm dò tiết niệu, biến chứng rò động – tĩnh mạch xoang hang, thiếu dưỡng khí máu, bán đầu thống, dị dạng, viêm não thể vùi.

1.3.2. Triệu chứng

Đại đa số xảy ra đột ngột với nhức đầu dữ dội, nôn và rối loạn ý thức, rối loạn thực vật nặng nề (rối loạn hô hấp, tăng huyết áp hay trụy mạch, sốt cao), liệt nửa người nặng, liệt mềm. Vị trí tổn thương hay gặp ở bao trong (50%). Trên lâm sàng để xác định vị trí các ổ xuất huyết, các dấu về nhãn cầu rất quan trọng. Xuất huyết bao trong hai mắt lệch ngang về phía bên đối diện với bên liệt, phản xạ đồng tử đối với ánh sáng bình thường; xuất huyết đồi thị hai mắt đưa xuống dưới vào phía mũi, đồng tử nhỏ, không phản ứng với ánh sáng; khi xuất huyết thân não hai mắt có thể lệch ngang về phía đối diện với tổn thương, kích thước đồng tử bình thường, còn phản ứng với ánh sáng. Tiên lượng phụ thuộc vào vị trí và đường kính ổ tổn thương, trên lều lớn hơn 5 cm, dưới lều trên 3 cm tiên lượng rất nặng, thường tử vong. Lâm sàng có cơn mất não hoặc động kinh, rối loạn thần kinh thực vật, nặng thường dẫn đến tử vong do tụt kẹt. Có thể có biến chứng tắc động mạch phổi, tăng đường máu, tăng ADH, tăng huyết áp, ngừng tim. Có khi có dấu màng não.

Thăm dò cận lâm sàng:

- Nhanh là chụp não cắt lớp vi tính cho thấy vùng tăng tỷ trọng, sau hai tuần thì giảm tỷ trọng dần và tiến tới đồng tỷ trọng nhưng còn thấy dấu hiệu đè ép, sau một thời gian để lại hình dấu phẩy giảm tỷ trọng.

- Cộng hưởng từ não phát hiện tốt nhất đặc biệt là ở hố sau (hình ảnh tăng tỷ trọng, màu trắng) và có thể cho biết dị dạng mạch.

- Chụp động mạch não: vị trí khối máu tụ, di lệch mạch máu và dị dạng mạch.

- Chọc dò dịch não tủy: nếu có máu là chắc chắn nhưng cũng phải phân biệt với chọc nhầm mạch máu. Nếu lúc đầu không có máu nhưng thấy áp lực tăng và sau vài ngày chọc có máu hoặc màu vàng là chắc có khối máu tụ trong nhu mô não.

- Xét nghiệm máu: bạch cầu cao chủ yếu trung tính, bilirubin máu tăng trong chảy máu nhiều hay rối loạn đông máu.

1.3.3. Điều trị

Thể này không nên điều trị tại tuyến y tế cơ sở mà nên chuyển bệnh nhân lên tuyến huyện, tỉnh hoặc trung ương.

- Nội khoa:

+ Hồi sức hô hấp.

+ Hồi sức tuần hoàn: duy trì huyết áp ở mức trung bình, dùng thuốc hạ huyết áp khi huyết áp tăng.

+ Cân bằng nước – điện giải.

+ Nuôi dưỡng.

+ Chống co thắt mạch bằng nimodipin.

+ Chống co giật: valium.

+ Chống phù não: mannitol 20%, liều 0,5g/kg tĩnh mạch nhanh 40 giọt phút trong 1 giờ sau đó 7 giọt/phút trong 5 giờ sau lặp lại.

+ Chống nhiễm trùng và loét.

+ Phục hồi chức năng.

- Ngoại khoa: khi ổ trên lều > 5cm, xuất huyết tiểu não hay khi dị dạng mạch máu não nằm nông là phải mổ vì gây chèn ép.

2. CHĂM SÓC BỆNH NHÂN BỊ TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO

2.1. Nhận định tình hình

Bệnh nhân bị tai biến mạch máu não thường là một bệnh cấp tính, diễn biến kéo dài, có thể ngày càng nặng dần tuỳ theo nguyên nhân và mức độ tổn thương, nhiều biến chứng rất nguy hiểm có thể đe doạ tính mạng bệnh nhân nếu chúng ta không điều trị và chăm sóc chu đáo. Vì vậy người điều dưỡng khi tiếp xúc với bệnh nhân cần phải nhẹ nhàng, ân cần và biết thông cảm.

2.1.1. Đánh giá bằng cách hỏi bệnh

- Trạng thái tinh thần của bệnh nhân: lo lắng, sợ hãi…

- Có biết bị tăng huyết áp không và thời gian bị tăng huyết áp?

- Có đi lại được không?

- Thuốc và cách điều trị tăng huyết áp như thế nào?

- Các bệnh tim mạch đã mắc?

- Đã bao giờ bị liệt hay bị yếu tay chân chưa?

- Có hay nhức đầu, mất ngủ hay nhìn có bị mờ không?

- Gần đây nhất có dùng thuốc gì không?

- Có buồn nôn, nôn và rối loạn tiêu hoá không?

- Khả năng nói của bệnh nhân?

- Có bị bệnh thận trước đây không?

- Có hay bị sang chấn gì không?

- Tình trạng đi tiểu: số lượng và màu sắc?

2.1.2. Đánh giá bằng quan sát

- Tình trạng tinh thần của bệnh nhân: mệt mỏi, tỉnh táo hay hôn mê.

- Quan sát vận động tay chân của bệnh nhân.

- Quan sát các tổn thương trên da.

- Tình trạng miệng và mặt có bị méo không?

- Tuổi trẻ hay lớn tuổi?

- Tự đi lại được hay phải giúp đỡ?

- Bệnh nhân mập hay gầy?

- Có bị phù không?

- Tình trạng đại và tiểu tiện của bệnh nhân.

- Các dấu hiệu khác.

2.1.3. Thăm khám bệnh nhân

Quan trọng là đo dấu hiệu sống, trong đó huyết áp là dấu quan trọng nhất. Phải chú ý đến cả huyết áp tối đa và tối thiểu.

Khám các dấu thần kinh khu trú.

Khám dấu cơ lực và trương lực của bệnh nhân.

Khám mắt và các thương tổn khác.

Ngoài ra cần chú ý các dấu chứng khác như: tình trạng tim mạch, các dấu ngoại biên, số lượng nước tiểu, tình trạng phù.

2.1.4. Thu nhận thông tin

- Kiểm tra các xét nghiệm, các thuốc và cách sử dụng các thuốc nếu có.

- Thu thập thông tin qua gia đình, hồ sơ bệnh án.

2.2. Chẩn đoán điều dưỡng

Một số chẩn đoán điều dưỡng có thể gặp ở bệnh nhân bị tai biến mạch máu não:

- Nhức đầu do tăng huyết áp.

- Mất khả năng vận động do liệt.

- Khả năng giao tiếp bằng lời giảm do tai biến mạch máu não.

- Nguy cơ loét ép do chăm sóc không tốt.

- Nguy cơ nhiễm trùng hô hấp do nằm lâu.

2.3. Lập kế hoạch chăm sóc

Qua khai thác các dấu chứng trên giúp cho người điều dưỡng có được các chẩn đoán điều dưỡng. Người điều dưỡng cần phân tích, tổng hợp và đúc kết các dữ kiện để xác định nhu cầu cần thiết của bệnh nhân, từ đó lập ra kế hoạch chăm sóc cụ thể. Khi lập kế hoạch chăm sóc phải xem xét đến toàn trạng bệnh nhân, đề xuất vấn đề ưu tiên, vấn đề nào cần thực hiện trước và vấn đề nào thực hiện sau tuỳ từng trường hợp cụ thể.

2.3.1. Chăm sóc cơ bản

- Để bệnh nhân nghỉ ngơi, nằm ở tư thế đầu cao, nằm nghiêng về một bên.

- Giải thích cho bệnh nhân và gia đình về tình trạng bệnh tật.

- Ăn đầy đủ năng lượng và nhiều hoa quả tươi.

- Vệ sinh sạch sẽ hàng ngày.

- Hướng dẫn gia đình tự theo dõi các tác dụng phụ của thuốc, biểu hiện bất thường.

2.3.2. Thực hiện các y lệnh

- Cho bệnh nhân uống thuốc và tiêm thuốc theo chỉ định.

- Làm các xét nghiệm cơ bản.

2.3.3. Theo dõi

- Tình trạng tai biến mạch máu não: tinh thần, vận động…

- Theo dõi các nguyên nhân gây tai biến mạch máu não.

- Theo dõi một số xét nghiệm như: bilan lipid máu, điện tim, siêu âm, soi đáy mắt.

- Theo dõi tác dụng phụ của thuốc.

- Theo dõi các biến chứng.

2.3.4. Giáo dục sức khoẻ

Bệnh nhân và gia đình cần phải biết các nguyên nhân, các yếu tố thuận lợi gây tai biến mạch máu não cũng như cách phát hiện các hiệu dấu tai biến mạch máu não, cách phòng, điều trị và theo dõi bệnh nhân tai biến mạch máu não.

2.4. Thực hiện kế hoạch chăm sóc

Đặc điểm của bệnh nhân tăng huyết áp là tiến triển kéo dài và ngày càng nặng dần. Bệnh để lại di chứng rất nặng nề nếu không được điều trị và chăm sóc một cách đúng đắn. Bệnh nhân có thể tử vong do những biến chứng của bệnh, hoặc do tai biến điều trị.

2.4.1. Thực hiện chăm sóc cơ bản

- Đặt bệnh nhân nằm nghỉ ngơi đầu cao và nghiêng về một bên.

- Tránh lao động trí óc căng thẳng, lo lắng quá độ.

- Vận động và xoa bóp tay chân.

- Thay đổi tư thế mỗi 2 giờ /lần.

- Động viên, trấn an bệnh nhân để bệnh nhân an tâm điều trị.

- Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn, đặc biệt là tình trạng tăng huyết áp. Tuỳ theo từng trường hợp cụ thể để theo dõi có thể từ 15 phút cho đến 2 giờ đo một lần.

- Hút đờm dãi khi có ứ đọng đờm dãi.

- Luôn giữ ấm cơ thể bệnh nhân.

- Ăn uống đủ năng lượng, nhiều sinh tố và hạn chế muối dưới 5g/ngày, hạn chế mỡ, các chất béo động vật, kiêng rượu, thuốc lá, chè đặc. Đặt sonde dạ dày nuôi dưỡng nếu bệnh nhân không có khả năng nuốt.

- Tránh các yếu tố kích thích cho bệnh nhân.

- Vệ sinh sạch sẽ: hàng ngày vệ sinh răng miệng và da để tránh các ổ nhiễm khuẩn, phát hiện sớm các ổ nhiễm trùng để có hướng điều trị cho bệnh nhân. áo quần, vải trải giường và các vật dụng khác phải luôn được sạch sẽ.

- Chăm sóc chống loét bằng đệm hơi hoặc đệm nước, xoay trở người mỗi 2 giờ kèm xoa bóp, tránh viêm phổi (ứ đọng đờm dễ gây viêm phổi) bằng vỗ rung ngực. Chống nhiễm trùng hô hấp hoặc đường tiểu do xông tiểu.

2.4.2. Thực hiện các y lệnh

- Thuốc dùng: thực hiện đầy đủ các y lệnh khi dùng thuốc, như: các thuốc tiêm, thuốc uống. Trong quá trình dùng thuốc nếu có bất thường phải báo bác sĩ biết.

- Thực hiện các xét nghiệm: công thức máu, đường máu, ure và creatinin máu, điện tim, protein niệu, soi đáy mắt và chụp X quang tim phổi.

2.4.3. Theo dõi

- Dấu hiệu sinh tồn: mạch, nhiệt, huyết áp, nhịp thở phải được theo dõi kỹ.

- Theo dõi tình trạng liệt.

- Theo dõi tình trạng thông khí.

- Theo dõi tình trạng loét ép do nằm lâu.

- Tình trạng tổn thương mắt, thận và tim mạch.

- Tình trạng sử dụng thuốc và các biến chứng do thuốc gây ra, đặc biệt chú ý các thuốc có thể gây hạ huyết áp mạnh.

- Các di chứng của tai biến mạch máu não.

2.4.4. Giáo dục sức khoẻ

Bệnh nhân và gia đình cần phải biết các nguyên nhân, các yếu tố thuận lợi gây tai biến mạch máu não cũng như cách phát hiện các dấu chứng khi bị tai biến mạch máu não, cách phòng, chăm sóc và theo dõi bệnh nhân tai biến mạch máu não.

Phòng bệnh cấp 0

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ, song đáng chú ý nhất là tăng huyết áp và xơ vữa động mạch, rất thường gặp ở lứa tuổi từ 50 trở lên, nên có thông tin rộng rãi để các đối tượng trên theo dõi huyết áp đều đặn và áp dụng các biện pháp phòng tăng huyết áp như tránh ăn mặn, hạn chế những căng thẳng về mặt tinh thần, tránh ăn nhiều gây mập phì, tránh các chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá, tránh gió lùa, mặc ấm khi thay đổi thời tiết, nhất là từ nóng chuyển sang lạnh, đang nằm trong chăn ấm tránh ra lạnh đột ngột.

Ngoài ra cần phòng thấp tim một cách hiệu quả như tránh ở nơi ẩm thấp, giữ ấm khi trời lạnh để tránh viêm họng, khi bị thấp tim phải được theo dõi và điều trị đúng để tránh tổn thương van tim.

Phòng bệnh cấp 1

Khi có yếu tố nguy cơ (bệnh nguyên) phải điều trị để tránh xảy ra tai biến như theo dõi và điều trị tăng huyết áp, chống ngưng tập tiểu cầu bằng aspirin 150-300 mg/ngày hay disgren 300 mg /ngày khi có xơ vữa động mạch, điều trị hẹp hai lá bằng chống đông khi có rung nhĩ hay nong van hoặc thay van.

Phòng bệnh cấp 2

Khi đã xảy ra tai biến nhất là tai biến thoáng qua phải tìm các yếu tố nguy cơ trên để can thiệp tránh xảy ra tai biến hình thành. Nếu đã xảy ra tai biến hình thành thì tránh tái phát bằng cách điều trị các bệnh nguyên cụ thể cho từng cá thể.

Phòng bệnh cấp 3

Thay đổi tư thế kèm xoa bóp mỗi 1-2 giờ hay nằm đệm nước để tránh loét. Vận động tay chân để tránh cứng khớp. Kết hợp với khoa phục hồi chức năng hay khoa y học dân tộc để luyện tập, châm cứu cho bệnh nhân đồng thời hướng dẫn cho thân nhân tập luyện tại nhà.

2.5. Đánh giá quá trình chăm sóc

Tình trạng bệnh nhân sau khi đã thực hiện y lệnh, thực hiện kế hoạch chăm sóc so với lúc ban đầu của người bệnh để đánh giá tình hình bệnh tật:

- Đánh giá công tác chăm sóc và thực hiện các y lệnh đối với bệnh nhân.

- Đánh giá tình trạng liệt có cải thiện không.

- Đánh giá tình trạng ý thức.

- Đánh giá tình trạng huyết áp.

- Đánh giá các di chứng của tai biến mạch máu não.

- Đánh giá về tinh thần, vận động.

- Đánh giá tình trạng thông khí.

- Đánh giá cách giải quyết các nguyên nhân.

- Đánh giá các biến chứng.

- Đánh giá chăm sóc điều dưỡng cơ bản có được thực hiện và có đáp ứng được với yêu cầu của người bệnh không, nhất là vận động.

- Những vấn đề sai sót hoặc thiếu hay các nhu cầu phát sinh mới cần bổ sung vào kế hoạch chăm sóc để thực hiện trên bệnh nhân.

                                                                               --o0o--

Người sưu tầm: GV. Phan Thị Bích Thuận

Nguồn: http://www.ebook.edu.vn/?page=1.30&view=2500