0236.3827111

CHỈ THỊ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN TỐT QUY TẮC ỨNG XỬ, NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP, HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH TẠI CÁC CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH


 

BỘ Y TẾ

                                

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 03/CT-BYT

Hà Nội, ngày 01 tháng 04 năm 2013


CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN TỐT QUY TẮC ỨNG XỬ, NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP, HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH TẠI CÁC CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH
 

      Trong những năm qua, ngành Y tế đã quan tâm, đẩy mạnh công tác chính trị, tư tưởng và giáo dục y đức, ban hành các quy định nhằm nâng cao đạo đức nghề nghiệp của viên chức ngành Y tế, như: Quy định 12 Điều y đức (ban hành kèm theo Quyết định số 2088/QĐ-BYT ngày 06/11/1996) Quy định về chế độ giao tiếp trong các cơ sở khám chữa bệnh (ban hành kèm theo Quyết định số 4031/2001/QĐ-BYT ngày 27/9/2001) Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế (ban hành kèm theo Quyết định số 29/QĐ-BYT ngày 18/8/2008). Bộ Y tế cũng xây dựng các kế hoạch triển khai thực hiện, tổ chức Hội thi Quy tắc ứng xử trong toàn ngành, phát động phong trào thi đua nhằm giáo dục, động viên viên chức, người lao động ngành y tế thực hiện tốt Quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Thực hiện kế hoạch của Bộ Y tế, các đơn vị trong toàn ngành từ Trung ương đến địa phương đã tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình, giải pháp thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị. Quá trình triển khai đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến nhiều tập thể và cá nhân đã không quản khó khăn, gian khổ hết lòng vì tính mạng, sức khỏe của người bệnh, được dư luận xã hội đánh giá cao, được Đảng, Nhà nước và Bộ Y tế ghi nhận, tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, vẫn còn một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa thực sự quan tâm đến công tác chính trị, tư tưởng, giáo dục y đức, triển khai còn chiếu lệ, hình thức, hiệu quả đạt được chưa cao. Một bộ phận công chức lãnh đạo quản lý chưa thực sự nhận thức tầm quan trọng của đạo đức nghề nghiệp, chủ yếu tập trung vào công tác chuyên môn, cơ sở vật chất, chưa quan tâm sâu sắc đến đạo đức nghề nghiệp, để xảy ra tình trạng viên chức y tế vi phạm những quy định của Quy tắc ứng xử đối với người bệnh và gia đình người bệnh, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư.
Để từng bước khắc phục những hạn chế nêu trên, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 1973/CT-TTg ngày 07/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu:
1. Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng Y tế các bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác tổ chức, thực hiện, kiểm tra, áp dụng biện pháp khen thưởng, kỷ luật thích hợp, kịp thời đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý trong việc thực hiện Quyết định số 29/2008/QĐ-BYT ngày 18/8/2008 về việc ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế và Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế về nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và sự hài lòng của người bệnh.
2. Giám đốc bệnh viện, viện có giường bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến (sau đây gọi tắt là bệnh viện) tích cực triển khai các biện pháp nhằm thực hiện tốt Quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cụ thể:
a) Tiếp tục duy trì thực hiện tốt các kế hoạch do Bộ Y tế ban hành: Kế hoạch 1175/KH-BYT ngày 10/11/2008 về tổ chức triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử, Kế hoạch số 305/KH-BYT ngày 06/4/2011 triển khai thực hiện Quy chế dân chủ, Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức tại các đơn vị trong ngành Y tế, Kế hoạch số 49-KH/BCSĐ ngày 22/12/2011 về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong ngành Y tế giai đoạn 2011 - 2015 theo Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị.
b) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng ứng xử, giao tiếp cho toàn thể viên chức, người lao động trong bệnh viện nhất là các viên chức thường xuyên, trực tiếp tiếp xúc với người bệnh và gia đình người bệnh.
c) Phát động phong trào thi đua nâng cao đạo đức nghề nghiệp Tổ chức ký cam kết thực hiện tốt Quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giữa lãnh đạo khoa, phòng trong bệnh viện với Giám đốc bệnh viện, giữa các viên chức với viên chức trong khoa, phòng và giữa các khoa phòng trong bệnh viện. Khen thưởng kịp thời những tấm gương điển hình tiên tiến đã hết lòng vì người bệnh.
d) Thực hiện tốt Quy chế dân chủ, công khai, minh bạch, cải tiến tác phong, lề lối làm việc, áp dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là quy trình xét nghiệm, thăm dò chức năng, thủ tục vào viện, chuyển viện, ra viện, thanh toán viện phí, bảo hiểm y tế ứng dụng phát số khám tự động, bảng số điện tử...
e) Tăng cường kiểm tra việc thực hiện Quy tắc ứng xử của viên chức trong bệnh viện. Quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu khoa, phòng nếu để xảy ra tình trạng viên chức dưới quyền quản lý có thái độ lợi dụng nghề nghiệp để nhận tiền, quà biếu của người bệnh và gia đình người bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh. Có biện pháp kiên quyết xử lý các viên chức, người lao động vi phạm các quy định của Quy tắc ứng xử.
3. Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng - Bộ Y tế làm đầu mối, phối hợp với Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương và các đơn vị liên quan, có trách nhiệm tuyên truyền, tăng cường đưa tin về tấm gương người tốt, việc tốt để động viên khen thưởng viên chức, người lao động ngành Y tế thực hiện tốt Quy tắc ứng xử.
4. Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế làm đầu mối, phối hợp với Công đoàn Y tế Việt Nam, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Thanh tra Bộ Y tế và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này định kỳ tiến hành sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế.
5. Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng y tế các bộ, ngành tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc quyền quản lý trong việc triển khai thực hiện nội dung Chỉ thị này nhằm góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân./.
 

                                                                                      

BỘ TRƯỞNG
(Đã ký)




Nguyễn Thị Kim Tiến