ĐỘT QUỴ
ĐỘT QUỴ LÀ GÌ?
Đột quỵ - tai biến mạch máu não là bệnh lý mạch máu não nguy hiểm và phổ biến nhất hiện nay đặc trưng bởi hiện tượng máu lên não bị gián đoạn đột ngột với hai dạng chính là nhồi máu não (tắc mạch) và xuất huyết não (vỡ mạch).
Nhồi máu não (chiếm 85%): Nhồi máu não xảy ra khi một vùng não không được cấp máu, thường là do hẹp hoặc tắc một động mạch não. Tình trạng bít tắc kéo dài cản trở máu lưu thông lên não, khiến các tế bào não thiếu hụt oxy quá mức và chết đi, ảnh hưởng đến các chức năng cơ thể mà vùng não bị chết chi phối.
Xuất huyết não (chiếm 15% nhưng chiếm 40% tỷ lện tử vong do đột quỵ). Bệnh xảy ra do một mạch máu não bị vỡ, kết quả là máu thấm vào mô não, gây tổn thương cho các tế bào não, phổ biến nhất của dạng này là kết hợp giữa huyết áp cao với chứng phình động mạch não hay dị dạng mạch máu não bẩm sinh.
Theo thống kê của Hội Đột Quỵ Mỹ:
- Mỗi năm gần 800.000 người gặp một cơn đột quỵ mới hoặc tái phát.
- Cứ mỗi 40 - 45 giây trôi qua, trên thế giới có ít nhất một người bị đột quỵ.
- Đột quỵ là nguyên nhân thứ năm gây tử vong ở Mỹ
- Và cứ 3 phút trôi qua, thế giới lại có một người tử vong do đột quỵ.
- Có thể ngăn ngừa tới 80% đột quỵ
- Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật người lớn ở Hoa Kỳ
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong
DẤU HIỆU NHẬN BIẾT
Hiện nay, để phổ cập các dấu hiệu của tai biến mạch máu não, các chuyên gia y tế lưu ý ghi nhớ “FAST” nhấn mạnh đến mức độ và là viết tắt của: Face (khuôn mặt), Arm (tay), Speech (lời nói) và Time (thời gian) giúp người thân nhận biết dấu hiệu của người bị đột quỵ.
- Khuôn mặt: dấu hiệu dễ nhận thấy là mặt bệnh nhân bị méo, có cảm giác tê, cứng nửa bên mặt hoặc 1/4 mặt dưới. Nếu nghi ngờ, hãy yêu cầu bệnh nhân cười vì méo có thể sẽ rõ hơn.
- Tay: diễn tiến từ từ như tê mỏi một bên tay; vụng về trong những thao tác, công việc quen thuộc; cũng có thể ở chân như đi dễ bị vấp té; bước đi khó khăn hoặc nặng nề hơn bình thường; nhấc chân không lên hoặc dễ bị rơi dép... Trong người hợp nghi ngờ người nhà bị đột quỵ, thử yêu cầu họ giơ cả hai tay lên và giữ nguyên trong 1 phút, nếu bị đột quỵ thông thường một bên tay bị yếu, liệt sẽ tự động rơi hoặc hạ thấp xuống.
- Lời nói: một số người đột quỵ nói khó, nói đớ hoặc môi, lưỡi bị cứng, tê. Có thể yêu cầu bệnh nhân nói chuyện với một vài câu đơn giản một cách mạch lạc. Từ đó, có thể nhận ra việc bệnh nhân nói không rõ, nói chậm hơn bình thường hoặc phải gắng sức khi nói. Ngoài ra, một số triệu chứng khác có thể cảnh báo đột quỵ như nhức đầu nhiều, mất thăng bằng đột ngột, ù tai, điếc đột ngột, khó nuốt, mắt mờ hay chậm hiểu bất thường.
- Thời gian: đột quỵ là bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt “thời gian vàng” cấp cứu trong 3 tiếng đầu sau tai biến mạch máu não. Chỉ trong thời gian này thì việc dùng thuốc trị đột quỵ hay các biện pháp phẫu thuật mới có thể giúp bệnh nhân tránh nguy cơ tử vong và những di chứng khác. Do đó, khi phát hiện những dấu hiệu trên cần nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Những người có nguy cơ bị đột qụy bao gồm những người có huyết áp cao , cholesterol cao , tiểu đường và những người hút thuốc, uống rượu nhiều. Những người bị rối loạn nhịp tim, đặc biệt là rung tâm nhĩ cũng có nguy cơ.
DỰ PHÒNG
Hiểu được các yếu tố nguy cơ đột qụy, theo khuyến cáo của bác sĩ và cách sống lành mạnh là những bước tốt nhất bạn có thể làm để ngăn ngừa đột qụy.
Kiểm soát huyết áp cao (cao huyết áp). Một trong những điều quan trọng nhất bạn có thể làm để giảm nguy cơ đột quỵ là giữ cho huyết áp của bạn được kiểm soát. Tập thể dục, kiểm soát căng thẳng, duy trì trọng lượng khỏe mạnh, và hạn chế lượng natri và rượu mà bạn ăn và uống là tất cả các cách để duy trì huyết áp cao trong kiểm tra. Ngoài ra, phải uống thuốc điều trị cao huyết áp đều đặn.
Giảm lượng cholesterol và chất béo bão hòa trong chế độ ăn uống của bạn. Ăn ít cholesterol và chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa, có thể làm giảm các mảng bám trong động mạch của bạn. Nếu bạn không thể kiểm soát được cholesterol thông qua những thay đổi trong chế độ ăn kiêng, bác sĩ có thể kê toa một loại thuốc hạ cholesterol.
Bỏ thuốc lá. Hút thuốc làm tăng nguy cơ đột qụy cho người hút thuốc và người không hút thuốc tiếp xúc với khói thuốc. Việc bỏ hút thuốc lá làm giảm nguy cơ bị đột quỵ.
Kiểm soát bệnh tiểu đường. Bạn có thể kiểm soát bệnh tiểu đường bằng chế độ ăn kiêng, tập thể dục, kiểm soát cân nặng và dùng thuốc.
Duy trì trọng lượng khỏe mạnh. Việc thừa cân góp phần vào các yếu tố nguy cơ đột qụy, như huyết áp cao, bệnh tim mạch và đái tháo đường. Giảm cân có thể làm giảm huyết áp và cải thiện mức cholesterol.
Ăn một chế độ ăn uống giàu trái cây và rau cải. Chế độ ăn uống chứa 5 hoặc nhiều trái cây hoặc rau quả hàng ngày có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ, đặc biệt là dầu oliu, trái cây, quả hạnh nhân, rau và ngũ cốc, có thể hữu ích.
Tập thể dục đều đặn. Tập luyện aerobic hoặc yoga làm giảm nguy cơ đột quỵ. Tập thể dục có thể làm giảm huyết áp, và cải thiện sức khoẻ tổng thể của mạch máu và tim. Nó cũng giúp bạn giảm cân, kiểm soát bệnh tiểu đường và giảm căng thẳng. Cần tập vận động tăng dần theo thời gian, và giữ ổn định ở mức khoảng 30 phút hoạt động/ngày - chẳng hạn như đi bộ, chạy bộ, bơi lội hoặc đi xe đạp - trên hầu hết, nếu không nói là tất cả những ngày trong tuần.
Uống rượu bia một cách có kiểm soát, hạn chế đến mức tối thiểu. Uống rượu nhiều sẽ làm tăng nguy cơ cao huyết áp, dẫn đến đột quỵ.
Điều trị chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ, nếu có. Bác sĩ của bạn có thể đề nghị đánh giá oxy qua đêm để kiểm tra chứng ngưng thở khi tắc nghẽn (OSA). Nếu phát hiện thấy OSA, nó có thể được điều trị bằng cách cho bạn oxy vào ban đêm hoặc bạn mang một thiết bị nhỏ trong miệng của bạn.
Tránh các loại ma túy, chất kích thích, chẳng hạn như cocaine và methamphetamines. Cocaine làm giảm lưu lượng máu và có thể làm hẹp động mạch. Đó là nguy cơ gây nên đột quỵ.
Và cuối cùng không nên quên việc kiểm tra sức khỏe định kỳ.
NGƯỜI VIẾT: GV.NGUYỄN THỊ THÚY
Tài liệu tham khảo:
1. Bacsinoitru.vn - PGS TS Nguyễn Văn Chương – “Đột quỵ não”
2. American Stroke association- “About Stroke”
3. Medicine Net.com - Charles Patrick Davis, MD, PhD – “ Stroke signs, symtoms, warning signs and treatments”
- KHOA ĐIỀU DƯỠNG TỔ CHỨC BẢO VỆ KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP
- VAI TRÒ CỦA NGHIÊN CỨU ĐIỀU DƯỠNG & THỰC HÀNH DỰA VÀO BẰNG CHỨNG
- ĐIỀU DƯỠNG VỚI CÔNG TÁC CHĂM SÓC TOÀN DIỆN TẠI VIỆT NAM
- CHỈ THỊ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN TỐT QUY TẮC ỨNG XỬ, NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP, HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH TẠI CÁC CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH
- CÁC THUẬT NGỮ CẦN LƯU Ý TRONG KIỂM SOÁT NHIỄM KHUẨN