0236.3827111

PHỤC HỒI CHỨC NĂNG SỚM CHO NGƯỜI BỆNH TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO


     Phục hồi chức năng phải được coi là một yếu tố quan trọng trong điều trị tai biến mạch máu não ngay từ giai đoạn sớm. Lợi ích của phục hồi chức năng sẽ đạt được ở mức tối đa nếu áp dụng các kỹ thuật phục hồi chức năng cho người bệnh ngay sau khi tai biến mạch máu não xảy ra. . Ngoài phục hồi chức năng đã mất hoặc giảm của người bệnh, điều này còn giúp ngăn ngừa những thương tật thứ phát. Vai trò của điều dưỡng trong vấn đề này đóng một phần quan trọng.

     Tùy thuộc vào tình trạng thương tổn thần kinh, phục hồi chức năng người bệnh tai biến mạch máu não bao gồm:

           - Phục hồi nhận thức (hình ảnh, tiếng nói, đọc hiểu...)

           - Phục hồi trí nhớ (gần, xa)

           - Phục hồi vận động.

           - Phục hồi nghe, nói.

           - Phục hồi giao tiếp.

           - Phục hồi cảm giác (bản thể, định thể...)

     Phục hồi chức năng vận động thường phổ biến và được quan tâm nhiều vì liên quan đến hoạt động sống và lao động hằng ngày của người bệnh sau tai biến mạch máu não. Tuy nhiên, trong điều kiện cho phép, nên thiết lập kế hoạch phục hồi chức năng toàn diện cho người bệnh, giúp người bệnh xóa bỏ mặc cảm tâm lí, sớm hòa nhập cộng đồng.

 

     Các kỹ thuật phục hồi chức năng áp dụng cho người bệnh tai biến mạch máu não trong giai đoạn sớm bao gồm:

  1. Lượng giá và xử trí những vấn đề y học chung.

  2. Theo dõi và điều chỉnh các rối loạn sau khi tai biến mạch máu não xảy ra.

  3. Đánh giá tình trạng nuốt.

  4. Chăm sóc các vấn đề dinh dưỡng.

  5. Đặt người bệnh ở tư thế đúng (chống lại mẫu co cứng).

 

                                  Tu -the -nam -hop -li -cho -nguoi -bi -liet -do -tai -bien

                           Tư thế nằm ngữa tay duỗi theo thân người                                Tư thế nằm nghiêng bên lành

 

                                                                Pkhn 1(1)

                                                                                  Tư thế nằm nghiêng bên liệt

 

  6.  Các bài tập vận động dựa vào sức cơ và tầm vận động.

  7. Các bài tập thở và tập ho cho người bệnh.

  8. Thay đổi tư thế người bệnh 1-2 giờ một lần.

  9. Kiểm tra tình trạng loét do tì đè.

  10. Chăm sóc đại, tiểu tiện, dự phòng táo bón, nhiễm trùng đường tiểu...

  11. Các bài tập tại giường có hướng dẫn của nhân viên y tế.

  12. Tập ngồi trên ghế.

  13. Tập đứng và thăng bằng.

  14. Tập đi trên thanh song song.

 

                                            26thongtincacbaitapvandongphuchoichucnangsaudotquy

                                         Người bệnh tai biến mạch máu não tập đứng thăng bằng và tập đi trên thanh song song

 

  15. Tập đi lại.

  16. Các hoạt động trị liệu.

  17. Hướng dẫn hoạt động sinh hoạt cơ bản hằng ngày.

  18. Nâng cao hiểu biết cho người bệnh, hướng dẫn họ tự chăm sóc.

 

                                           2-1502152375869

     Các hoạt động sinh hoạt hằng ngày, các hoạt động tự chăm sóc là biện pháp phục hồi chức năng vận động và hóa giải rào cản tâm lí hữu hiệu cho người bệnh. 

 

  19.  Trợ giúp về tâm lí cho người bệnh.

  20. Đánh giá và huấn luyện kĩ năng giao tiếp cho người bệnh.

  21. Giáo dục vai trò và trợ giúp từ gia đình người mắc tai biến mạch máu não.

     Đánh giá quy trình phục hồi chức năng giai đoạn tiếp theo cần thấy rằng tai biến mạch máu não là một bệnh phức tạp từ tổn thương thực thể ở não gây mất khả năng điều khiển, có những trường hợp mất mất khả năng phục hồi dẫn đến tàn tật vĩnh viễn như: liệt cứng, thất ngôn, hôn mê... Việc sử dụng dụng cụ trợ giúp trong phục hồi chức năng ở người bệnh này có vai trò rất cần thiết từ gậy, nạng, thanh song song tập đi, ròng rọc tập tay đến xe lăn... Phục hồi chức năng là một quá trình lâu dài (hàng năm), nên sau khi ra viện, người bệnh và gia đình cần tiếp tục tập luyện ngoại trú tại các cơ sở y tế và tập luyện tại nhà. Ngoài phục hồi chức năng vận động, quá trình phục hồi chức năng ở người bệnh tại biến mạch máu não cần quan tâm đến các yếu tố tâm lí và dự phòng thứ phát.

     Trong chăm sóc người bệnh tai biến mạch máu não, điều dưỡng cần nắm rõ các nhu cầu trên để có kế hoạch chăm sóc phù hợp, phục hồi chức năng từ giai đoạn sớm và phòng ngừa các thương tật thứ phát.

 

 

TLTK:

1. Lê Đức Hinh, Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí tai biến mạch máu não, 2009.

2. NRSNG, Nursing Care Plan for Stroke, 2017.

 

Người viết: GV Phan Thị Hằng.