0236.3827111

QUẢN LÝ ĐAU


                                                                                     QUẢN LÝ ĐAU

        Đau là một trải nghiệm với cảm giác hay cảm xúc khó chịu do có sự tổn thương thực sự hoặc tiềm tàng ở các mô, hoặc được mô tả như những tổn thương tương tự chủ yếu là do tâm lý. Đau là phản ứng, phản xạ nhạy bén nhất của cơ thể người đối với mọi tác động bất lợi từ môi trường sống bên ngoài và bên trong cơ thể. Đau được coi như là dấu hiệu sinh tồn thứ 5 cùng với mạch, nhiệt, huyết áp, nhịp thở cần được Điều dưỡng theo dõi.

             Ước tính có khoảng 20% người trưởng thành chịu hậu quả của đau và 10% được chẩn đoán bị đau mạn tính mỗi năm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới giảm đau và được quản lý giảm đau là quyền cơ bản của con người, nhiều người bệnh bị đau ở mức độ vừa hoặc nặng đã đặt ra thách thức lớn cho ngành y tế.

          Đau là lý do phổ biến nhất khiến người bệnh đến cơ sở y tế. Đau đớn làm ảnh hưởng đến sự phục hồi của người bệnh, tăng thời gian nằm viện, tăng chi phí điều trị và tăng nguy cơ tái nhập viện. Ngoài ra, đau là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự khó chịu, mất ngủ, suy giảm nhận thức, lo lắng và trầm cảm.

         Là một phần của hệ thống chăm sóc sức khỏe, Điều dưỡng là người ở bên cạnh người bệnh nhiều nhất, đóng vai trò không thể thiếu trong việc kiểm soát cơn đau hiệu quả, bao gồm cung cấp đánh giá chính xác, can thiệp thích hợp và giáo dục đầy đủ về đau để giảm đau cho người bệnh. Tuy nhiên, đã có nghiên cứu cho thấy Điều dưỡng có kỹ năng, kiến thức và niềm tin không đầy đủ đối với việc đánh giá, quản lý cơn đau và đau. Sự thiếu hụt kiến thức có thể dẫn đến niềm tin và thái độ tiêu cực đối với việc kiểm soát cơn đau, điều này có thể ảnh hưởng đến việc chăm sóc người bệnh . 

TLTK:

Bích, V. Q. (2008). Phòng và chữa các loại đau đầu, 1(1), 3

Brown, M. A. (2013). The role of nurses in pain and palliative care. Journal of pain & palliative care pharmacotherapy, 27(3), 300-302.

                                                                                   Người viết: Nguyễn Thị Hồng Hạnh