VAI TRÒ CỦA NGHIÊN CỨU ĐIỀU DƯỠNG & THỰC HÀNH DỰA VÀO BẰNG CHỨNG
1/ Khái niệm nghiên cứu
1.1. Nghiên cứu?
Thuật ngữ nghiên cứu có nghĩa là “tìm kiếm nhiều lần-search again” hoặc “ xem xét 1 cách kỹ lưỡng- examine carefully’’.
Nghiên cứu là một quá trình điều tra, tìm tòi mang tính hệ thống để làm sáng tỏ các vấn đề mà người nghiên cứu quan tâm. Nghiên cứu có thể được định nghĩa như sau:
Nghiên cứu là một quá trình thu thập, phân tích, diễn giải và trình bày dữ liệu một cách khách quan, chính xác và hệ thống để trả lời hoặc giải quyết vấn đề quan tâm.
1.2. Nghiên cứu điều dưỡng?
Nghiên cứu điều dưỡng là một bộ phận của nghiên cứu y học. Mục đích nghiên cứu điều dưỡng nhằm sàng lọc, phát triển và mở rộng kiến thức nghề nghiệp và dựa vào các bằng chứng tin cậy để cải tiến thực hành điều dưỡng.
Nghiên cứu điều dưỡng là môn học về các phương pháp quan sát, can thiệp, diễn giải và trình bày kết quả một cách khách quan, chính xác và hệ thống.
1.3. Phạm vi nghiên cứu của điều dưỡng
Ngành điều dưỡng có bốn lĩnh vực rất cơ bản đó là:
Giáo dục điều dưỡng; Thực hành điều dưỡng; Quản lí điều dưỡng; Nghiên cứu điều dưỡng.
Nghiên cứu điều dưỡng có ý nghĩa rất quan trọng, tác động vào sự phát triển chung của các lĩnh vực giáo dục, thực hành và quản lý điều dưỡng. Đặc biệt khi điều dưỡng đã trở thành một ngành học, được đưa vào giảng dạy ở bậc đại học và sau đại học thì vai trò của nghiên cứu điều dưỡng lại càng thiết yếu.
Ngành điều dưỡng cần tạo ra những kiến thức và những lý luận đặc trưng với chuyên ngành của mình, cần phát triển môn điều dưỡng học để giảm bớt vay mượn kiến thức từ các chuyên ngành khác trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ. Trong hoàn cảnh ngành điều dưỡng thiếu đội ngũ cán bộ giảng dạy chuyên ngành , bác sỹ giảng dạy điều dưỡng tất yếu sẽ thiên về điều trị và nhẹ về điều dưỡng , do mục tiêu đào tạo và chức năng nghề nghiệp giữa bác sỹ và điều dưỡng khác nhau.
Vào những năm 1990, ở Việt Nam nghiên cứu điều dưỡng còn xa lạ với người điều dưỡng do tự ti nghề nghiệp và chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng để làm nghiên cứu.
Từ năm 2000 đến nay, Hội điều dưỡng Việt Nam đã đặt công tác nghiên cứu điều dưỡng thành một chương trình trọng tâm trong các hoạt động của Hội. Hội nghị nghiên cứu điều dưỡng toàn quốc lần thứ nhất đã được tổ chức vào 5/2002, Hội nghị nghiên cứu điều dưỡng toàn quốc lần thứ 2 đã tổ chức tháng 10/2005. Kết quả các Hội nghị này cho thấy điều dưỡng đã chứng tỏ tiềm năng nghiên cứu rất lớn. Để khơi dậy tiềm năng nghiên cứu cho hội viên, Hội điều dưỡng Việt Nam đã tổ chức biên soạn tài liệu về Phương pháp nghiên cứu điều dưỡng và với sự hỗ trợ của Hội điều dưỡng Canađa, Hội cũng đã tổ chức nhiều khoá đào tạo về phương pháp nghiên cứu điều dưỡng cho hội viên toàn quốc. Nhiều hội viên đã đánh giá sự đầu tư của Hội vào công tác nghiên cứu là rất đúng hướng, hiệu quả và rất đáng đầu tư.
2/ Vai trò nghiên cứu của điều dưỡng
2.1. Vai trò của nghiên cứu
Nghiên cứu có tầm quan trọng rất lớn trong việc phát triển kiến thức nghề nghiệp và nâng cao chất lượng chăm sóc cụ thể là:
- Tạo ra kiến thức mới:Trong nhiều lĩnh vực đôi khi kiến thức của chúng ta không đầy đủ,thiếu hụt cần được bù đắp.Nghiên cứu được coi là quá trình truy tìm kiến thức mới.Những kiến thức mới chúng ta có được bằng nhiều cách khác nhau,nghiên cứu khoa học mang lại kiến thức có độ tin cậy để hướng dẫn thực hành cho mọi nguời. Những kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp chúng ta có được hiện nay là quá trình tích luỹ từ học tập ở trường, kinh nghiệm của cá nhân, từ bắt chước các chuyên gia và ứng dụng kiến thức từ các lĩnh vực khác.
Những câu hỏi được đặt ra là: bao nhiêu kiến thức và thực hành điều dưỡng của bạn hiện nay dựa vào bằng chứng? Những kiến thức và thực hành nào không còn phù hợp? Những thực hành nào gây sự quan tâm của bạn về độ tin cậy cần phải nghiên cứu thêm? Chắc chắn chúng ta chưa có câu trả lời đầy đủ để mô tả bức tranh hiện thực về kiến thức và thực hành điều dưỡng hiện nay.
- Nâng cao chất lượng và sự an toàn của các dịch vụ chăm sóc: thực hành dựa vào bằng chứng là một nguyên tắc tiếp cận mới đang được áp dụng trong nhiều lĩnh vực nhất là lĩnh vực y học. Những dịch vụ chăm sóc và kỹ thuật do người điều dưỡng cung cấp liên quan trực tiếp tới sức khoẻ và tính mạng con người, vì thế kiến thức và thực hành điều dưỡng phải có cơ sở khoa học vững chắc và chính xác. Thực hành dựa vào bằng chứng là trách nhiệm nghề nghiệp và đạo đức của người điều dưỡng nhằm đảm bảo an toàn cho người nhận dịch vụ chăm sóc. Nghiên cứu điều dưỡng là phương tiện khách quan, hệ thống và đáng tin cậy nhất để tạo ra bằng chứng hướng dẫn thực hành chăm sóc lâm sàng và qua đó nâng cao chất lượng về sự an toàn của các dịch vụ điều dưỡng.
- Tăng cường giá trị nghề nghiệp:
Theo quan niệm cũ điều dưỡng là một nghề phụ thuộc, người điều dưỡng thực hành theo y lệnh của bác sỹ. Ngày nay trước nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ngày càng tăng và áp dụng các thành tựu khoa học mới vào y học ngày càng nhiều đòi hỏi người điều dưỡng phải nâng cao tính chuyên nghiệp. Tổ chức y tế thế giới đã khuyến cáo dịch vụ chăm sóc do điều dưỡng và hộ sinh cung cấp là một trong những trụ cột của hệ thống dịch vụ y tế. Vì vậy người điều dưỡng cần được khuyến khích làm nghiên cứu để phát triển kiến thức nghề nghiệp, đồng thời chứng tỏ sự đóng góp của họ sẽ tạo ra khác biệt trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Như vậy, nghiên cứu không những góp phần tăng cường uy tín nghề nghiệp mà còn làm cho xã hội đánh giá đúng mức giá trị của các dịch vụ chăm sóc và vị thế của người điều dưỡng.
- Tăng cường hiệu quả chi phí trong lĩnh vực chăm sóc: Một chương trình y tế được đánh giá hiệu quả khi nó mang lại nhiều lợi ích mà chỉ sử dụng một lượng kinh phí nào đó. Việc phân tích chi phí sẽ giúp chúng ta đánh giá được hiệu quả dịch vụ chăm sóc hoặc một trương trình y tế. Dưới thời bao cấp những người làm lâm sàng ít quan tâm tới yếu tố kinh tế trong y tế. Ngày nay, do chi phí trả cho dịch vụ y tế ngày càng cao làm cho các nhà quản lý y tế và người bệnh quan tâm ngày càng nhiều tới chi phí cho các loại dịch vụ y tế mà họ nhận được. Hơn nữa, hệ thống bệnh viện đang từng bước chuyển dịch tiến tới tự chủ về tài chính theo chủ trương của Nhà nước, đặt ra yêu cầu không chỉ đối với người quản lý bệnh viện mà cả thầy thuốc và điều dưỡng lâm sàng cũng phải quan tâm tới vấn đề chi phí tức là tăng thêm một đồng đóng góp vào công quỹ của bệnh viện hoặc để hỗ trợ người ngèo. Chính vì vậy mà điều dưỡng cần phải nghiên cứu đánh giá hiệu quả chi phí trong lĩnh vực chăm sóc người bệnh, để các nguồn lực hạn hẹp của bệnh viện được sử dụng hiệu quả nhất.
2.2. Thực hành dựa vào bằng chứng
Mục đích của nghiên cứu là tạo ra các bằng chứng tin cậy để áp dụng vào thực tế.
ThS Phạm Đức Mục trình bày báo cáo trong một Hội thảo tại trường ĐH Duy Tân tháng 7/2014
3/ Lịch sử nghiên cứu điều dưỡng
3.1. Từ thời Florence Nightingale đến những năm 1960
Người ta cho rằng Florence Nightingale là người khởi đầu nghiên cứu điều dưỡng. Trên cơ sở phân tích các yếu tố tác động đến tỷ lệ tử vong của người lính trong chiến tranh Crime, Nightingale đã thành công trong việc tác động vào các yếu tố môi trường để làm giảm tỉ lệ tử vong của thương binh từ 42% xuống còn 2,2 %.
Sau Nightingale, trong y văn đề cập rất ít đến nghiên cứu điều dưỡng. Cho mãi tới đầu thế kỷ XX, các nghiên cứu tập chung vào lĩnh vực giáo dục điều dưỡng, nhận dạng bản chất nghề nghiệp điều dưỡng, vai trò, chức năng điều dưỡng…
Từ sau những năm 1950, nghiên cứu điều dưỡng phát triển với tốc độ rất nhanh do ngày càng có nhiều điều dưỡng viên được đào tạo ở trình độ cử nhân và sau đại học. Giai đoạn này xuất hiện nhu cầu nghiên cứu thực hành điều dưỡng lâm sàng và trong một số tài liệu điều dưỡng đã đề cập tới việc thực hành dựa vào bằng chứng. Chính phủ các nước đã hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nghiên cứu điều dưỡng và đã có nhiều nội san được phát hành về nghiên cứu điều dưỡng như ở Mỹ, Canada và Anh quốc. Từ năm 1963 các nghiên cứu điều dưỡng đã được đăng tải trên các tạp trí nghiên cứu điều dưỡng quốc tế.
3.2. Nghiên cứu điều dưỡng từ những năm 1970 đến nay
Sau những năm 1970, số lượng các nghiên cứu điều dưỡng ngày càng gia tăng và có thêm các tạp trí nghiên cứu điều dưỡng được ra đời ở Mỹ và Anh quốc để đăng tải các báo cáo nghiên cứu điều dưỡng. Nội dung nghiên cứu điều dưỡng trong giai đoạn này chuyển hướng từ lĩnh vực đào tạo, quản lý sang thực hành chăm sóc và ngày càng quan tâm tới việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực hành chăm sóc người bệnh.
Sau những năm 1980, những sự kiện nổi bật trong nghiên cứu điều dưỡng là:(1) Đã có tổng kết đề tài nghiên cứu;(2) Chính phủ một số nước đã đầu tư ngân sách quốc gia cho nghiên cứu điều dưỡng như ở Mỹ, Canada, Anh quốc; (3) Trung tâm nghiên cứu điều dưỡng quốc gia được thành lập ở Mỹ “National CenterFor Nursing Research NCNR”.Sự ra đời của Trung tâm quốc gia nghiên cứu điều dưỡng đã thúc đẩy nghiên cứu điều dưỡng phát triển ngang tầm với các lĩnh vực nghiên cứu khác trong y tế.
Từ sau những năn 1990 đến nay các hội nghị nghiên cứu điều dưỡng quốc tế đã được tổ chức và nghiên cứu điều dưỡng trọng tâm vào các lĩnh vực như HIV/AIDS, các mô hình điều dưỡng dựa vào cộng đồng , đánh giá hiệu quả thử nghiệm các can thiệp điều dưỡng đối với người bệnh HIV/AIDS, người bệnh mạn tính và đánh giá hiệu quả các can thiệp trong lĩnh vực nâng cao sức khoẻ.
4/Các giải pháp tăng cường nghiên cứu điều dưỡng
Hội điều dưỡng Việt nam khuyến cáo các giải pháp tăng cường nghiên cứu điều dưỡng như sau:
- Đào tạo về phương pháp nghiên cứu điều dưỡng.
Một trong những khó khăn cho điều dưỡng viên bắt tay vào làm nghiên cứu là chưa biết bắt đầu từ đâu và cách tiến hành như thế nào.Do đó muốn khuyến khích điều dưỡng viên làm nghiên cứu cần đào tạo để tạo khả năng nghiên cứu.Hiện nay,các chương trình đào tạo điều dưỡng cao đẳng và đại học đều đã được bổ sung thêm môn học về nghiên cứu điều dưỡng. Ngoài ra,các lớp học ngắn hạn về phương pháp nghiên cứu điều dưỡng do Hội điều dưỡng Việt Nam,các Sở Y tế và các bệnh viện tổ chức chắc chắn sẽ không chỉ tạo năng lực nghiên cứu mà còn thúc đẩy điều dưỡng bắt tay vào làm nghiên cứu.
- Thiết lập bằng chứng vững chắc thông qua chiến lược nghiên cứu khẳng định.
Người ta không thể thực hiện một cải tiến về quy trình kỹ thuật hoặc ứng dụng mới nếu chỉ dựa trên kết luận của một nghiên cứu hay một tác giả.
Vì vậy, thực hiện nghiên cứu khẳng định trên các nhóm người bệnh khác nhau, trong các cơ sở thực hành khác nhau và vào thời điểm khác nhau là cần thiết để đảm bảo tính khách quan và khoa học của các kết quả nghiên cứu.
Có thể thực hiện chiến lược nghiên cứu khẳng định nghiên cứu bằng cách các nhà nghiên cứu cùng phối hợp thực hiện nghiên cứu tại các thời điểm khác nhau.
- Thực hành dựa vào bằng chứng “Evidense Based Practise”. Điều dưỡng viên được khuyến khích áp dụng những kết quả nghiên cứu vào thực hành hay còn gọi là thực hành dựa vào bằng chứng.Ở Canada chính phủ đã đầu tư 5 triệu đôla Canada để khuyến khích điều dưỡng nghiên cứu đưa ra các bằng chứng cải thiện thực hành điều dưỡng lâm sàng.
- Tăng cường phổ biến kết quả nghiên cứu.
Sử dụng rộng rãi các kênh thông tin như: nội san, tại chí chuyên ngành, Internet là phương tiện truyền thông rất có hiệu quả để tăng cường phổ biến và sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học điều dưỡng ở các bệnh viện, các tỉnh, cấp quốc gia và quốc tế là các giải pháp quan trọng để phổ biến các kết quả nghiên cứu và khuyến khích áp dụng các kết quả nghiên cứu vào thực hành.Kể từ năm 2005,trong tiêu chuẩn kiểm tra bệnh viện hàng năm đã đặt ra yêu cầu tổ chức Hội nghị khoa học hàng năm cho điều dưỡng.
Mỗi bệnh viện hoặc cơ sơ y tế phân công một điều dưỡng phụ trách công tác nghiên cứu điều dưỡng.Cần lựa chọn một điều dưỡng có trình độ và có nhiệt huyết để đề xuất kế hoạch nghiên cứu điều dưỡng và triển khai áp dụng các kết quả nghiên cứu vào thực hành điều dưỡng.
ThS. Phạm Đức Mục
Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam
Tài liệu tham khảo
1. Canadian Nurses Asociation. Ethical Recearch Guidelinnes for Registered Nurses; 2002.
2. Carmen G. loiselle & Joanne Profetto McGrath. Canadian Essentials Of Nursing Research.Lippicott; 2004.
3. Dorothy Young Brockopp. Fundamentals of Nursing Research. Third Edition, Jones and Barlett Publishers; 2003
4. Geri LoBiondo-Wood & Judith Haber. Nursing Research, Methods, Critical Appraisal, and Utilisation. Mosbi; 2003.
5. Hội điều dưỡng Việt Nam. Kỷ yếu các đề tài nghiên cứu khoa học điều dưỡng; 2002.
6. Jeme A. Fain. Instrucctor’s Guide for Reading, Understanding and Applying Nursing Research; 1999.
7. Nancy Burn & Susan K. Grove. Understanding Nursing Research. Third Edition; sauders; 2002.
8. Rose Marie Nieswiadomy. Foundations of Nursing Research. Fourth Edition. Prentise Hall; 2002.
9. Vụ Điều trị – Bộ Y tế. Báo cáo kết quả điều tra nhiễm khuẩn bệnh viện 2001.
- KHOA ĐIỀU DƯỠNG TỔ CHỨC BẢO VỆ KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP
- ĐIỀU DƯỠNG VỚI CÔNG TÁC CHĂM SÓC TOÀN DIỆN TẠI VIỆT NAM
- CHỈ THỊ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN TỐT QUY TẮC ỨNG XỬ, NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP, HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH TẠI CÁC CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH
- CÁC THUẬT NGỮ CẦN LƯU Ý TRONG KIỂM SOÁT NHIỄM KHUẨN
- NGHIÊN CỨU THỰC TRẠNG NHẬN THỨC, THỰC HÀNH Y ĐỨC CỦA ĐIỀU DƯỠNG VIÊN TẠI BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG VÀ KẾT QUẢ MỘT SỐ BIỆN PHÁP CAN THIỆP