Vấn đề dinh dưỡng trong hen phế quản (phần 1)
Trong những năm gần đây, bệnh hen phế quản ngày càng trở nên phổ biến và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh đường hô hấp. Do hen phế quản là kết quả của sự tương tác giữa các yếu tố di truyền và môi trường, sự gia tăng đáng kể tỷ lệ mắc bệnh hiện nay dường như là kết quả của sự thay đổi các yếu tố môi trường.
Dinh dưỡng trong điều trị từ lâu đã là một yếu tố điều hòa quan trọng của nhiều bệnh về tim mạch, bệnh dạ dày-ruột và mãn tính. Vì vậy, người ta đã đưa ra giả thuyết rằng các thành phần dinh dưỡng ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và do đó cũng có thể tích cực tham gia vào việc khởi phát bệnh hen phế quản và các bệnh dị ứng khác.
Thực phẩm là nguyên nhân rất quan trọng khởi phát bệnh hen nhưng thường bị bỏ qua, vì các test trên da thông thường thường cho kết quả âm tính và bệnh sử thường không có ích nhiều cho chẩn đoán. Ở hầu hết các người bệnh, các triệu chứng xuất hiện dần dần trong vài giờ hoặc nhiều ngày sau khi ăn các thực phẩm gây dị ứng. Ước tính chỉ có dưới 10% người bệnh hen có thể nhận thấy sự xuất hiện các triệu chứng bị kích thích bởi một số loại thực phẩm hoặc đồ uống đã sử dụng. Trẻ em nhạy cảm với thực phẩm hơn người lớn. Các loại thực phẩm thông thường gây hen là sữa, trứng, cá, đậu phộng, đậu nành, men, phô mai, lúa mì, gạo và sôcôla.
Trứng: Trứng là một trong những chất gây dị ứng nhất trong tất cả các loại thực phẩm, và chỉ một lượng nhỏ trứng có thể dẫn đến các triệu chứng hen trong vài phút, bao gồm cả sốc phản vệ.
Sữa: Những người bệnh dị ứng sữa rất nhạy cảm có thể phản ứng với một lượng rất nhỏ protein sữa và thậm chí hít phải bột sữa cũng có thể khởi phát hen suyễn.
Đậu nành: Do việc sử dụng đậu nành trong chế biến thức ăn gần như không giới hạn, đó là một chất gây dị ứng ẩn. Giống như các chất gây dị ứng khác, protein đậu nành có thể gây ra các triệu chứng hen và sốc phản vệ.
Lúa mì: Lúa mì là chất gây dị ứng nhất trong ngũ cốc. Các kháng thể Ig E đã được chứng minh có nhiều trong thành phần của lúa mì. Lúa mì giàu chất gluten hơn các loại ngũ cốc khác. Đối với cá nhân quá mẫn cảm với lúa mì, các sản phẩm làm từ yến mạch, gạo, lúa mạch đen, lúa mạch hoặc ngô có thể được sử dụng thay thế.
Đậu phộng: Đậu phộng là một trong những loại thực phẩm gây dị ứng nhất và dị ứng đậu phộng là một trong những loại dị ứng thực phẩm phổ biến nhất. Nó có thể gây hen suyễn và sốc phản vệ gây tử vong trong nhiều trường hợp.
Cá: Mặc dù dầu cá có vai trò quan trọng trong bệnh hen, nhưng cá là một trong những nguyên nhân phổ biến gây dị ứng thực phẩm. Thông thường người bệnh dị ứng với cá nên tránh tất cả các loài cá nói chung.
Người viết: Nguyễn Diệu Hằng
TLTK
1. Varraso, R. Curr (2012). Nutrition and Asthma . Allergy Asthma Rep. 12(201).
2. Allan, Keith et al (2011). Diet and Asthma: Nutrition Implications from Prevention to Treatment. Journal of the American Dietetic Association , 111(2) , 258 – 268.
- KHOA ĐIỀU DƯỠNG TỔ CHỨC BẢO VỆ KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP
- VAI TRÒ CỦA NGHIÊN CỨU ĐIỀU DƯỠNG & THỰC HÀNH DỰA VÀO BẰNG CHỨNG
- ĐIỀU DƯỠNG VỚI CÔNG TÁC CHĂM SÓC TOÀN DIỆN TẠI VIỆT NAM
- CHỈ THỊ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN TỐT QUY TẮC ỨNG XỬ, NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP, HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH TẠI CÁC CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH
- CÁC THUẬT NGỮ CẦN LƯU Ý TRONG KIỂM SOÁT NHIỄM KHUẨN