Image SliderImage SliderImage SliderImage SliderImage Slider

Tin nổi bật:

Thông báo về việc công bố Dự thảo Báo cáo tự đánh giá chương trình đào tạo ngành Điều dưỡngThông báo về việc công bố Dự thảo Báo cáo tự đánh giá chương trình đào tạo ngành Điều dưỡng
Thông tin y học

Sốt ở trẻ em16/09/2019

SỐT Ở TRẺ EM

Sốt là một triệu chứng thường gặp của nhiều bệnh lý toàn thân gây nên rối loạn điều hòa thân nhiệt, làm phá vỡ sự cân bằng giữa sinh nhiệt và thải nhiệt của cơ thể. Trong nhiều bệnh lý, đặc biệt là các bệnh nhiễm khuẩn, triệu chứng sốt thường xuất hiện rất sớm. Vì vậy, sốt còn được coi là triệu chứng nhạy  bén và đáng tin cậy. Sốt là trạng thái thân nhiệt cao hơn bình thường, một trẻ được coi là sốt khi nhiệt độ ở nách >=37,5 ˚C.

Phát hiện triệu chứng sốt bằng cách hỏi bà mẹ, sờ vào ngực trẻ ở vùng 
nách hoặc đo nhiệt độ.

Một số tác giả cho rằng: “Sốt là hiện tượng tăng thân nhiệt của cơ thể được xác nhận khi đo nhiệt độ ở hậu môn trên 37,8 ˚C (ở trẻ bú mẹ) hoặc trên 38 ˚C (ở trẻ lớn hơn) trong điều kiện cơ thể nghỉ ngơi, do hậu quả của sự rối loạn trung tâm điều hòa nhiệt ở vùng dưới đồi làm tăng ngưỡng thân nhiệt”.

-        Sốt cấp tính: thường dưới 7 ngày, gồm các bệnh nhiễm trùng do virus.

-        Sốt kéo dài: là thuật ngữ dùng để chỉ những người bệnh có nhiệt độ đo ở hậu môn trên 37,8 ˚C (ở trẻ bú mẹ) hoặc trên 38 ˚C (ở trẻ lớn hơn) trong một thời gian ít nhất 2 tuần.

-        Sốt dai dẳng: sốt nhiều ngày nhưng không liên tục, có những ngày không sốt

Sốt thường là đáp ứng của cơ thể với các yếu tố nhiễm trùng (vi khuẩn, vi rút…) hoặc có thể do những yếu tố không nhiễm trùng (bệnh hệ thống, bệnh ác tính, sau tiêm chủng, vận động…). Trên thực tế, sốt là một hiện tượng có lợi cho cơ thể, khi thân nhiệt tăng có tác dụng ức chế hoạt động, thậm chí có thể tiêu diệt được vi khuẩn, vi rút. Khi sốt, tính  đề kháng của cơ thể tăng lên do tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch, tăng hiện tượng thực bào và tổng hợp kháng thể. Tuy nhiên, sốt cao ở trẻ em nếu không được xử trí kịp thời có thể xảy ra các hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của trẻ như co giật hoặc động kinh. Vì vậy việc kiểm soát tốt nhiệt độ của trẻ và thái độ, cách xử trí đúng khi trẻ bị sốt là rất quan trọng. Mặt khác, sốt thường xảy ra rất đột ngột, bất ngờ; người đầu tiên phát hiện và xử trí cho trẻ thường là người mẹ. Nếu người mẹ có thái độ và phương pháp xử trí đúng thì sẽ hạn chế rất nhiều hậu quả không tốt cho trẻ, ngược lại nếu người mẹ không có kiến thức và phương pháp xử trí đúng thì có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Do đó, khi chăm sóc trẻ bị sốt ở nhà người chăm sóc trẻ cần lưu ý:

– Nếu trẻ sốt dưới 38,5˚C thì không cần phải cho uống thuốc hạ sốt ngay mà nên cho  trẻ uống nhiều nước,  mặc áo quần thoáng mát, dùng nước ấm lau nách và bẹn,để hạ sốt cho trẻ.

– Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 ˚C thì phải cho bé uống thuốc hạ sốt ngay. Đồng thời hãy cho trẻ uống nhiều nước để tránh tình trạng mất nước. Thường xuyên cặp nhiệt độ để theo dõi thân nhiệt của trẻ, từ đó có những biện pháp chăm sóc tiếp theo.

-  Nếu trẻ có dấu hiệu sốt cao, trên 39 ˚C, co giật… thì tốt nhất mẹ hãy đưa trẻ đến trung tâm y tế, bệnh viện gần nhà nhất để các bác sĩ chuyên khoa sẽ điều trị cho trẻ kịp thời.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Hoàng Trọng Kim (2006). Sốt ở trẻ em. NHI KHOA chương trình đại học. Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh tập 1, NXN Y học, Tr. 377-386
  2. Kliegman (2007) Fever, Nelson Texbook of Pediatrics 18th Edition, WB Saunder Company USA

 

Người viết: Ngô Thị Phương Hoài

 

 

 

»     Tin mới nhất:

»     Tin khác: