Image SliderImage SliderImage SliderImage SliderImage Slider

Tin nổi bật:

Thông báo về việc công bố Dự thảo Báo cáo tự đánh giá chương trình đào tạo ngành Điều dưỡngThông báo về việc công bố Dự thảo Báo cáo tự đánh giá chương trình đào tạo ngành Điều dưỡng
Thông tin điều dưỡng

CHẾ ĐỘ ĂN CHO BỆNH NHÂN TRƯỚC MỔ18/03/2017

1. ĐẠI CƯƠNG

Trong các bệnh ngoại khoa, dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng vì bệnh nhân ngoại khoa phải đủ sức vượt qua được phẫu thuật mất máu, dịch thể, sức lực trong phẫu thuật, thậm chí cả trước khi phẫu thuật. Chế độ dinh dưỡng tốt trước và sau thủ thuật sẽ góp phần tăng sức chịu đựng của bệnh nhân cho cuộc mổ và nhanh chóng hồi phục sức khoẻ sau mổ.

Về dinh dưỡng trong các bệnh ngoại khoa có thể chia ra 3 thời kỳ:  trước phẫu thuật, chuẩn bị phẫu thuật và sau phẫu thuật

Thời kỳ trước mổ là thời kỳ được tính từ khi bệnh nhân vào viện đến khi được mổ. Thời kỳ trước mổ được chia ra 2 giai đoạn:  giai đoạn trước phẫu thuật và giai đoạn chuẩn bị phẫu thuật. Thời kỳ này dài hay ngắn tuỳ thuộc vào giai đoạn cần cấp cứu và phụ thuộc vào tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân. Chế độ ăn cần tăng cường chất dinh dưỡng cho bệnh nhân đủ sức chịu đựng phẫu thuật.

2. GIAI ĐOẠN TRƯỚC PHẪU THUẬT

2.1. Vai trò của chế độ ăn

Tăng cường tối đa tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân nhằm giúp bệnh nhân đủ sức chịu đựng phẫu thuật  và đề phòng các biến chứng trong mổ và sau mổ.

2.2. Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn

Chế độ dinh dưỡng trong thời kỳ này cần đảm bảo:

 - Nhiều protein: đây là điểm quan trọng nhất, vì bệnh ngoại khoa thường làm cho cơ thể mất nhiều protein do chảy máu, vết thương, do viêm, do bỏng nặng...

- Nhiều năng lượng: nhu cầu năng lượng cần tăng thêm từ 10 - 50% và đôi khi phải tăng tới 100% so với bình thường.

 - Nhiều glucid: nhằm cung cấp năng lượng và glucid, còn làm cho gan tích trữ được nhiều glycogen và có tác dụng bảo vệ gan khỏi bị tổn thương do dùng thuốc mê.

 - Duy trì chế độ dinh dưỡng cao: ít nhất 1 tháng đối với bệnh nhân bị suy nhược nhiều(SDD nặng), có khi phải duy trì hàng tháng hoặc hơn như những trường hợp phải ghép gan…

2.3. Dinh dưỡng trước phẫu thuật trong một số bệnh đặc biệt

- Bệnh đái tháo đường: đối với bệnh này khi phẫu thuật rất hay có biến chứng. Vì vậy trước khi phẫu thuật phải cho chế độ ăn điều trị nhằm giảm glucoza máu và giảm tình trạng toan.

 - Bệnh béo phì: khi béo phì bệnh nhân thường bị bệnh tim, gan, thận yếu đồng thời do lớp mỡ thành bụng quá dày, vết mổ thường phải to nên vết mổ lâu liền. Do vậy, phải cho chế độ ăn điều trị bệnh béo phì trước khi mổ.

 - Trong các trường hợp đặc biệt khác: tùy theo bệnh mà cho chế độ ăn dinh dưỡng phù hợp: bệnh nhân xuất huyết cần nhiều sắt, bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết, vết thương mưng mủ... cần nhiều protein, bệnh nhân dùng nhiều kháng sinh cần bổ sung nhiều vitamin...

3. GIAI ĐOẠN CHUẨN BỊ PHẪU THUẬT

Thời gian chuẩn bị phẫu thuật thường là 24 giờ cách ca phẫu thuật.

3.1. Vai trò của chế độ ăn

Đảm bảo giảm bớt cặn bã trong ruột, giảm vi trùng đường ruột nhất là khi phẫu thuật đường tiêu hoá, tránh nôn và chịu đựng được thuốc mê.

3.2. Nguyên tắc xây dựng chế độ ăn

Thời gian này không nhất thiết phải nhịn ăn, tuy nhiên cần lưu ý như sau:

-      Ngày trước hôm phẫu thuật: cho người bệnh  ăn nhẹ nhằm nương nhẹ bộ máy tiêu hoá, thức ăn mềm, ít chất xơ. Buổi chiều ăn ít hơn buổi trưa.

-      Sáng hôm phẫu thuật: bệnh nhân phải nhịn ăn, chỉ cho bệnh nhân uống nước đường hoặc một ít nước chín.

3.3. Mẫu thực đơn giai đoạn chuẩn bị phẫu thuật

-         6h - 7h30: súp 300ml (gạo 30g + thịt nạc 40g + khoai tây 50g + cà rốt 50g).

-         9h00: sữa ensure 200ml.

-         11h00: cháo thịt băm 500ml (gạo 50g + thịt nạc 40g + hành 5g).

-         14h00: thanh long xay sinh tố 300g = 200ml.

-         18h00: sữa ensure 47g = 200ml.

-         20h00: nước cam 150ml (cam 200g + đường 20g)

-         Thành phần dinh dưỡng:

Protid:  44g                            Lipid: 20g                              Cholesterol: 54g                   Glucid: 139g                         K: 1657mg                             Na: 826mg

Ca: 10mg                               Magie: 172mg                       Vitamin C:  182mg

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Y tế (2007), Hướng dẫn chế độ ăn bệnh viện, Nhà xuất bản y học, Hà Nội.
  2. Trần Minh Đạo, Doãn Thị Tường Vi (2011), Dinh dưỡng bệnh lý, Nhà xuất bản y học, Hà Nội
  3. Võ Văn Đông (2014), Tập bài giảng Tiết chế, Trường Đại học Duy Tân

Người viết bài: Trần Thị Mỹ Hương

 

»     Tin mới nhất:

»     Tin khác: