Image SliderImage SliderImage SliderImage SliderImage Slider

Tin nổi bật:

Thông báo về việc công bố Dự thảo Báo cáo tự đánh giá chương trình đào tạo ngành Điều dưỡngThông báo về việc công bố Dự thảo Báo cáo tự đánh giá chương trình đào tạo ngành Điều dưỡng
Thông tin y học

TÁC HẠI TỪ VIỆC CHĂM SÓC SỨC KHOẺ RĂNG MIỆNG KÉM Ở NGƯỜI CAO TUỔI16/11/2020

Sức khỏe răng miệng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ, bệnh răng miệng là nguyên nhân phổ biến khiến người cao tuổi đi khám. Việc sử dụng thuốc và các bệnh mãn tính thường gặp ở người cao tuổi, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hay bệnh tim mạch khiến người cao tuổi có nguy cơ mắc các vấn đề về răng miệng cao hơn.

Tuy nhiên, việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc nha khoa ở người cao tuổi chưa được chú trọng. Hơn nữa, thiếu phương tiện đi lại, suy giảm trí nhớ do tuổi tác, các vấn đề nhận thức khác và khuyết tật về thể chất cũng có thể dẫn đến việc bỏ lỡ các cuộc hẹn với nha sĩ. Từ đó dẫn đến sự giảm sút sức khoẻ răng miệng ở người cao tuổi..

Chăm sóc răng miệng tốt có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề phổ biến, như bệnh nướu răng và rụng răng. Răng khỏe mạnh cũng giúp người cao tuổi thích ăn và ăn ngon miệng hơn. Cần tìm hiểu tại sao phải ưu tiên chăm sóc sức khỏe răng miệng cho người cao tuổi và cách giúp người cao tuổi cải thiện sức khỏe răng miệng của họ. Dưới đây là 7 tác hại thường gặp từ việc chăm sóc sức khoẻ răng miệng kém ở người cao tuổi:

Sâu răng.

Mảng bám do vi khuẩn làm hại men răng và gây sâu răng. Một trong những lý do khiến người cao tuổi có nguy cơ bị sâu răng là khô miệng. Khô miệng ở người cao tuổi là tác dụng phụ của một số loại thuốc thường dùng, chẳng hạn như thuốc điều trị trầm cảm, hen suyễn và huyết áp cao.

Bệnh nướu răng.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC), cứ ba người từ 65 tuổi trở lên thì có hai người mắc bệnh nướu răng. Bệnh nướu răng nghiêm trọng, còn được gọi là viêm nha chu, có thể dẫn đến đau, chảy máu nướu răng, các vấn đề về nhai và rụng răng, cùng các vấn đề răng miệng khác. Tuy nhiên, nhiều người không biết mình bị bệnh nướu răng vì bệnh này không gây ra các triệu chứng cho đến khi bệnh tiến triển. Chăm sóc răng miệng tốt và khám răng thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa bệnh nướu răng.

Rụng răng.

Rụng răng thường gặp ở người cao tuổi. Trên thực tế, 1/5 người từ 65 tuổi trở lên đã mất hết răng, theo CDC. Mất răng có thể ảnh hưởng đến dinh dưỡng vì người cao tuổi bị mất răng phải ăn những thực phẩm nấu nhừ thay vì thưởng thức các lựa chọn thực phẩm tươi, như trái cây và rau xanh.

Bệnh tim mạch.

Theo Viện hàn lâm nha khoa Hoa Kỳ, tình trạng viêm do bệnh nướu răng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Bệnh nướu răng cũng có thể làm cho một số bệnh tim trở nên tồi tệ hơn và có thể liên quan đến nguy cơ đột quỵ cao hơn.

Bệnh tiểu đường.

Những người kiểm soát lượng đường trong máu kém có nguy cơ cao mắc các vấn đề về răng miệng, chẳng hạn như viêm và bệnh nướu răng. Điều này là do quá nhiều glucose (đường) trong nước bọt giúp vi khuẩn phát triển trong miệng.

Viêm phổi.

Người cao tuổi vệ sinh răng miệng kém, đặc biệt là những người hút thuốc, có nhiều nguy cơ bị viêm phổi do vi khuẩn. Điều này được lý giải là khi hít thở, vi khuẩn trong miệng có thể di chuyển đến phổi. Giữ vệ sinh răng miệng tốt ở người lớn tuổi không thể tự chăm sóc bản thân có thể giúp giảm nguy cơ mắc loại viêm phổi này.

Ung thư khoang miệng.

Người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh ung thư khoang miệng cao hơn. Nguy cơ cao hơn đối với những người hút thuốc lá điếu, tẩu hoặc xì gà.

Để cải thiện sức khoẻ răng miệng ở người cao tuổi, chúng ta có thể nhắc nhở và hướng dẫn người cao tuổi những điều sau:

• Nhắc nhở người cao tuổi chải răng hai lần mỗi ngày với kem đánh răng có fluor. Bàn chải đánh răng mềm có thể giúp vệ sinh răng miệng dễ dàng hơn.

• Nhắc nhở người cao tuổi dùng chỉ nha khoa thường xuyên. Dùng chỉ nha khoa hàng ngày giúp ngăn ngừa mảng bám và bệnh nướu răng.

• Giữ răng giả sạch sẽ. Nhắc nhở người cao tuổi làm sạch toàn bộ hoặc một phần răng giả hàng ngày và tháo chúng ra vào ban đêm.

• Đi khám nha sĩ thường xuyên. Đi khám răng thường xuyên nhằm ngăn ngừa các vấn đề về răng miệng và giữ cho răng khỏe mạnh. Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ khuyến cáo nên đến gặp nha sĩ ít nhất mỗi năm một lần để làm sạch và kiểm tra sức khỏe răng miệng. Cần trao đổi với nha sĩ về các tình trạng sức khoẻ và các thuốc mà người cao tuổi đang dùng.

• Khuyến khích người cao tuổi ăn một chế độ ăn lành mạnh không nhiều đường để giúp ngăn ngừa sâu răng và các vấn đề sức khỏe khác.

• Khuyến khích người cao tuổi ngừng hút thuốc. Bỏ thuốc lá rất khó, nhưng nó giúp giảm nguy cơ mắc nhiều vấn đề sức khỏe. Nhân viên y tế có thể đưa ra kế hoạch giúp người cao tuổi bỏ thuốc lá một cách từ từ và hiệu quả.

Người viết: Trương Thị Bé Em

Nguồn: https://www.aplaceformom.com/caregiver-resources/articles/senior-dental-care

»     Tin mới nhất:

»     Tin khác: