Image SliderImage SliderImage SliderImage SliderImage Slider

Tin nổi bật:

Thông báo về việc công bố Dự thảo Báo cáo tự đánh giá chương trình đào tạo ngành Điều dưỡngThông báo về việc công bố Dự thảo Báo cáo tự đánh giá chương trình đào tạo ngành Điều dưỡng
Thông tin y học

Bổ sung nước đầy đủ có thể làm giảm nguy cơ suy tim về lâu dài17/04/2022

Suy tim là một tình trạng mãn tính phát triển khi tim không bơm đủ máu cho nhu cầu của cơ thể, ảnh hưởng đến hơn 6,2 triệu người Mỹ, tức là hơn 2% tổng dân số. Suy tim cũng phổ biến hơn ở người lớn từ 65 tuổi trở lên.

Sau khi tiến hành nghiên cứu tiền lâm sàng cho thấy mối liên hệ giữa mất nước và xơ hóa cơ tim, cứng cơ tim, Dmitrieva và các nhà nghiên cứu đã tìm kiếm các mối liên quan tương tự trong các nghiên cứu với quy mô dân số lớn. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích dữ liệu từ hơn 15.000 người trưởng thành, tuổi từ 45-66, những người đăng ký tham gia nghiên cứu về Nguy cơ xơ vữa động mạch trong cộng đồng từ năm 1987-89 và chia sẻ thông tin từ các lần khám bệnh trong khoảng thời gian 25 năm.

Tiêu chuẩn lựa chọn những đối tượng tham gia vào nghiên cứu là những người có mức độ hydrat hóa trong giới hạn bình thường đồng thời không mắc các bệnh tiểu đường, béo phì hoặc suy tim thời điểm bắt đầu nghiên cứu. Khoảng 11.814 người trưởng thành đã được đưa vào phân tích cuối cùng, các nhà nghiên cứu nhận thấy, 1.366 người (11,56%) sau đó bị suy tim.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét mức độ liên quan giữa quá trình hydrat hóa với nguy cơ suy tim thông qua chỉ số nồng độ Natri trong máu, thường tăng lên khi cơ thể bị thiếu/mất nước. Đây cũng là chỉ số lâm sàng hữu ích để đánh giá nguy cơ suy tim, phì đại tâm thất trái hay sự dày lên của cơ tim ở những người lớn tuổi.

Ví dụ, những người trưởng thành có nồng độ natri huyết thanh bắt đầu từ 143 (mEq/ L) - mức bình thường là 135-146 mEq / L - có 39% nguy cơ mắc bệnh suy tim tăng lên so với những người trưởng thành có mức thấp hơn ở nhóm tuổi trung niên. Và cứ mỗi 1 mEq/ L tăng của mức natri huyết thanh trong phạm vi bình thường 135-146 mEq/ L, khả năng bệnh nhân bị suy tim tăng 5%.

Trong nhóm đối tượng khoảng 5.000 người lớn ở độ tuổi 70-90 được phân tích, những người có mức Natri huyết thanh là 142,5-143 mEq/ L ở tuổi trung niên có nguy cơ bị phì đại thất trái cao hơn 62%. Nồng độ natri huyết thanh bắt đầu từ 143 mEq/ L tương quan với tăng 102% nguy cơ phì đại thất trái và tăng 54% nguy cơ suy tim.

Dựa trên những dữ liệu này, các tác giả kết luận nồng độ Natri huyết thanh trên 142 mEq/ L ở tuổi trung niên có liên quan đến tăng nguy cơ phát triển phì đại thất trái và suy tim sau này trong cuộc đời. Những kết quả phân tích cho thấy quá trình hydrat hóa tốt có thể giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển của những thay đổi trong tim có thể dẫn đến suy tim. Các nhà nghiên cứu cũng khuyến nghị cần tiến hành một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng để xác nhận những phát hiện ban đầu này.

 

Người viết: Phạm Thị Ngọc An

Nguồn tham khảo: https://www.nih.gov/news-events/news-releases/good-hydration-may-reduce-long-term-risks-heart-failure, truy cập ngày 16/4/2022

»     Tin mới nhất:

»     Tin khác: