Image SliderImage SliderImage SliderImage SliderImage Slider

Tin nổi bật:

Thông báo về việc công bố Dự thảo Báo cáo tự đánh giá chương trình đào tạo ngành Điều dưỡngThông báo về việc công bố Dự thảo Báo cáo tự đánh giá chương trình đào tạo ngành Điều dưỡng
Thông tin y học

Ung thư hậu môn18/11/2023 16:44:40

Ung thư hậu môn là gì?

Ung thư hậu môn là tình trạng các tế bào ở lớp niêm mạc (lớp lót bên trong ống hậu môn) phân chia mất kiểm soát, hình thành các khối u. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, các tế bào ung thư có thể di căn đến các cơ quan xa trong cơ thể (di căn).

Về giải phẫu học, ống hậu môn dài khoảng 3-4cm, từ bờ ngoài hậu môn đến vòng nối hậu môn – trực tràng. Đường lược nằm trong ống hậu môn và phân ranh giới hai loại mô học: phía trên đường lược là kiểu niêm mạc của đại trực tràng, phía dưới đường lược là biểu mô gai không sừng hóa. Ngay tại đường lược là biểu mô chuyển tiếp. Giới hạn của hậu môn là một rìa da cách quanh hậu môn 5cm đường kính.

Dẫn lưu hạch bạch huyết: phần trên đường lược được dẫn lưu dọc theo bó mạch trĩ đến hạch cạnh trực tràng và hạch chậu trong; phần dưới đường lược và bờ ngoài hậu môn được dẫn lưu đến hạch bẹn.

Phân loại ung thư hậu môn

Ung thư hậu môn thường được chia thành 2 nhóm căn cứ vào vị trí bướu xuất hiện đầu tiên, bao gồm:

  • Ung thư ống hậu môn (trên rìa hậu môn).
  • Ung thư da quanh hậu môn (dưới rìa hậu môn).

Phần lớn các trường hợp ung thư ống hậu môn là ung thư biểu mô tế bào gai, sau đó đến ung thư biểu mô tuyến từ trực tràng thấp, bướu hắc tố và các loại bướu hiếm gặp khác. Các ung thư ở rìa hậu môn có thể xếp vào nhóm ung thư da và điều trị giống như một trường hợp ung thư da.

  • Ung thư biểu mô tế bào gai: thường gặp ở lứa tuổi trung niên, nữ nhiều hơn nam với biểu hiện lâm sàng có xuất huyết tiêu hóa thấp, đau tầng sinh môn hoặc sờ thấy khối tại chỗ.
  • Ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp (cloacogenic carcinoma): chiếm 25%, khối bướu xuất phát từ những tế bào gần tương tự như tế bào gai.
  • Ung thư biểu mô tuyến: Thường là tổn thương xâm lấn từ trên xuống của ung thư trực tràng hoặc từ lớp biểu mô trụ của vùng chuyển tiếp, rất hiếm khi xuất phát trực tiếp từ các ống tuyến tại hốc hậu môn.
  • Ung thư biểu mô dạng mụn cóc: là một biến thể hiếm gặp và thường được coi là trung gian giữa bướu nhú (condyloma) và ung thư biểu mô tế bào gai.
  • Ung thư hắc tố (melanoma): tương đối hiếm, thường bị nhầm lẫn với búi trĩ sa và dẫn đến chẩn đoán muộn.
  • Bướu mô đệm đường tiêu hóa (GIST): GIST ống hậu môn gặp ở nam nhiều hơn nữ và ở lứa tuổi trên 40. Nguy cơ tái phát muộn và di căn xa tới gan, phổi và xương.
  • Bướu thần kinh nội tiết: không thường gặp, tiên lượng thường xấu. Khối bướu thường xuất phát từ phía trên hậu môn, tiến triển nhanh và hay di căn xa.

Triệu chứng chính của ung thư hậu môn

  • Các triệu chứng của ung thư hậu môn có thể bao gồm:
  • Chảy máu từ phía dưới
  • Ngứa và đau quanh hậu môn
  • Cục nhỏ xung quanh và bên trong đáy
  • Xả chất nhầy từ phía dưới
  • Gặp vấn đề trong việc kiểm soát khi bạn đi cầu (ruột không tự chủ)
  • Cần đi cầu thường xuyên với phân lỏng hơn, lỏng hơn
  • Ung thư hậu môn có thể không có triệu chứng nào cả hoặc khó phát hiện.
  • Các triệu chứng của ung thư hậu môn thường tương tự như bệnh trĩ và nứt hậu môn, là những tình trạng phổ biến và ít nghiêm trọng hơn.

Ai có nguy cơ bị ung thư hậu môn?

Theo thống kê, có 80% trường hợp chẩn đoán mới ung thư hậu môn đều gặp ở những người trên 60 tuổi. Trong đó trước 35 tuổi, nam giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn so với nữ giới. Tuy nhiên đối với những người trên 50 tuổi, tỷ lệ mắc ở nữ giới cao hơn. Và cũng theo thống kê, nam giới độc thân có tỷ lệ mắc ung thư hậu môn cao gấp 6 lần nam giới đã lập gia đình.

Cho đến nay, nguyên nhân gây ung thư hậu môn vẫn chưa được xác định chính xác do có nhiều nhóm nguy cơ được tìm thấy ở bệnh nhân. Một số nguyên nhân có thể gặp gồm:

  • Suy giảm miễn dịch: người suy giảm miễn dịch như HIV, người ghép tạng, người dùng các thuốc ức chế miễn dịch có nguy cơ mắc ung thư hậu môn cao.
  • Quan hệ tình dục không an toàn (qua đường hậu môn hoặc có nhiều bạn tình): làm tăng nguy cơ nhiễm virus u nhú ở người HPV và ung thư hậu môn.
  • Nhiễm virus u nhú ở người HPV: Các nghiên cứu đã chứng minh nhiễm HPV là yếu tố nguy cơ của ung thư hậu môn. Quan hệ tình dục với người nhiễm virus u nhú ở người HPV là đường lây truyền phổ biến nhất.
  • Hút thuốc lá: Đây là yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, trong đó có ống hậu môn. Người hút thuốc lá nguy cơ bị ung thư hậu môn tăng gấp 8 lần so với người không hút thuốc.
  • Rò hậu môn kéo dài: Đây là tình trạng lỗ rò thông thương giữa ống hậu môn và da bên ngoài. Lỗ rò thường xuyên chảy dịch, phân gây kích thích các mô xung quanh lỗ hậu môn.

Cách chẩn đoán bệnh ung thư hậu môn

Đầu tiên, bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử về thời gian các triệu chứng xuất hiện, tiền căn nhiễm HIV, viêm đại tràng hoặc xạ trị trước kia, thói quen sinh hoạt tình dục…

Sau khi khai thác thông tin bệnh sử và thói quen sinh hoạt, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và đưa ra chỉ định cận lâm sàng nhằm chẩn đoán bệnh ung thư hậu môn:

  • Khám hậu môn – trực tràng bằng tay: mục đích kiểm tra, tìm kiếm các dấu hiệu bất thường trong ống hậu môn.
  • Khám hạch bẹn 2 bên.
  • Khám phụ khoa: đối với những bệnh nhân là nữ giới.
  • Xét nghiệm máu: làm test HIV.
  • Nội soi ống hậu môn: giúp đánh giá trực tiếp tổn thương và sinh thiết khi có tổn thương nghi ngờ.
  • Siêu âm qua ngả hậu môn: giúp đánh giá tình trạng hạch vùng.
  • Chụp X-quang phổi, chụp cắt lớp vi tính toàn thân (CT-scan) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI): nhằm đánh giá mức độ xâm lấn của bướu và tình trạng di căn xa.
  • Chụp PET/CT: dùng để đánh giá mức độ lan rộng của bướu, di căn hạch vùng và di căn xa. Ngoài ra còn dùng để đánh giá đáp ứng sau điều trị.

Cách điều trị ung thư hậu môn phổ biến

Các phương pháp điều trị đối với người bệnh bị ung thư hậu môn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm: thể trạng sức khỏe, bệnh lý đi kèm, tình trạng dinh dưỡng, giải phẫu bệnh, giai đoạn ung thư, tinh thần và nguyện vọng của bệnh nhân. Hiện nay, các hướng dẫn điều trị ung thư từ Bộ Y tế và các hiệp hội ung thư trên thế giới đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc phối hợp nhiều phương pháp điều trị như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị… (còn gọi là điều trị đa mô thức), nhằm tối ưu hóa hiệu quả điều trị ung thư. Đồng thời, việc đưa ra kế hoạch điều trị còn tùy thuộc từng trường hợp bệnh nhân cụ thể (cá thể hóa).

Carcinoma tế bào gai:

  • Ung thư ống hậu môn:
  • Hóa – xạ trị đồng thời: Phương pháp này được chỉ định với các trường hợp ung thư giai đoạn 1, 2, 3. Mục tiêu chính cần đạt được là bảo tồn cơ thắt hậu môn, với hy vọng giúp bệnh nhân vẫn giữ được khả năng đi đại tiện qua đường hậu môn. Tùy đáp ứng sau hóa-xạ trị mà sẽ lựa chọn điều trị bước sau với các phương pháp điều trị khác. Các biến chứng có thể gặp do xạ trị: mệt mỏi, phản ứng da từ nhẹ đến vừa, rối loạn tiêu hóa, cảm giác khó chịu khi đi vệ sinh…
  • Hóa trị: Phương pháp này được chỉ định với các trường hợp ung thư giai đoạn 4. Trong điều trị ung thư hậu môn phác đồ hóa trị thường kết hợp nhiều thuốc để làm tăng hiệu quả điều trị. Tùy đáp ứng sau hóa trị mà sẽ lựa chọn kết hợp thêm với các phương pháp điều trị khác (hóa – xạ trị đồng thời hoặc liệu pháp miễn dịch). Các tác dụng phụ của hóa trị có thể gặp: mệt mỏi, nôn và buồn nôn, rụng tóc, tiêu chảy, chán ăn…
  • Phẫu thuật: Chỉ định phẫu thuật ngay từ đầu rất ít gặp, có thể bao gồm:
  • Phẫu thuật mở hậu môn nhân tạo: có thể xem xét mở hậu môn nhân tạo trước khi bắt đầu hóa-xạ trị để tránh những tác dụng phụ do xạ trị; hoặc trường hợp bệnh tiến triển, tái phát.
  • Phẫu thuật cắt cụt trực tràng đường bụng và tầng sinh môn (abdominoperineal resection – APR) trong trường hợp chống chỉ định xạ trị vùng tiểu khung (bệnh nhân đã xạ trị vùng chậu trước đó, ví dụ: ung thư cổ tử cung); hoặc bệnh tiến triển, tái phát sau hóa-xạ trị.
  • Ung thư da quanh hậu môn:
  • Phẫu thuật: Cắt rộng sang thương với diện cắt cách bướu ≥ 1cm nếu T1, N0, biệt hóa tốt, trung bình; hoặc T2 (chưa xâm lấn cơ thắt hậu môn), N0. Tùy yếu tố nguy cơ dựa trên kết quả giải phẫu bệnh sau phẫu thuật (diện cắt dương tính…), bệnh nhân có thể được điều trị phẫu thuật lại hoặc hóa-xạ trị đồng thời.
  • Hóa-xạ trị đồng thời: Chỉ định trong hầu hết các trường hợp T1, N0, biệt hóa kém; hoặc T2-4, N0; hoặc T bất kỳ, N1. Tùy đáp ứng sau hóa-xạ trị mà sẽ lựa chọn kết hợp thêm với các phương pháp điều trị khác.
  • Hóa trị: Chỉ định với các trường hợp ung thư giai đoạn 4. Trong điều trị ung thư hậu môn phác đồ hóa trị thường kết hợp nhiều thuốc để làm tăng hiệu quả điều trị. Tùy đáp ứng sau hóa trị mà sẽ lựa chọn kết hợp thêm với hóa-xạ trị đồng thời hoặc liệu pháp miễn dịch. Các tác dụng phụ của hóa trị có thể gặp: mệt mỏi, nôn và buồn nôn, rụng tóc, tiêu chảy, chán ăn…
  • Carcinoma tuyến: Bệnh được khuyến cáo điều trị giống như một trường hợp ung thư trực tràng đoạn thấp.

Cách phòng ngừa bệnh ung thư hậu môn

Hiện nay vẫn chưa có các biện pháp phòng ngừa ung thư hậu môn đặc hiệu. Một số biện pháp giúp phòng ngừa có thể bao gồm:

  • Không hút thuốc lá.
  • Quan hệ tình dục an toàn, hạn chế quan hệ nhiều bạn tình, sử dụng bao cao su khi quan hệ qua đường hậu môn nhằm hạn chế nguy cơ nhiễm HIV, HPV…
  • Tiêm phòng vaccine phòng ngừa virus u nhú HPV ở người.

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư hậu môn cần chú ý gì?

Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình điều trị ung thư nói chung và ung thư hậu môn nói riêng. Liệu pháp dinh dưỡng nên được thực hiện ngay từ thời điểm phát hiện ung thư và theo dõi suốt quá trình điều trị bệnh. Nếu bệnh nhân có chế độ dinh dưỡng tốt, bệnh nhân có thể duy trì sức khỏe, giữ cân nặng ổn định, tăng cường sức đề kháng để chống lại nhiễm khuẩn, hạn chế các tác dụng phụ và nhanh hồi phục sau điều trị ung thư.

Ung thư hậu môn nên ăn gì?

  • Rau có màu xanh: Bệnh nhân nên bổ sung các loại rau như bắp cải, rau bó xôi… vào bữa ăn ngày. Các loại rau này chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ, axit folic và vitamin B.
  • Khoai lang: Thành phần trong khoai lang chứa chất chống oxy hóa trong khoai lang có tác dụng ức chế hoạt động của tế bào ung thư. Do đó, khoai lang là thực phẩm phù hợp cho người bị ung thư hậu môn.
  • Các loại trái cây: Một số loại trái cây giàu vitamin cần thiết cho bệnh ung thư hậu môn được gợi ý như cam, dưa hấu, dâu tây, đu đủ, bơ…
  • Các loại ngũ cốc nguyên hạt: Bệnh nhân ung thư hậu môn đang điều trị bằng hóa chất, xạ trị nên ưu tiên bổ sung ngũ cốc nguyên hạt, cung cấp nhiều chất xơ, vitamin, sắt, magie, folate… Các chất này rất tốt cho sức khỏe của người bị ung thư hậu môn.
  • Sữa và các chế phẩm từ sữa: Sữa và những loại thực phẩm từ sữa đều rất mềm và có mùi vị thơm ngon, dễ chịu, giúp dễ tiêu hóa và kích thích vị giác. Hàm lượng dinh dưỡng có trong sữa rất cao, bao gồm protein, canxi, vitamin D, vitamin A, vitamin B12, vitamin B2, nioxin, phốt pho, kali và magie có khả năng tăng cường hệ miễn dịch và nâng cao sức khỏe nhanh chóng.
  • Uống đủ nước: Uống từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày giúp bệnh nhân hạn chế tình trạng táo bón và mệt mỏi. Lượng nước hàng ngày bao gồm cả nước lọc, nước canh, nước ép hoa quả.

Ung thư hậu môn nên kiêng ăn gì?

Bên cạnh những thực phẩm nên sử dụng, một số thực phẩm khác có thể chứa nguy cơ tiềm ẩn và ảnh hưởng đến quá trình điều trị của bệnh nhân ung thư hậu môn. Các loại thực phẩm này bao gồm:

  • Thịt đỏ (thịt bò, thịt cừu, thịt dê… ): Hàm lượng đạm cao trong các thực phẩm này có thể khiến bệnh nhân khó tiêu, đầy bụng. Bạn có thể thay thịt đỏ bằng thịt trắng (thịt gà, cá…).
  • Những món ăn chứa nhiều chất béo như: món nướng, chiên rán, xào, thịt xông khói, đồ đông lạnh, đóng hộp… Chất béo, đặc biệt là chất béo động vật có thể khiến dạ dày khó tiêu hóa, cản trở quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng.
  • Đồ ngọt chứa nhiều đường như: đồ ngọt tráng miệng, nước trái cây đóng hộp có đường, kẹo, đồ uống có đường…
  • Ngoài ra, không sử dụng các đồ uống chứa nhiều caffein, đồ uống có ga, bia rượu, thuốc lá…

Các lưu ý về dinh dưỡng cho người bệnh ung thư hậu môn

Bệnh ung thư hậu môn và tác dụng phụ của các phương pháp điều trị (hóa trị, xạ trị…) có thể gây ra các tình trạng thay đổi vị giác, chán ăn, mệt mỏi, suy nhược… khiến bệnh nhân ăn uống kém, dẫn đến thiếu dinh dưỡng. Một số phương pháp có thể giúp bệnh nhân ăn uống hiệu quả trong quá trình điều trị bao gồm:

  • Ăn đúng giờ, đúng bữa.
  • Ăn từ 6 đến 8 bữa nhỏ một ngày (thay vì chỉ ăn 3 bữa chính), mỗi bữa ăn cách 2-3 giờ.
  • Ăn chậm, nhai kỹ thức ăn.
  • Trong bữa ăn có thể uống thêm nước để làm mềm thức ăn, hỗ trợ việc nuốt dễ dàng hơn.
  • Ăn bất kể thời gian nào trong ngày ngay khi cảm thấy đói và có thể ăn được.
  • Ăn nhiều thực phẩm yêu thích.
  • Cố gắng đảm bảo bổ sung đầy đủ các nhóm thực phẩm như đã nêu ở phần trên, chế biến đa dạng theo nhiều cách khác nhau để kích thích cảm giác thèm ăn của bệnh nhân. Sử dụng các loại thực phẩm bổ sung dinh dưỡng theo tư vấn của bác sĩ.
  • Tập thể dục thể thao đều đặn, phù hợp với thể trạng sức khỏe của người bệnh.
  • Giữ chế độ sinh hoạt lành mạnh, suy nghĩ tích cực là một phương thức hỗ trợ hiệu quả khi điều trị ung thư.

Tùy theo tình trạng hiện tại của bệnh nhân ung thư hậu môn mà có chế độ dinh dưỡng được áp dụng khác nhau.

Ung thư hậu môn tuy là loại ung thư ít phổ biến, nhưng ngày càng có xu hướng trẻ hóa do các yếu tố nguy cơ, thói quen sinh hoạt tình dục thiếu lành mạnh… Mỗi bệnh nhân ung thư hậu môn là một cá thể riêng biệt, không ai giống ai, việc lựa chọn phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố; vì vậy bệnh nhân và gia đình cần chủ động trao đổi với bác sĩ để có được các hướng dẫn điều trị phù hợp nhất.

Tài liệu tham khảo

  1. https://www.nhs.uk/conditions/anal-cancer/where-to-find-help-and-support/
  2. https://tamanhhospital.vn/ung-thu-hau-mon/

Giảng viên

NGUYỄN THỊ LÊ